Tiếng kêu cứu từ vịnh Vân Phong

Ở trên bờ, giá đất tăng nóng và người dân bàn tán râm ran chuyện Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Ở vùng nước vịnh Vân Phong, có muôn kiểu khai thác thủy sản theo kiểu hủy diệt. Nếu không có biện pháp mạnh tay, vịnh Vân Phong tiềm ẩn những vấn đề an ninh trật tự trên biển rất phức tạp.

Những chiếc ghe giã nhũi ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, chuyên hoạt động về đêm. Ảnh: Hải Luận

Chúng tôi đến một làng chài xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh mà đa số ngư dân đánh bắt bằng thuyền nhỏ trong vịnh Vân Phong. Thấy ông Nguyễn Văn H có một đống lưới đang để ở sân, tôi hỏi: “Tại sao mùa biển êm mà ông không đi biển?”.

Như đụng đến những uất ức dồn nén lâu ngày, ông H xổ ngay một tràng: “Ban đêm tôi thả lưới xuống biển, lập tức bị ghe (thuyền) xiệc điện (hay còn gọi giã nhũi) ủi sạch. Mỗi khi hoạt động, nó căng hai cái càng ra hai bên giống như cánh máy bay rải thảm ven bờ. Xiệc điện đi qua, mọi sinh vật ở đó đều chết sạch. Đêm nào tôi đi biển cũng lỗ tổn (tiền dầu), đành ở nhà đi làm thợ hồ kiếm cơm ăn qua ngày”.

Ông H yêu cầu tôi viết thì phải giấu tên ông, vì sợ bị trả thù. Đây là việc khá phổ biến đối với cư dân nghề lưới ven bờ vịnh thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Từ lâu, thôn Ninh Mã và Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, được xem là “sào huyệt” ghe giã nhũi.

Ban ngày, cả hai thôn này có gần 20 chiếc giã nhũi đang sãi càng đậu ven bờ; khi màn đêm buông xuống, tần suất hoạt động của nó khiến dân thả lưới phải khiếp sợ. Bởi vì ghe giã nhũi sử dụng mô tơ phát ra dòng điện trên 220V, kết hợp bộ lưới kéo rất dày, phía dưới đáy có dây xích sắt vừa dẫn điện, vừa quét dưới mặt bùn, mức nước hoạt động chỉ 1-4m.

Mỗi khi giã nhũi đi qua, dòng điện sẽ tận diệt tất cả mọi sinh vật biển, từ ấu trùng đến cá, tôm trưởng thành. Vịnh Vân Phong có diện tích vừa phải, số lượng ghe giã nhũi đêm nào cũng càn quét với tần suất cao thì chẳng có nguồn lợi thủy sản nào tồn tại và phát triển được.

Song hành cùng ghe giã nhũi, ngư dân một số địa phương như xã Vạn Thắng, thị trấn Vạn Giã... lại đang đua nhau phát triển ghe giã sò. Chi phí sắm một bộ đồ nghề giã sò không nhiều tiền lắm, nhưng tiền kiếm được trong một đêm có thể 2 – 3 triệu đồng, nên họ đua nhau sắm loại nghề hủy diệt này. Chỉ cần làm một cái lồng sắt dài khoảng 5m, phía dưới miệng lồng có hàng răng nhọn hướng ra ngoài, dài 30-40cm và hệ thống dây buộc vào đôi ghe. Mỗi khi ghe sò hoạt động, miệng đáy lồng sắt cắm sâu dưới đáy biển để cào những con sò đang nằm dưới bùn phải văng lên, chui vào lồng sắt.

Để kiểm chứng điều này, tôi đi theo ghe của ngư dân thả lưới, quan sát trực tiếp ghe giã sò hoạt động ở ven bờ biển Vạn Giã ở mức nước 3-5m. Khi ghe giã sò đi qua, một vùng nước đen kịt trồi dưới lên, kéo dài theo chiều của ghe hoạt động rồi loang rộng. Chỉ riêng Tổ dân phố số 15, thị trấn Vạn Giã đã có gần 30 chiếc ghe giã sò, nếu như trong một đêm, với số ghe giã sò này cùng “oanh tạc” (không tính các xã khác) thì đáy biển bị cào xới cỡ nào? Rồi “ngôi nhà”, nơi sản sinh của sinh vật biển bị hủy hoại trực tiếp. Rồi nước đục sẽ làm chết thủy sản của các hộ nuôi trồng xung quanh vịnh.

Vịnh Vân Phong là nơi trú ẩn, sinh sản và “cung cấp” con giống cho cả vùng biển bao la. Mỗi khi ghe giã nhũi, cào sò đi qua, tạo ra một cơn dư chấn môi trường ghê gớm. Ông Nguyễn Xỉ, thị trấn Vạn Giã, kể tội: “Nhà tui sắm giàn lưới 70 tấm, trị giá 40 triệu đồng. Ban đêm mới thả lưới xong, thì nghe tiếng máy nổ xé tai của mấy ông cào sò chạy cắt ngang, mình phải vừa tăng tốc độ cho ghe chạy, vừa dùng đèn pha báo hiệu có lưới đang thả dưới biển. Vậy mà có nhiều đêm, mấy ông còn “xơi tái” cả chục tấm lưới. Mình chạy tới nói mấy ông cào sò bồi thường, họ xửng cồ đòi đánh người, đạp bể ghe. Một thân, một mình sợ quá, tôi bỏ đi cho yên”.

Nghề giã nhũi, giã cào sò hủy diệt môi trường đã rõ mười mươi. Vấn đề trật tự an ninh trên biển ở đây luôn diễn ra phức tạp. Phần lớn số người dân nuôi trồng thủy sản trên biển và ven bờ thuộc xã Vạn Lương, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Thọ, Vạn Thạnh, thị trấn Vạn Giã đang mâu thuẫn cực độ với người sử dụng giã nhũi, giã sò.

Bài học còn đó, trước đây, cuộc đánh nhau đổ máu giữa người dân làm nghề ghe giã nhũi và nghề lưới cước tại đầm Nha Phu, ở các thôn thuộc xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa. Sau cuộc đánh nhau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra chỉ thị xóa sổ nghề giã nhũi ở đầm Nha Phu và bình yên được đến hôm nay. Thế nhưng, nghề giã nhũi, cào sò vẫn còn hoành hành với cường độ mạnh ở vịnh Vân Phong, giống như cục “u nhọt” tồn tại dai dẳng. Lẽ nào, UBND tỉnh Khánh Hòa không áp dụng biện pháp mạnh của Luật Thủy sản để cứu lấy môi trường và giữ vững an ninh trật tự ở Vân Phong giống như đầm Nha Phu?

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tieng-keu-cuu-tu-vinh-van-phong/