Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ 2, thứ 3

Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam chiều ngày 11/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có những chia sẻ về việc học và sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng như bày tỏ mong muốn đối với sinh viên Việt Nam.

Khi sinh viên Nguyễn Thị Hương Giang đặt vấn đề: Thời gian qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng có quan điểm cho rằng sinh viên đảm bảo hội nhập, Chính phủ nên công nhận tiếng Anh phải là ngôn ngữ thứ 2. Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mời đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang lên sân khấu giao lưu và hỏi lại đại biểu: "Với cháu tiếng Anh là ngoại ngữ hay ngôn ngữ" - "Dạ, với cháu là ngoại ngữ đồng thời là ngôn ngữ vì ngành học của cháu đòi hỏi phải giỏi ngoại ngữ", đại biểu Hương Giang trả lời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang tại buổi đối thoại (ảnh Doanthanhnien)

Lấy dẫn chứng từ Hiến pháp thông qua năm 2013 trong đó điều 5, có quy định ngôn ngữ chính của nước Việt Nam là tiếng Việt và các dân tộc khác có quyền dùng ngôn ngữ của mình, Phó Thủ tướng khẳng định, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ 2, thứ 3.

Theo Phó Thủ tướng, tùy vào điều kiện từng gia đình, niềm đam mê thì chọn các bạn nên chọn ngoại ngữ cho phù hợp. Biết thêm nhiều ngoại ngữ rất tốt, đặc biệt giỏi tiếng Anh rất tốt cho công việc và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ về bí quyết học tập tốt và sử dụng thành thạo ngoại ngữ, đồng thời phân bố được công việc để đạt hiệu quả cao khi được sinh viên hỏi, Phó Thủ tướng cho biết, bản thân rất bận nhưng vẫn đến với Đại hội là vì trách nhiệm. Lực lượng thanh niên, sinh viên vô cùng quan trọng. Thêm vào đó, mỗi lần gặp các bạn (sinh viên) là cơ hội để ông 'trẻ hơn' trong suy nghĩ nên cố gắng ưu tiên tham dự các sự kiện sinh viên, thanh niên.

Nói về khả năng ngoại ngữ của mình, Phó Thủ tướng cho biết, "Tôi không giỏi ngoại ngữ. Tôi xưa là con nhà nông dân có học bổng toàn phần được cử đi học nước ngoài, đi nước nào thì biết được tiếng nước đó. Biết mà lâu không nói thì cũng nhanh quên. Tôi đi học đai học, học chuyên ngành công nghệ thông tin mà học bằng tiếng Anh nên thường xuyên tra từ điển. Biết được tiếng Anh một chút, khi về nước làm trực tiếp thì còn nói được, khi làm quản lý, đối nội thì bớt đi. Còn những thứ tiếng khác thì biết 3-5 câu chào hỏi... Tiếng Việt còn chưa sõi. Tuy nhiên suy cho cùng cần phải nỗ lực. Tôi khuyên các bạn dù thông minh mấy cũng cần chịu khó. Thấy mình chưa thông minh thì càng cần phải chịu khó."

Cũng tại buổi gặp gỡ, đối thoại với đại biểu sinh viên, sau phần hỏi của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt nhiều câu hỏi cụ thể đến các đại biểu liên quan đến việc chọn trường, ngành nghề; nghiên cứu khoa học... Việc đi làm thêm của các sinh viên; Việc sinh viên tham gia các hoạt động xã hội…

Bày tỏ mong muốn với sinh viên Việt Nam, Phó Thủ tướng nói: "Cả đất nước, dân tộc, mỗi người, đặc biệt lớp trẻ bao giờ cũng có hoài bão rất lớn. Đất nước muốn phát triển nhanh, sánh vai với các cường quốc năm châu bè bạn, có cuộc sống thanh bình, tự do, hạnh phúc, chúng ta phải có khát vọng rất lớn. Không có hoài bão lớn, khát khao thì không có tuổi trẻ. Nhưng tất cả những điều lớn lao ấy hãy thể hiện bằng suy nghĩ, việc làm rất nhỏ. Tất cả những công trình lớn trên đất nước này đều được xây nên từ những viên gạch nhỏ. Chúng ta có thể có những thiếu thốn và thiếu thốn rất nhiều nhưng cái chính là chúng ta tự nghiêm túc với mình. Nếu chúng ta không vượt đèn đỏ, không tranh nhau đi thang máy, vứt rác bừa bãi thì những điều các bạn trăn trở sẽ trong ngày hôm nay sẽ được giải quyết. Hãy đừng chỉ những thứ hào nhoáng, sự kiện lớn, chương trình lớn thì mình tham gia; ngoài lúc đó, mình quay về bản ngã bình thường. Tôi mong các bạn trẻ nghĩ lớn, hoài bão lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ".

P.V

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tieng-viet-la-ngon-ngu-chinh-thuc-cua-viet-nam-khong-co-tieng-nuoc-ngoai-nao-la-ngon-ngu-thu-2-thu-3-20181213130658906.htm