Tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số ở Con Cuông đang mai một

Trao đổi với đoàn khảo sát Ban dân tộc HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Con Cuông trăn trở trước thực trạng tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số đang dần mai một.

Chiều 17/11, đoàn khảo sát của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh do Trưởng ban Lô Thị Kim Ngân dẫn đầu có cuộc làm việc với huyện Con Cuông về việc thực hiện một số chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn từ năm 2011 đến nay.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: T.G

Cuộc khảo sát chuyên đề nhằm tìm hiểu, nghe phản ánh các vấn đề liên quan trong việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh trong thời gian qua về việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh dự kiến diễn ra trung tuần tháng 12 tới.

Con Cuông là huyện vùng cao biên giới, dân số 70.335 người với nhiều dân tộc cùng chung sống, gồm: Thái (70,3%), Kinh (24,5%), Nùng (0,25%), Hoa (0,14%), Khơ Mú (0,05%) và tộc người Đan Lai (4,7%), mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Kha Thị Tím phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: T.G

Phát biểu tại cuộc làm việc, bà Kha Thị Tím - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số được huyện Con Cuông triển khai nghiêm túc, đạt được một số kết quả cụ thể về nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực,…

Bà Tím cũng thông tin thêm, trang phục dân tộc Thái được bảo tồn tốt, hiện nay tất cả các làng bản Thái vẫn còn dệt thổ cẩm để phục vụ gia đình cũng như bán cho khách hàng.

“Hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc truyền thống vào lễ chào cờ đầu tuần, tạo thói quen cũng như lòng tự tôn dân tộc cho các em ngay từ lúc bé”, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông nêu.

Trẻ em Con Cuông được khuyến khích mặc trang phục dân tộc truyền thống để tạo thói quen, khơi gợi lòng tự tôn dân tộc từ các em. Ảnh: T.G

Tuy nhiên, bà cũng trăn trở trước thực trạng tiếng nói và chữ viết của dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một: “Giờ xuống bản có khi không biết được ai người Kinh, ai người dân tộc thiểu số nữa, bởi trẻ em đều nói tiếng phổ thông từ bé. Nên huyện đang hết sức quan tâm đến nội dung bảo tồn tiếng nói, chữ viết; chúng tôi đang ấp ủ dự định đưa tiếng Thái vào giảng dạy trong các trường học”.

Trong giai đoạn 2011 đến nay, Con Cuông cũng gặp phải những hạn chế như công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số chưa thường xuyên; có sự chồng chéo giữa các phòng của UBND huyện; việc sưu tầm, lưu giữ, bảo quản các hiện vật mang tính đặc trưng của dân tộc Thái vẫn chưa thực hiện được do chưa có nhà truyền thống để trưng bày,…

Thay mặt đoàn khảo sát, bà Lô Thị Kim Ngân đề nghị Con Cuông tiếp tục rà soát việc thực hiện các chính sách đã ban hành đối với việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; bổ sung các giải pháp để làm tốt hơn công tác này; phân định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư...

Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm phát huy hơn nữa các truyền thống tốt đẹp, bài trừ các hủ tục: "Những nét đặc sắc trong ẩm thực, trang phục, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian cần giữ lại, đồng thời thống nhất quan điểm chỉ đạo cần kiên quyết loại bỏ những yếu tố lạc hậu, hủ tục cản trở tiến trình phát triển hiện nay, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta".

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng lưu ý địa phương chú trọng bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, huy động nguồn xã hội hóa trong những trường hợp có thể để lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số cho các thế hệ sau.

Đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh trò chuyện với người dân Khe Choăng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: T.G

Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn khảo sát có chuyến thực tế tại thị tứ Khe Choăng, xã Châu Khê để tìm hiểu thực trạng bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Thái.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201711/tieng-noi-chu-viet-dan-toc-thieu-so-o-con-cuong-dang-mai-mot-2863385/