Tiếng Việt quanh nồi bánh chưng

Có rất nhiều từ ngữ liên quan đến Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền của dân tộc hết sức gần gũi trong cộng đồng tiếng Việt; nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của những từ ngữ đó.

Tiếng Việt quanh nồi bánh chưng

(TG) – Có rất nhiều từ ngữ liên quan đến Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền của dân tộc hết sức gần gũi trong cộng đồng tiếng Việt; nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của những từ ngữ đó.

Nói đến Tết Nguyên Đán, mỗi người dân Việt Nam chúng ta không thể không nói đến bánh chưng. Bánh chưng (cùng với bánh tét, bánh dày...) là một đặc sản độc đáo nhất của người Việt. Ở mỗi nhà, nhất là ở các vùng quê nông thôn, cảnh mọi gia đình tất bật chuẩn bị cho một cái Tết trong những ngày cuối năm thật gần gũi, thân thuộc. Cảnh mọi thế hệ trong gia đình quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa, ngoài trời kia, mưa phùn đang rơi trong heo may se lạnh cuối đông gợi lên một không khí sum vầy, ấm cúng đặc biệt lạ lùng trong đêm ba mươi Tết. Có rất nhiều từ ngữ liên quan đến Tết đã hết sức gần gũi trong cộng đồng tiếng Việt (và cũng đã được các nhà văn, nhà ngôn ngữ đây đó nói nhiều).

Tết Tân Sửu 2021 đã đến, xin góp vui cùng bạn đọc vài chuyện nhỏ (trong lúc ngồi chờ bánh chưng chín).

GIAO THỪA - TRỪ TỊCH - SAO LẠI LÀ "THỪA"? VÀ "TRỪ" HAY "CỘNG"?

Nhiều em nhỏ đã tròn mắt hỏi người lớn như vậy khi nghe nhắc tới cụm từ phút (giờ, lúc) giao thừa hay đêm trừ tịch. Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất, một năm chúng ta chỉ chứng kiến một lần. Nó trôi qua nhanh đến nỗi nhiều người không dám đi ngủ, cố thức hoài vì sợ không có cơ hội chứng kiến. Nhưng sao lại gọi là giao thừa (chứ không phải là giao thiếu)? Trong trí óc non nớt của trẻ thơ có thể có thắc mắc như vậy. Đây là một từ Hán-Việt gồm hai thành tố. Giao có nghĩa là “đan xen nhau, thay nhau, nối tiếp nhau hoặc trao cho nhau” (Như trong các kết hợp: giao dịch, giao điểm, giao phó...). Còn thừa có nghĩ là “gánh vác hay kế tiếp, thừa kế...” (thừa hành, thừa lệnh, thừa kế...). Giao thừa có nghĩa chung là “nhận lấy sự chuyển giao”. Theo quan niệm của tín ngưỡng dân gian, thì thời khắc cuối cùng của năm cũ (đúng 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp âm lịch) là lúc mà hai vị thần cai quản thiên hạ, gọi là ông Hành khiển (một cũ và một mới) làm công việc “bàn giao và tiếp nhận” mọi việc trông coi nơi hạ giới. Vào giờ này, người ta làm lễ cúng Thiên Địa (xôi, gà (thủ lợn), rượu, hoa, nước lã, vàng mã...) để cầu mong các vị thần ban cho mình tài lộc và hạnh phúc trong năm mới. Do vậy mà lễ cúng được thực hiện lộ thiên ngoài trời. Vì theo quan niệm, hai vị thần này phần vì bận, không ghé thăm lâu, phần vì kiêng bàn thờ tại gia, vốn chỉ dành để cúng lễ ông bà tổ tiên.

Đêm trừ tịch cũng chính là đêm 30 tháng Chạp. Theo nghĩa Hán - Việt, trừ là “bỏ đi, qua đi”, tịch là “đêm”. Nghĩa chung của trừ tịch là “đêm của năm (sẽ) qua đi”. Vậy nói đêm trừ tịch là người Việt ta đã dùng thừa một chữ đêm. Ta nghe đã quen đến nỗi nếu chỉ nói trừ tịch không có vẻ chưa trọn ý. Về mặt ngôn ngữ học, đó cũng là một độ dư cần thiết, khi đã dùng quen, ta có thể chấp nhận vì thành tố này mang sắc thái nghĩa bổ trợ (như ta vẫn nói cây cổ thụ (thụ = cây), bà quả phụ (phụ = người phụ nữ), ngày sinh nhật (nhật = ngày),...

Giao thừa - giây phút chuyển giao

Nghe trong hương gió xôn xao đất trời

Cho ta yêu mãi cuộc đời

Quê hương, làng xóm, bao người quanh ta...

CÂU ĐỐI - CẢ NỀN VĂN HÓA

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Đó là câu đối miêu tả đầy đủ nhất sáu món ăn, vật dụng cần thiết cho một cái Tết xưa. Ngày nay, chúng ta không còn thói quen đốt pháo nữa (để đảm bảo an toàn) thì năm thứ còn lại (thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, bánh chưng xanh) cũng đủ mang lại một hương vị Tết “đậm đà bản sắc dân tộc” lắm rồi. Cây nêu dựng trước sân nhà có giá trị trừ ma quỷ, đưa đường cho các cụ về nhà ăn Tết cùng con cháu. Câu đối treo trang trọng nơi gian giữa, hai bên bàn thờ thờ cúng tổ tiên. Trên nền giấy đỏ, người ta thường chép hai câu đối ngắn gọn, hàm súc với hai vế đối nhau chặt chẽ. Đó là những tổng kết, những chiêm nghiệm, những mong muốn tốt đẹp nhất cho mọi người trong năm mới. Nhìn câu đối, ta thấy “hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm).

Dĩ nhiên, bánh chưng với thịt mỡ, dưa hành là những món ăn không thể thiếu. Bánh chưng gói bằng gạo nếp cái, luộc rền, khi bóc ra phía ngoài xanh mướt màu lá dong, thơm một mùi rất đặc trưng, quyến rũ. Còn thịt mỡ và dưa hành là hai thứ ăn rất hợp. Nó có giá trị không chỉ hợp khẩu vị ẩm thực dân gian mà lại rất hợp với nhu cầu dinh dưỡng. Dưa hành nén kĩ, chua dịu, hơi cay... có tác dụng đưa đà trong bữa ăn, rất có lợi cho tiêu hóa, đặc biệt là các món giò, nem, ninh, mọc hay món thịt mỡ thái dầy vốn nhiều chất béo, khó tiêu. Hóa ra, ông cha ta cũng biết chọn món ăn đi cùng nhau một cách khoa học đấy chứ. Mâm cỗ mỗi gia đình ngày Tết hội đủ mọi món “tự cấp tự túc”, “cây nhà lá vườn” của kinh tế nông nghiệp: thịt các loại, cá tôm, rau củ các loại, nhất là rau thơm thì hết sức đa dạng. Khi bày ra, ta có một mâm cỗ đủ đầy, nhiều món ăn, nhiều màu sắc, chỉ nhìn qua đã thấy hấp dẫn. Các món ăn trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam vừa kể rõ ràng ẩn chìm trong đó tất cả những tinh hoa văn hóa của người Việt. Nó vừa là tín ngưỡng, là văn hóa thẩm mĩ, là văn hóa ẩm thực và xa hơn, nó hàm chứa trong mình những triết lí sâu xa về con người và trời đất núi sông.

Bánh chưng, xanh đến bây giờ

Đồng hành cùng những vần thơ thuở nào

Nghe hồn dân tộc bay cao

Quê hương ngày Tết biết bao nghĩa tình...

PGS.TS. Phạm Văn Tình

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/noi-dung-viet-dung/tieng-viet-quanh-noi-banh-chung-132435