Tiếng 'kêu cứu' từ những vườn tượng Cố đô Huế

Trại điêu khắc quốc tế tại 5 kỳ Festival Huế, có 137 tác phẩm – đây là những món quà vô giá mà các nghệ sĩ, nhà điêu khắc dành tặng cho nhân dân và du khách đến Huế. Thế nhưng, hiện nhiều tác phẩm đang bị hư hại, xuống cấp. Trong khi đó, một số tác phẩm khác lại được đặt các vị trí chưa phù hợp để phát huy giá trị…

Tại TP Huế có 3 vườn tượng, với 88 tác phẩm được đặt ở các công viên dọc sông Hương, gồm: công viên 3/2 (trước Trường Đại học Sư phạm Huế); công viên Lý Tự Trọng và công viên Phú Xuân. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài và những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, nhiều tác phẩm đã bị hư hại, xuống cấp. Đáng buồn, có không ít tác phẩm bị xâm hại bởi sự vô tình, hoặc cố ý của một số người dân, khách vãng lai, hay người đi du lịch, làm giảm giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Theo ghi nhận, những tác phẩm bị hư hại chủ yếu xuất phát từ chất liệu như nhựa tổng hợp, sắt, thép, gỗ…

Ở công viên 3/2, với 33 tác phẩm nghệ thuật thì hầu hết hệ thống bảng tên giới thiệu tác phẩm đã bị mờ, một số tác phẩm bị hư hại nghiêm trọng, như tác phẩm “Hoa trinh nữ”, với chất liệu nhựa tổng hợp, sắt, xi-măng bị nứt vỡ hai cánh tay, rơi 2 bàn tay. Tác phẩm “Sảng khoái”, phần tượng chính được làm bằng gỗ đã bị mục ruỗng, hư hại hoàn toàn và buộc phải thu hồi; hiện chỉ còn phần bục làm bằng gạch nằm trơ trọi giữa công viên…

Một tác phẩm điêu khắc ở công viên ven bờ sông Hương bị hư hỏng.

Một tác phẩm điêu khắc ở công viên ven bờ sông Hương bị hư hỏng.

Tương tự, một số tác phẩm khác ở công viên Lý Tự Trọng cũng bị xuống cấp, như tác phẩm “Lá cờ điêu khắc” bằng chất liệu đá trăng, sắt và gương, đã bị hư hỏng, vỡ gương, rách cờ; tác phẩm “Một cõi” bằng đá cẩm thạch, phần bệ tượng bằng xi-măng đã bị sứt mẻ. Tại công viên này, một số tác phẩm không còn bảng gắn tên tác phẩm…

Vườn tượng điêu khắc ở công viên Phú Xuân, phía ven bờ Bắc sông Hương, với 28 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm của tác giả quốc tế, cũng rơi vào tình trạng bị hư hỏng. Như tác phẩm “Ở làn ranh” của Dolorosa Sinaga (Indonesia), phần bệ xi măng bị nứt, gang hoen gỉ; tác phẩm của Christian Noiseau (Pháp) bị mất 3 con chim cú mèo bằng lá inox; tác phẩm “Thuyền” bằng chất liệu thép của Laury Dizengremel (Anh) đã không còn tìm thấy…

Lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, đơn vị phụ trách công tác quản lý vườn tượng tại 3 công viên nói trên, cho biết, tùy thuộc theo chất liệu, trải qua thời gian dài và thời tiết khắc nghiệt nên một số tác phẩm điêu khắc ở các công viên đã bị hư hỏng; một số tác phẩm làm bằng kim loại thì bị trộm tháo dỡ một phần. Hiện, ngành chức năng đang đề xuất thu hồi đối với các tượng hư hỏng nặng.

Ông Đỗ Văn Lân, Phó phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho hay, ngoài 3 vườn tượng tại TP Huế, các tác phẩm điêu khắc còn lại được đặt tại 2 vườn tượng ở khu du lịch Hồ Thủy Tiên thuộc xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) và Sun&Sea Resort (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Tại đây, người dân và du khách rất khó tiếp cận với các tác phẩm. Điều đáng nói, trải qua thời gian dài khu du lịch Hồ Thủy Tiên đóng cửa nên vườn tượng gần như bị “bỏ quên”, hoang phí...

Trước thực trạng này, ngành Văn hóa từng phối hợp với UBND TP Huế và các đơn vị liên quan đã có chuyến khảo sát hệ thống vườn tượng trên địa bàn; đề xuất giải pháp di chuyển một số tác phẩm điêu khắc tại Khu du lịch Hồ Thủy Tiên đưa về trưng bày ở các điểm xanh ở trung tâm TP Huế.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, việc hình thành nên di sản hệ tượng điêu khắc dọc sông Hương là một ý tưởng rất độc đáo, đầy tính chiến lược cho một kịch bản phát triển nghệ thuật cảnh quan Huế theo hướng phát triển không gian sáng tạo nghệ thuật.

Vấn đề quan trọng hiện nay được đặt ra cấp thiết, ai là chủ thể quản lý di sản nghệ thuật độc đáo này để bảo vệ và nâng niu, phát huy giá trị to lớn của nó để công chúng thụ hưởng. Rõ ràng những không gian sáng tạo nghệ thuật đặc trưng này phải gắn liền với tinh thần và khả năng sáng tạo của người nghệ sỹ và nhà quản lý một cách hài hòa, hữu hiệu”.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Đình Hằng, để trân trọng giá trị độc đáo của di sản, rất cần một quy chế quản lý rõ ràng, từ cơ quan quản lý nhà nước đúng chức năng cho tới khả năng xã hội hóa theo hướng khai thác giá trị, lẫn quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của công chúng. Tỉnh Thừa Thiên- Huế với định hướng phát triển đặc biệt của một đô thị di sản đặc biệt thì cần chú trọng hơn nữa tới hướng tiếp cận này.

Hải Lan

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/tieng-keu-cuu-tu-nhung-vuon-tuong-co-do-hue-643639/