Tiếng Việt công nghệ giáo dục: Từ nhầm lẫn đến trào lưu 'tròn, vuông, tam giác'

Có lẽ phương pháp đánh vần tiếng Việt theo chương trình công nghệ giáo dục (CNGD) sẽ không gây 'bão' như những ngày vừa qua nếu như đa số mọi người không nhầm lẫn và hiểu rõ về phương pháp này.

Hàng trăm phụ huynh xô đổ cổng Trường PTCS Thực nghiệm (50 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) để mua hồ sơ tuyển sinh cho con ngày 13.5.2012 - Ảnh: Ngọc Thắng

Clip giải thích bản chất "ô vuông, ô tròn, tam giác" của cô Lê Hoàng Phi Yến

Trào lưu “tròn, vuông, tam giác” gây sốt

Xuất phát từ một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo dạy học sinh học một đoạn thơ mà các chữ được biểu hiện bằng một ô vuông theo phương pháp đánh vần CNGD, những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện vô số video clip "chế" nhạc, phim mà những ca từ, đoạn đối thoại chỉ gồm "tròn, vuông, tam giác". Đây trở thành trào lưu được nhiều người trẻ hưởng ứng.

Một trong những bạn trẻ khởi đầu cho trào lưu này là Duy Khiêm Ngố (Ngô Duy Khiêm, 30 tuổi, TP.HCM). Từ những ca khúc quen thuộc với giới trẻ như: Đâu chỉ riêng em, Em của ngày hôm qua, Em gái mưa, Ghen..., Khiêm đã "chế" lại lời, mà ca từ toàn "tròn, vuông, tam giác". Như đoạn "Đừng nhìn anh nữa đôi mắt ngày xưa. Giờ ở đâu em còn là em, em đã khác rồi, Em muốn quay lưng quên hết đi" đã được biến tấu thành: "Tròn vuông tam giác tam giác tròn vuông, tam giác vuông tam giác tròn vuông, vuông tam giác tròn, tam giác vuông vuông tam giác vuông tròn".

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng tỏ ra thích thú với trào lưu này. MC Trấn Thành, ca sĩ Chí Thiện, ca sĩ Ngô Kiến Huy cũng thể hiện các ca khúc: Sống xa anh chẳng dễ dàng, Một lần thôi, Giả vờ yêu theo phong cách "tròn vuông tam giác" vô cùng hài hước. Mới đây nhất, ca sĩ Võ Hạ Trâm cũng thể hiện giai điệu ca khúc Người hãy quên em đi bằng ca từ "tròn vuông tam giác", thu hút rất nhiều lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ.

Ngoài ra, trào lưu này còn lan rộng qua các "lĩnh vực" khác như bình luận bóng đá, lồng tiếng phim. Nhiều đoạn hội thoại trong các bộ phim được người trẻ lồng tiếng: "tròn vuông tam giác". Tương tự, những trận đấu bóng đá, "bình luận viên" cũng hài hước bình luận: "Vuông vuông vuông, tròn, tam giác, tròn, vuông vuông"...

Những đoạn nhạc, bình luận bóng đá… cho đến những tờ đơn, lá thư… được thể hiện bằng các ô vuông, ô tròn, tam giác lan truyền với tốc độ khủng khiếp. Nhiều người vội vàng suy đoán "từ nay học sinh sẽ không viết chữ này mà thay thế bằng hình tròn, hình vuông, hình tam giác". Phản ứng của cư dân mạng cũng từ đó nhân lên thành một cơn “bão”, dù rất nhiều người trong đó không hề hiểu cách học này như thế nào.

Loạt tranh giải thích về cách đánh vần trong chương trình CNGD của nhóm Mèo Mốc

Nỗ lực giải thích những nhầm lẫn

Việc tranh cãi quanh chương trình CNGD là rất bình thường. Suốt 40 năm triển khai chương trình là 40 năm tranh cãi và thăng trầm. Người ủng hộ, người phản đối đều rất đông. Phương pháp đánh vần trong chương trình là một trong những vấn đề gây tranh cãi. Nhưng khác với những người tranh luận có hiểu biết là “nên áp dụng cách đánh vần này hay không?”, việc tranh cãi của đa số cư dân mạng vừa qua lại đến từ việc nhầm lẫn tai hại vì chỉ nhìn thấy một mặt vấn đề từ một clip ngắn.

Tiến sĩ Châu Minh Hùng (Trường ĐH Quy Nhơn - blog Chu Mộng Long), cho biết: “Người xem clip chỉ cần thêm chút tư duy nữa thì cũng hiểu đây mới chỉ là tiết đọc âm để tái hiện âm chứ chưa phải đánh vần và học chữ. Học sinh chưa hề biết mặt chữ nhưng âm thanh của những tiếng trong bài ca dao, đồng dao thì chúng đã biết trước khi vào lớp một. Mỗi ô tròn hoặc ô vuông tạm xem là một vật thật để học sinh tự nhận ra rằng một tiếng của tiếng Việt là một âm trọn vẹn không thể chia cắt. Cho nên không thể nuốt âm khi phát âm thành câu. Việc chia cắt ra từng âm tố để đánh vần chỉ là tạm thời của thao tác. Những tiết tiếp theo mới bắt đầu nhận diện chữ và đánh vần, tức làm cái việc chia cắt tạm thời kia. Bản thân âm tố không có nghĩa là tiếng, từ mới có nghĩa. Đến khi đánh vần, trẻ em sẽ luôn nhớ một tiếng là một âm trọn vẹn chứ không phải là đọc nhiều âm như khi đánh vần. Sự thực là trẻ em học cách này rất dễ hiểu”.

Vuông, tròn, tam giác dùng khi nào?

Theo tiến sĩ Chu Minh Hùng, đó chỉ là những ký hiệu rỗng, là thủ thuật của sư phạm. Ô tròn là 1 tiếng, ô vuông hay tam giác cũng là 1 tiếng. Nó hàm ý mọi âm tiết tiếng Việt là 1 tiếng. Dùng ký hiệu này để trẻ tránh sự đơn điệu chứ không theo quy tắc nào.

Đây chỉ như một trò chơi để các em tiếp xúc các ký hiệu đơn giản, không biết chữ cũng hình dung được. Sau đó, khi trẻ tiếp xúc chữ là chuyển từ ký hiệu đơn giản sang ký hiệu phức tạp, chia phụ âm, vần. Giáo viên dùng “vuông, tròn, tam giác” khi nào cũng được và để tránh đơn điệu cho trẻ mà thôi.

Ông cũng cho biết cách học này cũng tạo ra mối quan hệ giữa âm và chữ. Từ âm đến mặt chữ rồi từ mặt chữ liên hệ ngược đến âm, kể cả nghĩa, học sinh thấy vui, dễ nhớ và bắt đầu biết tư duy chứ không còn học như con vẹt. Cách học đánh vần tách từng âm riêng biệt dẫn đến chữ nào biết chữ nấy, học sinh học rất lâu và rất dễ quên, tức khả năng tái mù. Những sai lầm của sách về việc áp dụng âm vị học cho những trường hợp nói ngọng (d, gi, r, dơi/rơi) là chuyện khác…

Cũng như tiến sĩ Hùng, nhiều chuyên gia cũng có những nỗ lực giải thích nhầm lẫn này trong những ngày vừa qua. Chính các học sinh từng học trường Thực nghiệm và phụ huynh từng có con học cũng lên tiếng.

GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên Đại biểu Quốc hội và là cha của PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu (thế hệ học sinh khóa đầu tiên của trường Thực Nghiệm và cũng là Đại biểu Quốc hội đương nhiệm), cho biết phương pháp học tiếng Việt của trường Thực Nghiệm có sự logic hợp lý về mặt sư phạm và tâm lý con người và nó có sự khác biệt. Học sinh không học đánh vần từng từ mà học cách đọc âm trước, rồi đến chữ, rồi mới ghép vần. Vậy nên cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên. Mỗi chữ cái đều có tên gọi và có sự khác biệt giữa âm và chữ. Ví dụ chữ C, K, Q có tên gọi khác nhau nhưng âm của nó phát ra khi ghép vào từ thì vẫn là cờ. Đặc biệt, phương pháp học kiểu này giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, tư duy logic, tìm thấy sự vui thích trong học tập để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, đúng như khẩu hiệu của nhà trường đề ra bấy giờ.

Những nỗ lực rất đáng ghi nhận khác đến từ các thầy, cô giáo. Những ngày vừa qua có hai clip được chia sẻ rất nhiều đến từ hai thầy, cô giáo là thầy Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện kỹ thuật quân sự và cô Lê Hoàng Phi Yến, giáo viên một trường THCS ở Q.3, TP.HCM. Mỗi người bỏ công làm một clip, nói rõ về cách đánh vần theo phương pháp này.

Cô Lê Hoàng Phi Yến tâm sự: “Như tôi đã nói từ đầu clip, tôi làm giáo viên. Những ngày qua, mọi người liên tục chia sẻ thông tin trái chiều và có nhiều lời lẽ không hay về giáo dục và nhất là giáo viên bị chỉ trích nặng nề.Tuy không dạy lớp 1 nhưng tôi cũng buồn vì mình dạy văn, tức là liên quan đến ngôn ngữ. Tôi làm clip vì nhiều học sinh đã ra trường cũng như bạn bè có con nhỏ hoang mang và hỏi về cách đánh vần này”.

“Clip đó là tôi dành cho bạn bè và người thân, mục đích là giải thích thắc mắc, không mang tính định hướng và đánh giá bất kỳ phương pháp nào là hay hay dở cả. Tôi không nghĩ clip lan tỏa như thế, và gây ra ý kiến trái chiều. Tôi vẫn đến trường công tác bình thường, mọi đóng góp dù thiện ý hay không tôi đều đọc và tôn trọng. Cần thiết tôi sẽ trả lời, thiếu sót sẽ ghi nhận, hoặc bỏ qua nếu đó là lời lẽ xúc phạm”, cô Yến cho biết.

Một nỗ lực đáng ghi nhận khác được thể hiện qua loạt ảnh của trang Mèo Mốc. Qua loạt ảnh dễ thương, nhóm Mèo Mốc đã tái hiện được nhầm lẫn mà mọi người đang mắc phải để từ đó giải thích nghi hoặc, đi đến sự thật của cách đánh vần này.

Facebooker Trần Chí Hiếu: "Tôi không thể chửi cùng anh chị... Xin lỗi!"

Những nỗi ân hận

Việc không tìm hiểu kỹ dẫn đến phát ngôn không đúng về cách đánh vần này còn gặp ở những người nổi tiếng. Nhưng sau đó, chính họ cũng thấy ân hận và muốn sửa chữa sai sót của mình.

Facebooker Hiếu Chí Trần (tên Trần Chí Hiếu, hay còn gọi là Hiếu Orion) cho biết đã từng có cái nhìn không đúng, thậm chí là mỉa mai về cách dạy đọc "vuông, tròn, tam giác". Tuy nhiên, sau đó anh đã mất nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin, hỏi bạn bè, những người đã từng học chương trình này và nhận ra mình từng nghĩ không chính xác.

Theo Hiếu Orion, phần đọc hình chỉ là bài học đầu tiên của học sinh lớp 1. Lúc này học sinh hoàn toàn chưa biết chữ nên dù có dạy theo phương pháp cũ, học sinh cũng chưa biết đọc. Mục đích của phương pháp hình là để học sinh nhận biết âm: mỗi chữ tương ứng với một âm (khác với tiếng Anh, một chữ có thể 1 hay nhiều âm). Và sau bài học về âm, học sinh được học chữ như bình thường.

"Những cái bạn đang chửi chỉ là cách nhận thức đánh vần. Cách đánh vần khác so với cách dạy cũ. Tuy nhiên kết quả đọc từ cuối cùng không khác. Bạn không phải sợ rằng tiếng Việt sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, vấn đề này không hề liên quan tới vụ cải cách ngôn ngữ của GS Bùi Hiền nên các video đọc tiếng Việt theo kiểu mới là hoàn toàn sai", Hiếu Orion viết.

Facebooker này cũng nhắn gởi mọi người "Đừng sợ thay đổi. Vì thực chất, phương pháp này giúp cho học sinh. Nếu cái gì cứ mới mà bị đánh hội đồng thì chúng ta sẽ không tiến bộ được".

Với những người vẫn tiếp tục phê phán, chỉ trích, mỉa mai về chương trình công nghệ giáo dục, Hiếu Orion khuyên nền có sự tìm hiểu nghiêm túc và rõ ràng.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, Hiếu Orion cho biết thời gian tới sẽ tổ chức buổi talkshow về phương pháp giáo dục công nghệ, để mọi người đối thoại, tranh luận, nhằm giúp hiểu rõ câu chuyện đang gây xôn xao dư luận này hơn.

Cách đánh vần theo phương pháp ngữ âm trong tiếng Anh

Mong được xem, nghe những chia sẻ chính thống từ Bộ GD-ĐT

Ca sĩ Võ Hạ Trâm cho biết thấy mọi người đang xôn xao về chương trình công nghệ giáo dục, nên hưởng ứng, hát bằng ca từ "tròn vuông tam giác" với mục đích giúp cho mọi người vui, xả stress.

"Thật sự mình hát như thế cho vui, theo trào lưu chứ chưa hiểu rõ về câu chuyện này. Vì trên mạng, mỗi người mỗi ý, mỗi quan điểm khác nhau. Càng đọc càng mơ hồ, chưa hiểu đúng về bản chất. Mình mong được xem, nghe những chia sẻ chính thống từ Bộ GD-ĐT, những chuyên gia có chuyên môn về lĩnh vực này để được hiểu đúng", Võ Hạ Trâm chia sẻ.

Cũng theo nữ ca sĩ này, thì hiện nay trên mạng có nhiều người tự suy diễn, quy chụp, chỉ trích và bài xích. Điều đó là không nên. Võ Hạ Trâm hy vọng những những thắc mắc, tò mò của dư luận sẽ được giải đáp rõ.

Ngô Duy Khiêm thì cho biết dành nhiều thời gian để cất công tìm hiểu, nghiên cứu và biết rõ về câu chuyện này. "Mình đã tập hợp được những thông tin bổ ích, chính xác về chương trình CNGD. Dự định sẽ thực hiện thêm video clip để chia sẻ với cộng đồng mạng", Khiêm cho biết.

"Mình làm thì một phần, hay trên mạng cũng đang có nhiều đoạn phim của thầy cô giáo nói về vấn đề "tròn, vuông, tam giác". Tuy nhiên, điều mà mọi người quan tâm lúc này là tiếng nói, hướng dẫn, chia sẻ của những người có chuyên môn, đại diện của Bộ GD-ĐT, để được hiểu một cách đúng nhất, không phải rơi vào vòng xoáy hiểu lơ tơ mơ rồi tranh cãi nữa", Khiêm nói.

Đăng Nguyên - Xuân Phương

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/tieng-viet-cong-nghe-giao-duc-tu-nham-lan-den-trao-luu-tron-vuong-tam-giac-1000654.html