Tiếng nói quan trọng của báo chí trên chiến trường

Khi chúng ta tìm hiểu về 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm trong cuộckháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, thì mới thấy hiếm có cuộc chiếntranh ở đất nước nào lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế nói chungvà báo chí nói riêng.

Ghi hình các cô Thanh niên xung phong tại mặt trận. Ảnh: TL Báo chí đã đi vào chiến trường, phục vụ trực tiếp nhu cầu thông tin về cuộc kháng chiến đầy cam go, anh dũng và đầy hy sinh của dân tộc

Vai trò của báo chí

Lực lượng báo chí cách mạng được thành lập và tác chiến ngay tại chiến trường miền Nam do Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam trực tiếp chỉ đạo. Đó là các cơ quan báo chí: Báo Giải Phóng, Đài phát thanh Giải Phóng, Thông tấn xã Giải Phóng và Báo Quân Giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, Điện ảnh Quân Giải phóng, Chương trình phát thanh Quân Giải phóng miền Nam... tất cả đều được thành lập ngay trong những ngày đấu tranh đầy quyết liệt, cam go, gian khổ, hy sinh từng ngày, ở chiến trường miền Nam.

Tờ báo ra đời từ rất sớm và có tiếng nói rộng là Báo Giải Phóng. Báo Giải Phóng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sáng lập ngày 20/12/1964, báo in và phát hành trong chiến khu, đưa ra vùng giải phóng, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động cho kháng chiến.

Nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (nguyên là phóng viên Báo Giải Phóng đầu năm 1967) cho biết, đầu năm 1964, một đoàn phóng viên Báo Cứu Quốc (Cơ quan ngôn luận Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam điều từ miền Bắc vào Nam để xây dựng tờ báo này. Trung ương Cục miền Nam đã phân công trực tiếp chỉ đạo Báo Giải Phóng là đồng chí Trần Trọng Tân, Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam lúc đó.

Quá trình phát triển Báo Giải Phóng đã có những hoạt động đầy sôi động ngay trong lòng cuộc chiến. Đầu năm 1967, địch mở cuộc càn quét các căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, phóng viên và nhân viên tòa soạn đã tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ; một số đồng chí đã hy sinh, một số đồng chí bị thương, nhưng địch không vào được tòa soạn. Do phải di chuyển, cất giấu nhà in nên sau trận càn này, Báo Giải Phóng phải tạm đình bản một thời gian.

Máy ảnh Zorki được phóng viên Thông tấn xã Giải phóng miền Nam sử dụng để chụp ảnh vùng căn cứ Tây Ninh và trận càn Junction City năm 1967. Ảnh: TL

Trước Tết Mậu Thân 1968, phóng viên Báo Giải Phóng được tung đi các mũi chủ yếu và đi theo bộ phận tiền phương của Trung ương Cục. Một số phóng viên và nhân viên trẻ được đưa vào Đội tuyên truyền vũ trang của Sài Gòn, trong đó, nhiều nhà báo đã hy sinh ngay tại cửa ngõ Sài Gòn như các nhà báo: Cảnh Hân, Quốc Hùng, Trần Huân Phương, Bằng Sơn... những tấm gương sáng trong nghề báo ở Nam bộ.

Đầu năm 1970, đế quốc Mỹ và ngụy quyền đánh phá ác liệt, nhà in của Báo Giải Phóng được chuyển sang Campuchia để in và khi in xong, chuyển ngược về nước phát hành khắp các địa phương miền Nam. Nhiều phóng viên của Báo đã có mặt ở các chiến trường khốc liệt và đi theo bộ đội tình nguyện trên đất Campuchia. Đến cuối tháng 4/1975, theo chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Báo Giải Phóng tổ chức bộ phận tiền phương do đồng chí Nguyễn Văn Khuynh chỉ đạo tiến về Sài Gòn.

Ngày 30/4/1975, phóng viên Báo Giải Phóng từ Bến Củi - Tây Ninh đã tiến về Sài Gòn hoạt động và chiếm lĩnh trụ sở Đảng Dân Chủ của Nguyễn Văn Thiệu tại số 174 - Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu) làm trụ sở. Sau ngày đại thắng, đây chính là lực lượng chủ yếu làm nên tờ Báo Sài Gòn Giải Phóng, trong 15 số đầu (từ số ra đầu tiên ngày 5/5/1975 đến số ra ngày 19/5/1975).

Võ sĩ Muhammad Ali (trước đó được đề nghị phục vụ quân ngũ tại Việt Nam) chỉ vào một tiêu đề của tờ báo cho thấy ông không phải là người duy nhất phản đối chiến tranh Việt Nam, ngày 28/3/1966. Ảnh: TL

Sức mạnh của công luận Dù trải dài trên nhiều mặt trận, cách biệt các chiến trường trong những tình huống vô cùng gian khổ, ác liệt,... song sự phối kết hợp giữa các lực lượng báo chí trên mặt trận thông tin, tạo dư luận đồng tình trong nước, quốc tế... sự phối kết hợp cùng các hoạt động đấu tranh ngoại giao, quân sự... đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân 1975.

Với chiến trường miền Nam trong một thời gian dài, báo chí đã góp phần thông tin nhanh nhạy, cổ vũ chiến thắng, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, nhạy, những định hướng tư tưởng chính xác, chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, báo chí đã tham gia mạnh mẽ vào việc cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia và tham gia hết mình vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Báo chí cách mạng tại chiến trường miền Nam luôn là vũ khí đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân, dân miền Nam. Nhớ lại những ngày đấu tranh suốt 3 năm liền rất quyết liệt tại Hội nghị Paris về Việt Nam, đồng chí Dương Đình Thảo, phát ngôn viên chính thức của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM) khi sống trao đổi với các nhà báo, nhớ rất rõ: Lúc đó, 2 đoàn của ta đấu tranh với đoàn Bộ Ngoại giao Mỹ và đoàn Bộ ngoại giao ngụy quyền Sài Gòn rất quyết liệt, có khi đến nửa đêm phái đoàn Mỹ mới dừng cuộc tranh cãi trong bảo vệ quan điểm của từng bên tại hội nghị Paris.

Và một chủ trương rất táo bạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, do đồng chí Trần Bạch Đằng, Bí thư Khu ủy chỉ đạo được thực hiện ngay là sử dụng Bưu điện Sài Gòn chuyển báo chí công khai in ấn tại Sài Gòn của chế độ Sài Gòn lúc đó. Đó là những báo Thời Luận, Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Tia Sáng, Trời Nam, Lẽ Sống, Thần Dân, Thời đại, Chuông mai, Dân quyền, Dân ta, Dân Tộc, Buổi sáng, Dân nguyện, Liên minh, Dân chủ, Dân chủ mới, Đồng thanh, Thần dân, Miền Nam, Tân Văn... với những tác phẩm của các nhà báo nổi tiếng lúc đó, như: Phạm Thế Tuyền, Trần Ngọc Sơn, Anh Tín, Thẩm Thệ Hà, Thanh Lộc... đã trực tiếp nói lên tiếng nói chính nghĩa của nhân dân miền Nam, đúng sự thật mà các đoàn của Mỹ - ngụy Sài Gòn không thể chối cãi.

Phóng viên tác nghiệp tại mặt trận miền Trung. Ảnh: TL Từ đầu năm 1969 trở đi, đến ngày 4 bên ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, lúc nào trên bàn đàm phán tại hội nghị Paris, luôn có một nguồn thông tin chính thức hàng ngày rất có lợi trực tiếp cho 2 phái đoàn đàm phán của ta. Đó là những chuyến thư được Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Sài Gòn - Gia Định bố trí chuyển công khai bằng máy bay từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến thẳng Thủ đô Paris của nước Pháp, nơi đang diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam.

Điều mà bây giờ không ngờ tới trong ngành giao bưu của chế độ Sài Gòn trước năm 1975, là Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã cài cắm nhiều đảng viên vào hoạt động công khai tại hang ổ của chúng. Tiếp chúng tôi tại căn nhà từng làm căn cứ cho xưởng in bí mật của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, cô Sáu Sương cho biết: Chủ trương sử dụng Bưu điện Sài Gòn chuyển tài liệu và báo chí công khai in ấn tại Sài Gòn của chế độ Sài Gòn xuất phát từ chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Bạch Đằng. Những người được Khu ủy giao nhiệm vụ cũng là nữ cán bộ và các đảng viên hoạt động đơn tuyến, bí mật ở giữa tai mắt một guồng máy mạng lưới của tình báo, thám báo dày đặc của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, đóng dày đặc giữa đô thành.

Nhiệm vụ đặc biệt này được thực hiện suốt 3 năm từ năm 1969 đến 1972 nhằm đưa đến cho hai Đoàn ngoại giao của ta đang ở Hội nghị Paris những thông tin chính xác, nóng hổi nhất của miền Nam, đưa đến hàng ngày ở Paris - Pháp. Điều này tổ bưu tá đã phải làm ngày - đêm, nhất là mỗi đêm về chuẩn bị chọn lựa các báo, mà cả ba năm liền không một kiện hàng nào được lộ, phải trả lại, hoặc bị khám xét, dù mạng lưới điệp báo của Mỹ - ngụy lúc đó, nghi ngờ ta đã đưa những thông tin đó từ Sài Gòn sang Paris cho 2 đoàn ngoại giao của ta, đạt kết quả đàm phán - là như vậy.

Từ mục tiêu cao cả của Báo chí cách mạng tại chiến trường miền Nam, báo chí tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng. Báo chí ở miền Nam đã làm nên những tiếng nói chính nghĩa, đi cùng dân tộc, cùng góp sức làm nên những chiến công chói lọi của dân tộc ta trong thế kỷ XX, đi tới ngày thống nhất non sông./.

Phạm Bá Nhiễu
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tieng-noi-quan-trong-cua-bao-chi-tren-chien-truong-n9281.html