Tiếng Việt: Cả lớp 40 học sinh tả con mèo... giống nhau, lỗi do ai?

'Cả lớp 40 học sinh đều có bài viết tả con mèo giống nhau. Hầu hết học sinh khi làm bài là chép lại lời thầy cô cho ghi trên lớp hoặc tài liệu có sẵn'.

Theo PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Tiếng Việt và Ngữ văn 2018, năng lực viết của học sinh hiện nay rất đáng báo động, khả năng viết của học trò là... đi chép lại. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Theo PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Tiếng Việt và Ngữ văn 2018, năng lực viết của học sinh hiện nay rất đáng báo động, khả năng viết của học trò là... đi chép lại. (Nguồn: Tuổi trẻ)

PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Tiếng Việt và Ngữ văn 2018 đã chia sẻ như vậy tại hội thảo khoa học "Người giáo viên phổ thông với sứ mệnh làm Tiếng Việt trong sáng hơn" do ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Trường EMASI tổ chức vào ngày 11/11.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến vai trò đọc - viết, cụ thể là với môn Ngữ văn, trong giáo dục phẩm chất, đạo đức, nhân cách học sinh. Nhưng thực tế hiện nay, hai khả năng này ở học trò nhìn chung còn rất nhiều vấn đề.

Nhiều học trò… chép lại văn mẫu

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống bày tỏ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ mất trong sáng. Trong đó, hàng loạt lỗi viết sai chính tả, nói sai cấu trúc, ngữ nghĩa xuất hiện nhiều trên các kênh thông tin đại chúng chứ không riêng gì trong trường phổ thông.

Ông Đỗ Ngọc Thống cũng đề cập đến thực trạng hiện nay, Việt Nam chưa có luật chính tả như một số nước trên thế giới. Quy định viết chữ cái in hoa hay phiên âm tiếng nước ngoài chỉ dừng lại ở một văn bản quy định do Bộ Giaos dục & Đào tạo ban hành, áp dụng trong nhà trường phổ thông chứ chưa có bất kỳ hành lang pháp lý nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Thống cho biết, học sinh ngại đọc văn bản, thậm chí không đọc tác phẩm. Hầu hết học sinh tiếp nhận một cách thụ động, bị áp đặt và ảnh hưởng nhiều từ theo cách hiểu của thầy cô hoặc phụ thuộc vào các tài liệu có sẵn trong các sách văn mẫu tràn lan trên thị trường và mạng internet. Khả năng tự đọc, tự khám phá, tự hiểu theo cách của chính người đọc rất yếu, kéo theo hạn chế trong việc khám phá cái hay của tác phẩm.

Cũng theo ông Thống, năng lực viết của học sinh hiện nay rất đáng báo động, khả năng viết của học trò là... đi chép lại. Các em chép lại văn mẫu, chép lại lời thầy cô giảng, chép lại tài liệu có sẵn, học thuộc lòng. Học viết là học cách nghĩ, cách diễn đạt suy nghĩ của người viết để hình thành và phát triển tư duy. Còn dạy viết là dạy học sinh biết suy nghĩ, biết tư duy một cách độc lập, không a dua, nói theo người khác.

Từ thực trạng này, theo ông Đỗ Ngọc Thống, nguyên nhân xuất phát từ cách dạy học của giáo viên và do chưa thay đổi trong kiểm tra, đánh giá.

Đồng thời, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khẳng định, cái đích cuối cùng của việc học Ngữ văn là học sinh biết sử dụng Tiếng Việt một cách hiệu quả từ giao tiếp đến đọc, viết, nói, nghe các văn bản thông thường. Từ đó giúp các em có thể tiếp nhận, giải mã những cái hay, cái đẹp của văn bản văn học. Hơn nữa, các em biết biến cái hay, cái đẹp trong tác phẩm thành lẽ sống, niềm tin, tình cảm, tư tưởng, thể hiện ra thành hành động trong mỗi hành vi, cử chỉ, cách ứng xử hàng ngày.

Trong khi đó, những bất cập về ngôn ngữ ảnh hưởng cả nhân cách, đạo đức, tư tưởng, tình cảm và lối sống của học sinh. Sự xuống cấp của tiếng Việt không chỉ làm ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin mà còn tác động đến đạo đức và lối sống của một bộ phận giới trẻ.

Trước câu hỏi của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1, bộ sách “Cánh diều” gần đây đang gây bức xúc dư luận, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống bày tỏ, quá trình biên soạn và phát hành một bộ sách khó tránh việc bị mắc lỗi, đặc biệt đối với các môn xã hội do dặc trưng môn học rất nhạy cảm, nội dung giáo dục gắn với đạo đức, tư tưởng chính trị, xã hội. Cùng một vấn đề, một văn bản nhưng sẽ có người nói nên, người nói không nên.

“Tôi không bảo vệ cái sai, nếu sai cần sửa chữa, phê phán nhưng ở đây tôi muốn nói đến tính đặc trưng của môn tiếng Việt. Một bộ sách khi được phát hành ra thị trường sẽ có hàng ngàn con mắt nhìn vào, mổ xẻ, rà soát là điều cần thiết để tác giả rút kinh nghiệm. Đặc biệt, với các đầu sách đưa vào giảng dạy trong nhà trường càng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Đỗ Ngọc Thống nói.

Xuất hiện tư tưởng xem thường tiếng Việt

Đề cập đến việc sử dụng tiếng Việt ở các bậc học, TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch sáng lập hệ thống trường EMASI cho rằng, còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong nhà trường phổ thông, môn tiếng Việt giữ vai trò rất quan trọng nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng đối phó trong thi cử.

Cụ thể, ở bậc tiểu học, giáo dục tiểu học những năm gần đây đã có bước phát triển, học sinh ngày càng thông minh và tiến bộ, biết nhiều thứ tiếng, sử dụng tốt công nghệ thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh đọc không rõ, viết không đúng, không thích đọc sách, thiếu khả năng tiếp nhận và trình bày, diễn đạt, nói không thành câu. Còn ở bậc THCS và THPT, nhìn chung học sinh ngày càng năng động, nhạy bén, thông minh, sử dụng tốt Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ, nhưng về mặt ngôn ngữ Tiếng Việt vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, khả năng đọc, viết, cảm thụ và diễn đạt vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Đặc biệt, ông Huỳnh Công Minh khẳng định, cả ở bậc đại học hay các cơ quan nghiên cứu, vẫn còn nhiều người lúng túng, vụng về trong việc sử dụng tiếng Việt. Ngay trong đời sống xã hội, các kênh truyền thông cũng chưa thật sự quan tâm sử dụng tiếng Việt chuẩn mực, trong sáng.

"Ở ta bậc trung học thì tập trung cho thi cử; ở tiểu học thì chất lượng không đồng đều; việc dạy học tiếng Việt với số đông dễ rơi vào thế qua loa, sơ sài trong những khâu quan trọng về đọc, viết ở tuổi thiếu thời, lớn lên rất khó sửa đổi”, TS. Huỳnh Công Minh nhấn mạnh.

Những năm gần đây, trong xu thế hội nhập quốc tế, nhiều cơ sở dạy ngoại ngữ được mở ra, phong trào học ngoại ngữ phát triển mạnh mẽ khắp nơi. Đây là tín hiệu tốt cho một đất nước phát triển, nhưng TS. Huỳnh Công Minh lo ngại, bắt đầu xuất hiện tư tưởng xem thường tiếng Việt trong một bộ phận dân cư.

Trước thực trạng đó, TS. Huỳnh Công Minh cho rằng, giáo viên phổ thông cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giúp học sinh đạt được những yêu cầu cơ bản ngay từ trên ghế nhà trường là phát âm chuẩn, viết đúng, nói đủ câu, nghe đủ ý, đọc cảm thụ, diễn đạt đúng câu từ và rõ ý. Đây là những tiền đề quan trọng làm cơ sở vững chắc cho mục tiêu phát triển và làm trong sáng hơn tiếng Việt, qua đó phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Phi Khanh

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tieng-viet-ca-lop-40-hoc-sinh-ta-con-meo-giong-nhau-loi-do-ai-128923.html