Tiếng thở dài sau bão

Ngay sau bão số 5 đổ bộ vào Phú Yên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ xuống các vùng thiệt hại, nhất là nơi tâm bão đi qua (thị xã Sông Cầu), để giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Ngay sau bão số 5 đổ bộ vào Phú Yên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ xuống các vùng thiệt hại, nhất là nơi tâm bão đi qua (thị xã Sông Cầu), để giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Người dân thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đánh vật với các con tàu bị chìm do bão số 5.

Người dân thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đánh vật với các con tàu bị chìm do bão số 5.

Vật vã trục vớt tàu, thuyền bị đắm

Tại đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu), người dân được hỗ trợ trục vớt, lai dắt tàu cá bị sóng đánh chìm lên khỏi mặt biển, nhưng điều xót xa là hầu hết đều phải bỏ đi, không thể sử dụng lại vì mức độ hư hại quá nặng nề. Ông Lê Tấn Dũng (trú xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) cho biết, tàu cá của gia đình ông neo đậu trong đầm Cù Mông, cách các đìa nuôi thủy sản hơn 1km. Tuy nhiên, gió mạnh làm dây neo đứt, tàu cá bị gió hất lên bờ đìa. Gia đình ông đã thuê người, cùng với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng kéo tàu ra khỏi khu vực mắc cạn. Tuy vậy, con tàu này bị hư hỏng nhiều bộ phận. Máy móc thì ngấm nước biển, làm rỉ rét, khó sử dụng lại. Còn ông Lê Văn Thừa (trú cùng địa phương) chia sẻ, nhờ bà con xung quanh và Bộ đội Biên phòng mà gia đình đã đưa tàu cá đến khu vực thôn Hòa Hội để neo đậu an toàn. "Trước đó, nghe tin bão, gia đình đã dùng nhiều dây để neo tàu nhưng đều bị đứt, gió và sóng đã hất con tàu lên bờ. Do bờ đìa nuôi tôm xếp bằng đá, tàu va chạm mạnh nên bị vỡ nhiều đoạn" - ông Thừa mếu máo.

Theo ông Lương Công Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, 32 tàu thuyền này chủ yếu neo đậu ở xã Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Hòa, Xuân Cảnh, Xuân Yên, Xuân Đài... (thị xã Sông Cầu). "Khi bão số 5 đổ bộ thì tàu thuyền của ngư dân vẫn "bám trụ" được, nhưng khoảng 1 giờ sáng 31-10 gió và mưa lớn "quần" rất mạnh tại các vùng neo đậu tàu thuyền, nên 32 tàu thuyền nói trên bị đánh tan tành, rồi chìm xuống biển. Đây chủ yếu là các loại thuyền công suất nhỏ và ngư dân dùng đánh bắt gần bờ" - ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, người dân có tàu bị sóng đánh chìm, trôi dạt cần thống kê thiệt hại và có đơn đề nghị được hỗ trợ để xem xét. Nếu đủ điều kiện, người dân bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ theo quy định.

Hàng loạt đìa cá tôm bị vỡ, người nuôi trắng tay

Theo thống kê của chính quyền thị xã Sông Cầu (Phú Yên) sau bão số 5, 80ha ao đìa, trong đó 50ha còn nuôi trồng thủy sản ở các khu vực Đồng Sơn 1, Đồng Sơn 2, Tuần Nhã, Lò Gốm (xã Xuân Lộc) bị tràn ngập, thiệt hại ước tính 800 triệu đồng. Tại xã Xuân Đài, 4 đìa bị vỡ, thiệt hại 100%. Ông Nguyễn Thành (1 trong 4 hộ dân có đìa bị vỡ) thất thần: "Không còn gì nữa. Trắng tay rồi. Giờ chúng tôi biết lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng. Nuôi cá tôm bây giờ phải gọi là đánh bạc chứ không còn là chuyện mưu sinh bình thường nữa". Tương tự, tại xã Xuân Cảnh, Xuân Bình có đến 16 đìa nuôi bị vỡ khi bão số 5 quét qua, khiến nhiều người trắng tay. Bà Nguyễn Thị Điểu (trú thôn 1, xã Xuân Hải) cho biết, đìa nuôi của gia đình bà có khoảng 5.000 con cá mú, nhưng tất cả đã trôi ra đầm, không còn một con nào sót lại. Năm ngoái, gia đình bà Điểu thua lỗ vì dịch bệnh, năm nay lại tay trắng vì mưa, bão nên chưa biết xoay xở như thế nào: "Đầu tư tiền vốn, tiền cá, tiền cho ăn hết 170 triệu đồng, bây giờ hết vốn rồi. Năm ngoái cũng đã lỗ 60 - 70 triệu đồng do cá chết" - bà Điểu rưng rưng.

Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho hay, thiệt hại với bà con nuôi cá tôm ở địa phương là quá lớn. Trung bình người thiệt hại vài trăm triệu đồng, có người cả tỷ đồng: "Sau khi kết thúc bão, sóng kết hợp gió nồm ập vào gây sạt lở bờ ao của người dân. Do thiệt hại rất lớn nên việc khôi phục kinh tế là khó khăn với nhiều bà con", ông Nhân thông tin. Được biết, trước khi bão số 5 đổ bộ, nhiều hộ nuôi tôm hùm ở địa phương đã kịp thu hoạch để bán với giá vừa phải. Tuy vậy, nhiều hộ không kịp thu hoạch hoặc tiếc do thời gian nuôi chưa đủ nên không thu hoạch cũng bị ảnh hưởng bởi cơn bão vừa qua.

Mộc Ca

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_215376_tieng-tho-dai-sau-bao.aspx