'Tiếng thét' Mỹ Linh, hay chuyện bóng hồng không được tô son phấn

Trong thời đại mà mạng xã hội cho nhiều người quyền lực được 'phán xử', thậm chí chửi bới người khác thì 'đám đông' trở nên đáng sợ dành cho người nổi tiếng.

“Tâm lý học đám đông” của Gustave Le Bon cho rằng đám đông không nói chuyện bằng lý trí, suy luận sâu xa, thậm chí thiếu đi sự đồng cảm. Đúng hơn, đám đông dễ bị cuốn theo một câu chuyện gây xôn xao, nhất là trong thời đại mạng xã hội.

Ca sĩ Mỹ Linh vừa bị một nhãn hàng gỡ hình ảnh đại điện. Câu chuyện này xuất phát từ việc bị cộng đồng mạng chỉ trích, ném đá trong nhiều ngày sau một phát ngôn của Mỹ Linh. Số đông chỉ cần nhìn vào phát ngôn để phán xét, không cần nhìn lại quá trình hơn 20 năm qua của Mỹ Linh đóng góp cho âm nhạc hay thường xuyên làm những việc tốt cho cộng đồng nhiều như thế nào.

Ca sĩ Mỹ Linh đang bị chỉ trích trên mạng xã hội.

Ca sĩ Mỹ Linh đang bị chỉ trích trên mạng xã hội.

“Quyền được chửi” và ném đá trên mạng xã hội thực sự rất đáng sợ, đặc biệt dành cho người nổi tiếng, khi cả một quá trình có thể bị lu mờ vì một phát ngôn hay một hành động mà đám đông nhận xét không đúng, đáng bị chửi. Sức mạnh đó càng được tăng lên vì chỉ cần một giây để chia sẻ (share) thông tin, qua đó lan truyền thành xu hướng được cộng đồng mạng quan tâm.

Tôi vẫn còn nhớ bóng đá Việt Nam từng xảy ra câu chuyện bi hài dành cho các cầu thủ nữ tại AFF Cup 2018 cách đây không lâu. Toàn đội đã chơi hết mình, cống hiến đến kiệt sức và cuối cùng thất bại trên chấm phạt đền may rủi. Bóng đá khi đến cuộc chơi may rủi 11m thì ngoài tầm kiểm soát. Thế nhưng, một làn sóng chỉ trích nghe rất vô lý dành cho người đá hỏng phạt đền.

Một cầu thủ tham gia loạt đá 11m của ĐTVN bị hỏng trở thành “nạn nhân” công kích là đi đá bóng sao lại tô son phấn. Cầu thủ nữ trang điểm, dùng kem chống nắng để bảo vệ nhan sắc là hết sức bình thường, sao lại lấy 1 lý do vô lý để chỉ trích? Thế mà câu chuyện lại trở thành đề tài bàn tán của làng bóng đá Việt.

Hồi tháng 8 năm nay, tôi chứng kiến rất nhiều HLV nổi tiếng của bóng đá Việt Nam và các HLV nổi tiếng đến từ Italia ra sân cũng xoa kem chống nắng. Họ bảo với tôi là chuyện này nhằm bảo vệ da khỏi bị nắng nóng làm tổn thương. Đó là chăm lo cho sức khỏe chính mình.

Đến HLV của Juventus cũng xoa kem thì sao lại ném đá cầu thủ nữ Việt Nam?

Ngay đến những HLV lớn tuổi của bóng đá nam cũng dùng kem thì tại sao cầu thủ nữ đang độ tuổi thanh xuân tô son phấn lại bị chỉ trích? Có thể thấy những người “ném đá” thiếu vốn kiến thức nhất định về bóng đá với chuyện cầu thủ dùng kem, nên phản ứng và tạo nên hệ lụy thiếu tích cực.

Tôi cũng tin rằng số đông những người ném đá ca sĩ Mỹ Linh chỉ cần qua một phát ngôn sau đó chạy theo, còn câu chuyện về cuộc đời chị trong hơn 20 năm qua làm những gì, đóng góp những gì thì phần lớn lại không quan tâm.

Tất cả cần dựa trên sự hiểu biết nhất định trước khi định kiến hoặc phán xét, dù chỉ là trên mạng xã hội. Nếu không thì mỗi chúng ta sẽ lại đưa ra các chỉ trích theo kiểu ngớ ngẩn là bóng hồng đá bóng không được tô son phấn, dù việc này chẳng ảnh hưởng gì đến chuyên môn và phụ nữ thì ai cũng muốn mình đẹp.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-thao/tieng-thet-my-linh-hay-chuyen-bong-hong-khong-duoc-to-son-phan-3902271.html