Tiếng nổ tạo sóng xung kích mạnh gấp 10.000 lần bom H

Được xem như thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất của thế kỷ XIX, vụ núi lửa phun trào tại Krakatoa (Indonesia) vào năm 1883 đã gây ra tiếng nổ lớn nhất trong lịch sử. Với sóng xung kích lớn hơn 10.000 lần so với bom H, vụ nổ dẫn tới sóng thần và để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Vụ phun trào tại Krakatoa vào năm 1883 tạo sóng xung kích mạnh gấp 10.000 lần bom H. (Ảnh minh họa)

Vụ phun trào tại Krakatoa vào năm 1883 tạo sóng xung kích mạnh gấp 10.000 lần bom H. (Ảnh minh họa)

Ngày 27/08/1883, hàng loạt tiếng nổ lớn đã xảy ra từ vụ phun trào núi lửa tại đảo Krakatoa - khu vực nằm giữa hai đảo Java và Sumatra của Indonesia. Cho đến nay, sự kiện núi lửa phun trào này vẫn là ký ức khó quên và đáng sợ đối với nhiều người.

Với cường độ âm thanh lên đến 172 dB, vụ nổ kể trên đã “xé nát” thính lực của nhiều người dân Indonesia ở trong bán kính 50km cách trung tâm vụ phun trào. Đồng thời, những cột khói bốc lên cao gần 80km và tro bụi cũng rơi khắp mặt biển trong khu vực khoảng 20km quanh vụ nổ.

Được biết, vụ phun trào núi lửa tại Krakatoa đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 36.417 người, phá hủy toàn bộ 165 ngôi làng và thành phố gần đó, làm 132 ngôi làng khác bị tàn phá nghiêm trọng. Qua đó, biến nó trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất của thế kỷ XIX.

Ngoài thiệt hại kinh hoàng về con người và tài sản, thì vụ núi lửa phun trào tại Krakatoa năm 1883 phun trào còn kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng khác lên các khu vực xung quanh. Điển hình như với cường độ lớn nhất trong lịch sử Trái đất, âm thanh từ vụ nổ đã ảnh hưởng tới toàn bộ người dân trong bán kính 5.000 km – trải dài trên 50 khu vực địa chất khác nhau.

Trả lời phỏng vấn với tạp chí Nautilus, nhà khoa học Aatish Bhatia khẳng định rằng, âm thanh của vụ phun trào này lớn tới mức, người dân tại New Guinea và Tây Úc (cách Krakatoa khoảng 3.200 km) đều có thể nghe thấy loạt tiếng nổ lớn, như tiếng pháo vọng lại từ hướng Tây Bắc.

Thậm chí, cư dân trên đảo Rodrigues thuộc Ấn Độ Dương, cách tâm vụ nổ hơn 4.800 km cũng phản ánh về việc nghe những tiếng động lớn, giống như âm thanh của súng máy hạng nặng.

Theo ghi nhận của các nhà khoa học, những mảnh vỡ rực cháy từ miệng núi lửa văng tứ tung trong không gian với tốc độ lên đến 2.575 km/h, gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh. Trong khi đó, sóng xung kích xuất phát từ tâm vụ phun trào còn vọng lại nhiều lần, gây ra sóng thần cao hơn 45m, có sức nặng lên tới 600 tấn đổ ập xuống và tàn phá toàn bộ khu vực duyên hải đảo Java và Sumatra.

Cách đó khá xa, tại vùng biển Nam Phi, nhiều con tàu cũng bị chao đảo vì ảnh hưởng của đợt sóng thần này. Còn đối với những người ở gần thì vụ phun trào trở thành “ác mộng” khó quên trong cuộc đời của họ.

Trên tờ Nautilus, ông Bhatia chia sẻ rằng, ở thời điểm xảy ra vụ phun trào, chiếc Norham Castle của Anh đang cách tâm vụ nổ khoảng 40km. Khi đó, âm thanh của vụ nổ khiến hơn nửa số thủy thủ trên tàu bị hỏng thính giác.

Còn theo tờ The Independent, tiếng nổ từ vụ phun trào tại Krakatoa năm 1883 tạo sóng xung kích mạnh gấp 10.000 lần bom H với cường độ âm thanh được ghi nhận vào khoảng 172 dB trong bán kính 160km xung quanh vụ nổ. Cần phải biết rằng, ngưỡng đau của tai người có thể chịu đựng chỉ khoảng 130 dB. Thậm chí, cường độ âm thanh ở gần động cơ phản lực cũng chỉ rơi vào mức 150 dB. Vì vậy, không khó để hiểu vì sao số thủy thủ kể trên lại bị hỏng tính giác.

Qua đó, có thể thấy rằng, vụ phun trào tại Krakatoa vào ngày 27/8/1883 không chỉ trở thành ký ức kinh hoàng của những người có mặt ở thời điểm đó, mà còn là nỗi khiếp sợ cho những người sống về sau.

Bảo Tuấn

Theo Science Alert

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/tieng-no-tao-song-xung-kich-manh-gap-10000-lan-bom-h-1264147.tpo