Tiếng gọi thắt lòng của cựu binh bên ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ

Giọt nước mắt tiếc thương và nén nhang tri ân của cựu binh già trong nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Trung (Ý Yên, Nam Định) khiến nhiều người xúc động.

Hàng chục năm nay, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hảnh (SN 1954, Yên Trung, Ý Yên, Nam Định) đều dậy từ 4h sáng, chuẩn bị đồ nghề, đi bộ ra nghĩa trang liệt sĩ dọn dẹp.

Sống sót trở về sau chiến tranh, ông lấy việc chăm sóc phần mộ cho những người lính để an ủi tâm hồn và tưởng nhớ đến đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh.

Ký ức một thời đạn bom

Giọng bồi hồi xúc động, vị quản trang kể, năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ.

Sau thời gian huấn luyện trở thành lính đặc công thuộc Sư đoàn 305 Bộ Quốc Phòng, ông cùng đơn vị hành quân vào mặt trận Quảng Ngãi. Lúc này, đơn vị hoạt động dưới sự quản lý của Quân khu 5.

Ông Hảnh bên khu nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Trung.

Ông Hảnh bên khu nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Trung.

Chiến tranh đã qua đi nhưng trong ký ức của ông, năm tháng bom đạn luôn hiện hữu. “Đêm đến, tôi thường mơ thấy tiếng đạn pháo”, ông nhớ lại.

Cựu binh già vén tay áo, chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo lồi lõm, chằng chịt trên da thịt. Ngoài những đêm mất ngủ, khói lửa chiến tranh đã in hằn dấu tích lên cơ thể ông.

Chiến tranh còn lấy đi của ông người bạn, người đồng đội chí cốt tên Bùi Văn Hiện (SN 1955). Ông Hiện và ông Hảnh cùng làng, nhập ngũ và hoạt động cùng đơn vị. Hơn 40 năm, ông Hảnh vẫn nhớ như in ngày bạn hi sinh.

“Chiều hôm đấy, đơn vị tôi liên hoan. Đến tối chúng tôi vào trận địa. Tôi và Hiện ở hai mũi tấn công khác nhau. Không ngờ, trận đấy Hiện nằm xuống, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt”, người đàn ông sinh năm 1954 nghẹn ngào nói.

Một kỷ niệm khác, khiến ông đầy khắc khoải là 9 đồng đội bị giặc phơi thi thể ở chợ Đức Hiệp (nay thuộc xã Đức Hiệp, Mộ Đức, Quảng Ngãi).

Đôi mắt buồn bã, vị quản trang chia sẻ, trong trận đánh sâu vào lòng địch, tiểu đoàn ông chia thành nhiều mũi tấn công. Chín đồng đội của ông bị đạn nã, trúng pháo, hi sinh hết.

Địch mang thi thể họ về phơi ở chợ, nhằm dụ quân ta ra ngoài. Đến khi dân phản đối mạnh mẽ, chúng buộc phải mang thi thể các liệt sĩ đi chôn.

Gần 30 năm nay, ông thường xuyên ở bên cạnh, chăm sóc cho mộ phần của đồng đội.

Năm tháng ác liệt nhất, ông đi biền biệt, thi thoảng biên thư về cho gia đình. Mỗi lá thư mất 6 tháng mới về đến quê. “Thời chiến, liên lạc rất khó khăn. Nhiều trường hợp thư về đến nhà, người đã hi sinh rồi”, ông cho hay.

Năm 1975 giải phóng miền Nam, người trong làng đi bộ đội, bị thương nên ra Bắc trước. Cha mẹ ông Hảnh đợi mãi không thấy con về, cho rằng ông đã hi sinh nên có ý định lập ban thờ.

Khi ấy, ông Hảnh đang đi tàu từ miền Nam về ga Bắc Ninh, rồi cuốc bộ về. Tin lan nhanh đến nhà, cha mẹ ông mừng mừng tủi tủi, chạy ra cổng chờ đón. Đến lúc chạm tay vào người con trai, hai cụ mới dám tin con mình còn sống.

“Hiện ơi! sao mãi chưa về”

Năm 1983, ông Hảnh chính thức ra quân, trở về bên người vợ tần tảo ở quê, hưởng chế độ bệnh binh. Mười năm sau, UBND xã Yên Trung xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, thấy nhà ông gần đó, lại là cựu chiến binh nên mời ông làm quản trang.

Ông Hảnh nghĩ, đây cũng là việc nên làm, bày tỏ lòng cảm kích với người đã khuất nên vui vẻ nhận lời. Từ ngày đó, vợ ông cũng ra phụ giúp.

Chia sẻ về những ngày đầu trông coi nghĩa trang, ông nhớ lại: “Ngày xưa, xung quanh nghĩa trang là cỏ dại và các bụi dứa, nhiều rắn, rết. Nền đất mấp mô, hai vợ chồng tôi phải đi đào chỗ này, lấp chỗ kia cho bằng phẳng. Cỏ dại mọc um tùm, nhổ 10 ngày chưa hết".

Thời điểm mới nhận, mỗi tháng, địa phương hỗ trợ ông 30 nghìn đồng. Vài năm trở lại đây, số tiền hỗ trợ được tăng lên 300 nghìn đồng. Số tiền này, ông dùng mua vật tư làm vườn, dụng cụ quét dọn, trồng thêm khóm hoa, thảm cỏ cho nghĩa trang thêm sạch đẹp.

Công việc của ông hàng ngày là quét dọn,thắp nhang, nhổ cỏ và treo cờ vào ngày lễ, Tết,…

Ông cho biết, nghĩa trang có 217 mộ nhưng chỉ có 215 mộ liệt sĩ, 2 mộ còn lại là bộ đội ở miền trong ra an dưỡng rồi mất. Nhiều năm trôi qua, không thấy người thân đến đưa về.

Trong số các mộ liệt sĩ còn có ngôi mộ gió (không có hài cốt) của liệt sĩ Bùi Văn Hiện. Mặc dù, ông đã cất công đi tìm mộ bạn nhiều lần nhưng không thấy.

Thương nhớ bạn, hàng năm, cứ đến ngày ngày 27/7, ông mặc bộ quân phục, ra nghĩa trang thắp hương cho các ngôi mộ rồi mang chai rượu ra chỗ liệt sĩ Hiện, rót 2 chén, lẩm nhẩm khấn gọi tên.

Giọt nước mắt lăn dài trên gò má già nua, ông nghẹn ngào gọi: “Hiện ơi, sao mãi chưa về. Về đây có anh em, có gia đình…". Lời của ông vẳng vào thinh không, chỉ có lá cây xào xạc, tiếng gió vi vu đáp lại.

Ông Hảnh trò chuyện trước mộ gió của người đồng đội.

Tiếng khóc như chạm đến mọi ngóc ngách của tâm hồn, khiến ai nghe thấy cũng phải khắc khoải một nỗi buồn man mác.

Chiến tranh đã lùi xa, mặt trận năm nào đã mọc lên nhà cửa khang trang nhưng thế hệ trẻ chắc chắn sẽ không bao giờ quên sự hi sinh anh dũng của bao lớp người đi trước, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - CT UBND xã Yên Trung chia sẻ: "Nhiều năm nay, ông Hảnh trông coi, chăm sóc nghĩa trang rất tận tâm, được bà con và địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

"Hằng năm, trước 27/7 các đoàn thể của xã đều đến nghĩa trang, làm công tác vệ sinh, dọn dẹp, quét sơn, sửa chữa những hỏng hóc cho nơi an nghỉ của các liệt sĩ được sạch đẹp. Sau đó, đúng 27/7, chúng tôi sẽ tổ chức lễ dâng hương, thắp nến để tưởng niệm tri ân liệt sĩ, thăm gia đình có công với cách mạng", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết, nghĩa trang được tôn tạo, nâng cấp từ năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. Nguồn kinh phí 1 phần là xã hội hóa, người dân trong xã, con em xa quê hương chung tay ủng hộ, 1 phần là xã tiết kiệm các khoản chi ngân sách, để cải tạo lại.

Hồng Phượng - Thái Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/tieng-goi-that-long-cua-cuu-binh-ben-ngoi-mo-trong-nghia-trang-liet-si-659442.html