Tiếng hát ru giữa kỷ nguyên lời ru điện tử

Cách đây khá lâu, tôi đến thăm nhà một người bạn. Bạn tôi đang chuẩn bị cho con trai nhỏ 6 tháng tuổi ngủ. Bạn bảo tôi, cứ yên tâm chờ bạn một chút, bạn có 'tuyệt chiêu' cho con dễ ngủ, rồi sẽ ra ngay. Hóa ra, tuyệt chiêu của bạn là mở ipad ra, lên Youtube, gõ mục tìm kiếm, ra bao la là nhạc điện tử để ru trẻ con.

Những bài hát ru “sóng âm” liệu có thể thay thế lời ru của mẹ, của bà?

Những bài hát ru “sóng âm” liệu có thể thay thế lời ru của mẹ, của bà?

Bạn mở lên, đứa trẻ cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Bạn tự hào bảo: Có hay không, lưu lại làm kinh nghiệm, sau này chăm con nhé. Tôi khi ấy, ngây ngô hỏi, sao bạn không dành ít thời gian mà ru cháu ngủ, lời ru cũng tốt cho trẻ nhỏ lắm chứ, chắc phải hơn nhạc phát từ thiết bị điện tử rồi. Bạn đã cười tôi, với tư cách một người mẹ - hiện đại.

Bạn giải thích, những bài nhạc ấy đã được nghiên cứu, nó phù hợp với sóng não của trẻ con, có thể làm cho trẻ dễ ngủ, ngủ ngon, ngủ sâu, lại còn kích thích sự phát triển trí não của trẻ nữa... Nghe bạn nói một tràng, tôi liên tưởng đến các mẩu quảng cáo sữa vẫn thường thao thao trên truyền hình, trên mạng.

Nhưng sau tất cả, tôi hiểu rằng, quan trọng nhất vẫn là “tiện lợi”. Vì người mẹ quá bận rộn, quá mệt mỏi với trăm thứ việc không tên, nên “ru con” chỉ được xếp ở hàng thứ yếu. Nên khi có một thứ gì đó khả dĩ có thể thay thế được, thay thế tốt lời ru, là cái việc ru con được vui vẻ bỏ qua ngay. Tôi nghe và hiểu cho bạn mình, hiểu cho những người mẹ bận bịu của thời đại này, nhưng, thế nào ấy, vẫn cứ xót cho những đứa trẻ thiếu đi lời ru của mẹ.

Trong kí ức của mình, tôi nhớ những lời ru xưa của mẹ, thời mẹ còn ôm tôi nằm võng: “À à ời, à à ơi. Con ơi con ngủ cho lành. Để mẹ múc nước rửa bành con voi. Muốn coi lên núi mà coi. Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng. À à ời, à à ơi..”.

Tôi bắt đầu hết tuổi được ru, thì đến các em tôi. Mẹ tôi đu đưa em trên võng, còn tôi thì ngồi nghe, giọng mẹ ngọt ngào, trong trẻo, đầy cảm xúc, mà nhiều người bảo rất giống giọng danh ca Thu Hiền. Có lúc, tôi cũng bắt chước mẹ, ngồi ru em với những bài hát ru mà tôi lỏm bõm thuộc từ mẹ. Từ câu hát ru ngắn cho đến những bài ca dao, dân ca.

Mẹ tôi rất thích hát ru con bằng bài Đi cấy, dân ca Thanh Hóa: “Lên chùa bẻ một cành sen. Lên chùa bẻ một cành sen. Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng. Ba bốn cô có bạn cùng trăng có hẹn cùng trăng. Thắp đèn, thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm...”.

Mẹ bảo, mỗi lần cất lên lời hát, lời ru ấy, trong tâm trí mẹ lại hiện lên những hình ảnh thuở ấu thơ, hình ảnh thiếu thời tươi đẹp ở quê nhà. Chị em chúng tôi còn nhỏ nhưng phần nào cảm được tâm hồn mẹ, cũng từ những bài hát đã thuộc lòng ấy.

Quê cha, quê mẹ tôi đều ở xứ Thanh, quê hương bà Triệu, của vua Lê... Cha mẹ tôi ly hương từ lúc mới trưởng thành. Những câu ru của mẹ luôn gắn với những chuyện, những tích về cố hương. Tôi học yêu quê cha đất Tổ từ những bài ru như thế. Ngày ấy, mẹ có ba đứa con, đi làm cả ngày, vừa bận nuôi con vừa bận việc nhà, cũng không có loa, có smart phone, không hiểu sao mà mẹ có thời gian để hát ru chúng tôi nhiều như thế?

Em tôi bây giờ cũng nhiều lúc bận rộn, cũng dùng ipad để ru con. Mẹ tôi cũng hiểu, là hoàn cảnh bắt buộc như thế, cái thời này nó thế. Nên bà không ép con theo ý mình. Bà chỉ nói với em tôi rằng, nếu như con thay lời ru của một người mẹ bằng tiếng ru của máy, tức là con đã tước đi của con cái con một hồi ức tuổi thơ đẹp đẽ. Hồi ức ấy, lớn lên đứa trẻ có thể nhớ hay không nhớ, nhưng nó lặn sâu vào tiềm thức, làm nên sự ấm áp, đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi người về sau.

Và nữa, hát ru không chỉ là việc cất lên một lời hát nào đó để đứa trẻ ngủ cho ngon. Khi hát ru, là người mẹ đã ở bên con, hoặc đặt con trên võng, âu yếm nhìn con, hát cho con nghe, hoặc ôm con trong cánh tay, ấp con trên ngực, ru hời ru hỡi. Đứa trẻ thiếp đi trong lời hát dịu dàng, trong vòng tay ấm áp, cạnh hơi ấm mẹ, gương mặt mẹ lung linh. Những điều đó, liệu có chiếc máy nào thay thế được, liệu có những bài hát sóng não nào làm tốt hơn?

Em tôi có thể bận rộn và đôi lúc quên đi lời hát ru, nhưng các cháu tôi vẫn luôn là những đứa trẻ may mắn, được bà hát ru từ thuở nhỏ. Có một lần, tôi bắt gặp cháu gái 6 tuổi của mình nằm trên võng đang ôm em trai hơn 1 tuổi vào lòng, hát ru em. Cháu hát say sưa, từ những bài quen thuộc bà thường hay hát, rồi cả những bài hát có âm điệu mới lạ, vui vẻ mà cháu tự “chế” ra. Mẹ tôi đang ở gần đó, ngẩng lên nhìn cháu với nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện.

Những bài hát ru ấy mới diệu kì làm sao. Nó nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim chị em tôi. Nó giúp chúng tôi gắn kết với nhau trong một thơ ấu êm đềm. Giờ đây, những bài hát ru ấy lại đem niềm vui đến cho các cháu tôi, kết nối sự cách biệt giữa các thế hệ. Các cháu tôi, một vài trong những đứa trẻ hiếm hoi được hát ru giữa kỉ nguyên lời ru điện tử. Nhưng tôi tin rằng, những hạt mầm yêu thương trong lời hát ru dù thế nào cũng không bao giờ tắt. Bởi, dù ở kỉ nguyên nào, vẫn sẽ còn những người mẹ, người bà biết hát ru, yêu câu hát ru con.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/tieng-hat-ru-giua-ky-nguyen-loi-ru-dien-tu-542684.html