Tiếng kẻng bình yên ở một vùng công giáo

Nhiều năm nay, tiếng kẻng an ninh ở xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã trở thành âm thanh quen thuộc đến nỗi ngày nào không được nghe tiếng kẻng thì bà con cảm giác như thiếu một điều gì đó. Chiếc kẻng đơn sơ này đã mang lại sự bình yên cho một vùng công giáo.

Cán bộ Đồn BP Trà Lý họp bàn với Tổ tự quản về việc tổng kết mô hình "Giáo xứ không ma túy và tệ nạn xã hội". Ảnh: N.Bảo

"Chiếc đồng hồ đặc biệt"

Như một thói quen cố hữu, cứ đúng 22 giờ, tiếng "Kẻng ba phòng" vang lên đồng loạt ở xã Thái Thượng, báo hiệu giờ "giới nghiêm" bắt đầu. Chẳng ai bảo ai, tất cả người dân tự giác giải tán đám đông, ai về nhà nấy, trước khi đi ngủ, bà con kiểm tra lại khóa cửa, cổng đề phòng trộm cắp. Không kể ngày hay đêm, khi thấy đối tượng lạ mặt xuất hiện tại địa phương, khả nghi có hành vi gây rối mất trật tự hoặc trộm cắp..., tổ tuần tra sẽ thông báo cho người canh kẻng, tiếng kẻng dồn dập huy động nhân dân kịp thời ứng phó.

Tiếng kẻng an ninh này bắt đầu có ở xã Thái Thượng từ tháng 4-2011. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn BP Trà Lý, BĐBP Thái Bình đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Thái Thượng và Hội đồng giáo xứ Bích Du xây dựng mô hình "Giáo xứ không ma túy và tệ nạn xã hội" gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", trong đó chú trọng công tác phòng, chống tội phạm ma túy.

Giáo xứ Bích Du gồm 3 họ giáo, đó là họ giáo Bích Du, Các Đông và Sơn Thọ với hơn 540 nhân khẩu thuộc 150 hộ. Những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa phương có phần phức tạp vì nam nữ trong độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là nam giới. Tuy chưa có đối tượng nghiện ma túy hay vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, giáo xứ cũng bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phức tạp trong cộng đồng cư dân.

Hơn nữa, giáo xứ Bích Du có rất nhiều thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa hoặc đi học tập ở các trường trên khắp cả nước. Xác định đây là những người dễ bị lôi kéo, sa đà vào các tệ nạn xã hội, bản thân cha xứ, những người trong tổ tự quản đã trực tiếp đến tận nhà nhắc nhở các gia đình phải thường xuyên liên lạc với người thân, động viên họ chuyên tâm lao động, học hành, đề cao cảnh giác để tránh xa cờ bạc, rượu chè, ma túy... Còn ở địa phương, tổ tự quản cũng đã tổ chức được các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút đông đảo con em đến sinh hoạt, giao lưu, rèn luyện sức khỏe và vui chơi lành mạnh.

Các xã liền kề với xã Thái Thượng là Thái Đô, Thái Hòa, Thái Nguyên và thị trấn Diêm Điền… đều có người mắc nghiện ma túy, nhất là thị trấn Diêm Điền và xã Thái Hòa. Tình hình nghiện hút ngày một gia tăng gây nhức nhối trong cộng đồng dân cư, có nguy cơ lan tràn sang các xã liền kề. Trong khi đó, công tác quản lý về an ninh trật tự, hoạt động các đoàn thể chưa phát huy hết vai trò trong thực hiện các phong trào của địa phương.

Trong quá trình thực hiện phong trào, cán bộ Đội VĐQC, Đồn BP Trà Lý đã có sáng kiến lắp đặt hệ thống kẻng trong toàn xã nhằm củng cố việc bảo vệ an ninh một cách toàn diện. Tuy nhiên, do địa bàn rộng nên việc lắp đặt nhiều kẻng tại nhiều vị trí sẽ rất tốn kém, lại phải bố trí người canh và gõ kẻng. Hơn nữa, dù có chỉ định giờ gõ kẻng thì cũng không thể đánh đồng loạt được. Cuối cùng, những người lính Biên phòng đã quyết định tham mưu cho chính quyền địa phương thu tiếng kẻng vào băng rồi phát đồng loạt ở 40 cụm loa truyền thanh. Điều thú vị hơn là tiếng kẻng trên địa bàn xã Thái Thượng hiện nay đã được thu âm trực tiếp từ tiếng kẻng của Đồn BP Trà Lý.

Hiệu quả bất ngờ

Ông Đỗ Quang Hữu, trú tại xã Thái Thượng cho biết: "Đối với nhiều gia đình, tiếng "Kẻng ba phòng" đã tạo cho mọi người có lối sống giờ giấc kỷ luật. Khi nghe tiếng kẻng, mọi người dù có đang vui chơi, tụ tập hay gia đình nào có đám hiếu hỉ cũng sẽ dừng mọi hoạt động. Phải công nhận rằng, từ khi có tiếng "Kẻng ba phòng", tình trạng trộm cắp tài sản, tệ nạn xã hội trong thôn giảm rõ rệt, người dân rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tình đoàn kết thôn xóm cũng được cải thiện".

Đội VĐQC, Đồn BP Trà Lý còn phối hợp với Ủy ban MTTQ, lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể của xã tham gia cùng bà con giáo xứ Bích Du xây dựng mô hình theo phương châm "Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải" bằng cách phát huy tính tự giác của từng gia đình, từng người dân trong địa bàn. Mô hình "Giáo xứ không ma túy và tệ nạn xã hội" đã thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh điểm nóng, phấn đấu các giáo họ trong khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhờ thế nhiều năm qua, giáo xứ Bích Du là giáo xứ kiểu mẫu, nội bộ giáo xứ đoàn kết, thống nhất, đời sống của giáo dân từng bước được cải thiện rõ rệt về mọi mặt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

"Thời gian đầu, mỗi lần tiếng kẻng phát đồng loạt trên loa nghe chưa quen nên nhiều người rất khó chịu, thậm chí cho là ồn ào, nhưng nay tiếng kẻng đã quen rồi và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân trong xã. Bà con ai cũng thấy lợi ích của chiếc "đồng hồ đặc biệt" này, nó đã tạo lối sống có giờ giấc, trách nhiệm hơn với chính bản thân mình và xã hội. Thậm chí hôm nào có sự cố hay mất điện không được nghe tiếng kẻng là bà con giáo xứ cảm thấy nhớ".

Ông Đỗ Quang Hữu chia sẻ.

Để mô hình hoạt động một cách có tuần tự, nhịp nhàng, bà con đã đứng ra bầu "Tổ tự quản" gồm 9 thành viên là đại diện của: Đồn BP Trà Lý, người đứng đầu giáo xứ và các trưởng thôn. Tất cả các thành viên trong Tổ tự quản đều là người có uy tín, nhiệt tình đảm nhận công việc mà bà con tin tưởng giao cho.

Anh Đỗ Quang Thụy, một người dân ở xã Thái Thượng đến nay đã có hơn 5 năm làm thành viên của Tổ tự quản. Hàng ngày, anh cùng Tổ tự quản phân chia nhau công việc cùng với BĐBP đi tuần tra và xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Mỗi khi địa bàn có việc gì thì Tổ tự quản sẽ là những người đầu tiên có mặt để nắm tình hình báo cáo cơ quan chức năng giải quyết. Vất vả là thế, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu. Anh Thụy nói mà như phân bua: "Nhiều người cứ nghĩ tôi làm ở Tổ tự quản vì một lợi ích nào đó, nhưng có phải vậy đâu. Chúng tôi làm xuất phát từ cái tâm, vì cuộc sống bình yên của bà con địa phương mình nên không ngại mang tiếng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Cũng thật hạnh phúc khi biết rằng, Tổ tự quản bây giờ đã trở thành một mô hình có hiệu quả được nhân rộng trên khắp địa bàn các xã".

Thiếu tá Nhâm Văn Dương, Đội VĐQC, Đồn BP Trà Lý, cán bộ phụ trách địa bàn xã Thái Thượng cho biết: Mô hình "Giáo xứ không ma túy và tệ nạn xã hội" với mục tiêu "3 không": Không có ma túy, không có tệ nạn xã hội và không có người vi phạm pháp luật. Hiệu quả lớn nhất của mô hình này là tăng cường sự gắn kết quân dân, giúp cán bộ, chiến sĩ đơn vị và bà con giáo dân ngày càng tin tưởng nhau hơn, từ đó chung tay, góp sức vì bình yên cuộc sống.

Nguyên Bảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tieng-keng-binh-yen-o-mot-vung-cong-giao/