Tiếng ve trong nắng hạ

Không biết tự bao giờ tôi đã thích nghe tiếng ve sầu. Có lẽ từ lâu lắm rồi, thời còn học tiểu học, những ngày đầu hè là những ngày tôi thích nghe tiếng ve sầu nhất. Ngồi trong phòng học tôi lại thả hồn mông lung theo tiếng ve sầu. Cũng vì thích nghe tiếng ve sầu mà có lần tôi bị cô giáo nhắc nhở.

Tiếng ve sầu cứ ngân nga mãi trong ánh nắng chói chang, dưới bầu trời cao xanh lồng lộng của mùa hè, khiến những chùm hoa phượng vĩ vốn đỏ rực lại càng rực rỡ hơn, khiến bao cô cậu học trò tranh đua học hành chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm và kỳ thi tuyển sinh.

Tiếng ve sầu làm tôi nhớ lại những trưa hè nắng cháy, bọn trẻ con chúng tôi tụ tập dưới gốc phượng ở trường làng để hái hoa phượng chơi trò đá gà và đuổi bắt ve sầu. Bắt được con ve sầu nào là chúng tôi bỏ ngay vào bao bóng để quan sát xem ve sầu kêu bằng cách nào, quan sát xong đứa thì bảo ve sầu kêu bằng miệng, đứa thì bảo tiếng kêu của nó phát ra từ đôi cánh... Chỉ có bấy nhiêu thôi mà chúng tôi cãi cọ, la lối om sòm cả một góc sân trường.

Cuối cùng chẳng có đứa nào lý giải được. Cũng may lúc đó có thầy giáo dạy môn Sinh vật đi qua, chúng tôi liền nhờ thầy giải thích giùm. Thấy bọn trẻ con chúng tôi tò mò, thầy ân cần giải thích: "Thực tế ve sầu không kêu bằng miệng. Miệng của nó vốn là một cái ống nhỏ dùng để cắm vào vỏ thân cây để hút nhựa. Tiếng kêu của ve sầu phát ra từ thắt lưng của nó. Ở cạnh bụng của nó có một cái màng giống như màng trống. Chính cái màng này đã phát ra tiếng kêu râm ran thật thú vị suốt cả mùa hè. Và chỉ có ve sầu đực mới kêu được, còn ve sầu cái thì không". Lời giải thích của thầy thật hấp dẫn, bọn trẻ chúng tôi cứ há hốc mồm mà nghe. Bấy giờ bọn trẻ chúng tôi mới tin là ve sầu phát ra âm thanh từ thắt lưng của nó. Từ hôm đó chúng tôi không còn đuổi bắt ve sầu, cũng không tụ tập dưới gốc phượng hái hoa chơi trò đá gà giữa trưa hè nữa.

Tiếng ve sầu còn làm cho tôi nhớ lại những ngày tháng xa nhà, nhất là những ngày hè tham gia đội thanh niên tình nguyện lên vùng cao làm công tác giáo dục. Lúc đó tôi được bố trí ở nhà một bác nông dân ngoài sáu mươi tuổi. Nhà bác nằm sát rừng dương, nên suốt ngày chỉ nghe tiếng ve sầu và tiếng xào xạc của rừng dương khi gió thổi qua. Lần đầu tiên xa nhà đến ở nhà bác, tôi không sao ngủ được, nằm thao thức nhìn lên mái nhà, nghe tiếng ve sầu kêu râm ran như một điệu nhạc dài vô tận cứ ru hồn tôi vào giấc ngủ chập chờn.

Rồi những trưa hè từ lớp học trở về tôi không ngủ trưa được, tiếng ve sầu râm ran làm tôi nhớ nhà đến ứa nước mắt. Tôi thấy hoàn cảnh nhà bác nông dân này sao giống hoàn cảnh nhà tôi quá. Nhà tôi cũng nghèo như nhà bác, nhưng chị em tôi ai cũng học đến nơi đến chốn, còn bác thì con cái không đứa nào biết chữ. Tôi cảm thấy thương cho cha mẹ tôi mà cũng thương cho gia đình bác quá. Tôi nghĩ giá như ngày trước có đội thanh niên tình nguyện như bây giờ thì gia đình bác đâu đến nỗi... Tôi tự nhủ: Thôi thì mình sẽ cố gắng giúp các cháu của bác biết được cái chữ. Ngày đêm tôi miệt mài đem hết trí lực của mình ra dạy cho các cháu của bác. Sau ba tháng hè, các cháu của bác đã biết đọc, biết viết. Tôi và bác mừng không thể tả.

Kết thúc đợt công tác, tôi trở về đơn vị cũ, khi chia tay bác tặng tôi một cuốn sổ tay trên bìa in đầy chú ve sầu đang ca hát.

Từ đó trở đi tôi không còn thời gian để nghe tiếng ve sầu nữa. Hôm nay, cậu con trai của tôi bắt được con ve sầu đem về hỏi tôi: "Ba ơi! Ve sầu kêu bằng gì?". Câu hỏi ấy làm sống dậy trong tôi bao hoài niệm của một thời thơ ấu đã qua. Cái thời mơ mộng thả hồn theo tiếng ve sầu. Tôi lại giải thích cho con tôi bằng chính những điều đã học được từ thầy giáo dạy Sinh năm nào. Và tôi cũng không quên dặn các con không được trèo lên cây bắt ve sầu.

PHẠM VĂN HOANH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202105/tieng-ve-trong-nang-ha-3056062/