Tiếng gọi Sông Đà

Năm 1981, vừa tốt nghiệp Trường Phổ thông cấp III Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội), cậu học sinh Tào Khánh Hưng nghe theo 'Tiếng gọi sông Đà', xung phong lên 'Công trường Thanh niên cộng sản xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình'. Sau một năm, anh được cử đi học Trường công nhân kỹ thuật Lắp máy (đóng tại tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Ninh Bình), để học nghề thợ hàn. Đây là một nghề đòi hỏi sức khỏe, học hành phải nghiêm chỉnh. Bởi hàn là một phần việc không thể thiếu trên các công trường xây dựng, đặc biệt với ngành lắp máy.

Nhà báo Tào Khánh Hưng cùng tác giả ( Nhà báo Trương Cộng Hòa), thăm một gia đình tại bản tái định cư Mường Tè, thủy điện Lai Châu.

Nhà báo Tào Khánh Hưng cùng tác giả ( Nhà báo Trương Cộng Hòa), thăm một gia đình tại bản tái định cư Mường Tè, thủy điện Lai Châu.

Năm 1985, Tào Khánh Hưng ra trường, được điều về Liên đội Hàn thuộc Xí nghiệp liên hợp Lắp máy 10 (Liên hiệp các xí nghiệp Lắp máy Việt Nam).

Nghề hàn điện nặng nhọc, nhưng cũng thú vị. Người thợ phải điều khiển que hàn sao cho khéo, để những mối hàn không bị lộn xỉ; và quan trọng nhất là thép ở những đoạn được hàn chất lượng đảm bảo như thép vừa cán xong.

Hàng ngày chứng kiến khung cảnh làm việc sôi động trên công trường, Hưng muốn ghi lại những hình ảnh ấy. Vậy là Hưng dành dụm tiền lương sắm chiếc máy ảnh. Anh mày mò học chụp, học tráng phim, phóng ảnh…

Công trường Hòa Bình ngày nào chẳng có một vài nhà báo xuất hiện. Thông tấn xã Việt Nam cắm hẳn một phóng viên ảnh thường trú. Hưng lân la làm quen và học nghề. Đầu tiên là những tấm ảnh đen trắng cỡ 9 x12 cm… kèm vài dòng tin ngắn gửi cho báo Hà Sơn Bình, cho bản tin của Đài truyền thanh sông Đà. Rồi những tin kèm ảnh gửi cho các báo ở Hà Nội, như báo Tiền Phong, Hà Nội mới, Nhân Dân, Quân đội nhân dân… Chất phóng viên thuở đó cứ ngấm dần vào Hưng như "mưa dầm thấm giọt", để trong tương lai thành một nhà báo chuyên nghiệp như ngày nay...

Tôi gặp Tào Khánh Hưng năm 1988 trong dịp công trường Hòa Bình bắt đầu vào cao trào hoàn thành lắp đặt và phát điện Tổ máy số 1. Giám đốc Liên hợp lắp máy 10, kỹ sư Đặng Văn Vỵ khoe: Ở đơn vị có một cậu thợ hàn chịu khó chụp ảnh gửi tin cho các báo. Tìm đến nhà Hưng ở khu tập thể, thấy cạnh gian nhà chật hẹp lợp phi- brô -xi- măng, có hẳn một cái hõm lồi ra. Hưng bảo: đấy là nơi Hưng làm ảnh. Có được cũng là nhờ ông Giám đốc Vỵ, một hôm ông tìm đến nhà, hỏi rằng: “Hưng đâu?”; thấy ú ớ có tiếng nói dưới gầm bàn đang phủ kín chiếc chăn dạ. Thì ra Hưng lấy gầm bàn che chăn làm "buồng tối". Lúc đó hai vợ chồng còn ở trong một phòng tập thể khoảng hơn 10 mét vuông, ngăn đôi bằng cót ép. Thế là Giám đốc cho chuyển nhà. Ở đầu hồi nhà mới dùng gạch xỉ xây một cái mái vẩy nho nhỏ làm buồng tối cho cậu thợ hàn. Cũng từ đó, vào những phần việc quan trọng trên công trường lắp máy, ban chỉ huy thường cho gọi cậu thợ hàn mê chụp ảnh đi chụp ảnh phục vụ.

Dòng chữ nho nhỏ “Tin và ảnh: Tào Khánh Hưng” bắt đầu xuất hiện đều trên các báo Trung ương từ đấy.

Trong chuyến công tác đến Thủy điện Lai Châu mới đây, QL 4H chạy từ Pa Tần vào Mường Tè là đường cấp 5 miền núi, tráng nhựa phẳng phiu, còn nhiều cua "tay áo", dốc "ruột gà" và những ta luy dương cao chót vót, vách đất bị mưa gió xói nham nhở, lâu lâu, Hưng lại hô lái xe dừng lại để chụp ảnh.

Hồi ức lại câu chuyện về thời gian ở Hòa Bình, Hưng bộc bạch: Thực ra lúc ấy chụp ảnh và viết tin cũng là do đam mê thôi chứ chưa có ý thức gì cả về tuyên truyền, chưa được học hành nghiêm chỉnh. May được ông Giám đốc Vỵ quan tâm mà thành.

Hưng kể: sau khi Lắp máy 10 hoàn thành lắp đặt 8 tổ máy của Thủy điện Hòa Bình, thì... "việc hết". Giám đốc Vỵ gọi lên bảo: Đây là cơ hội cho bạn đổi nghề. Xin chuyển đi đâu cũng được. Thật may, tỉnh Hòa Bình vừa tái lập. Báo Hòa Bình cần người. Thế là Hưng xin chuyển về làm phóng viên ở báo Hòa Bình (10/1991).

Cho đến một hôm, điện thoại của tôi xuất hiện một số máy lạ. “Em là Tào Khánh Hưng đây, anh có khỏe không?”. Tôi hỏi lại: "Hưng vẫn ở báo Hòa Bình à? khỏe không?”. Hưng trả lời: "Giờ em về báo Xây dựng rồi”. Tôi reo lên trong điện thoại, rồi hẹn Hưng một buổi gặp gỡ tại nơi "bản doanh" của Báo Xây dựng cho oách.

Gặp nhau, Hưng kể: Về Báo Hòa Bình được 3 năm, anh lại thi vào "Phân viện Báo chí & Tuyên truyền". Có còn là học sinh phổ thông nữa đâu, thế mà Hưng thi được 23 điểm, trong khi điểm đỗ là 17. Năm 1998 ra trường, Hưng lại về Báo Hòa Bình, vì tình nghĩa một nơi chốn không thể thành danh rồi là bỏ mà đi ngay được đâu... Nguyên cái việc đang đi học, Chi bộ Báo Hòa Bình mời về, tổ chức kết nạp Đảng cho Hưng (21/10/1994) cũng là chuyện hiếm. Ngày 10/9/1999, Tào Khánh Hưng được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng "Chính trị - xã hội Báo Hòa Bình", rồi được bầu vào BCH Hội nhà báo tỉnh Hòa Bình.

Dường như nỗi khao khát được học tập không lúc nào vơi, chưa yên chỗ, Hưng lại thi vào Trường Đại học Thương mại, khoa Quản trị kinh doanh; để rồi tiếp tục 4 năm đèn sách với bao nhiêu mồ hôi nước mắt, vất vả lây cả sang vợ con...

Công tác tại Báo Hòa Bình được 3 năm nữa, thì cuối năm 1999, Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập đầu tiên của báo Báo Xây Dựng vừa mới thành lập, lên Hòa Bình xin tỉnh cho Hưng về Tòa soạn của ông. Thế là chỉ mấy năm tại nơi công tác mới, Tào Khánh Hưng đã tốt nghiệp lớp Cao cấp Lý luận chính trị (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), rồi văn bằng 2 tiếng Anh và bằng Thạc sĩ báo chí.

Một công nhân hàn, bỗng chốc trở thành một "cộng tác viên" đài báo tại địa phương - trung ương; dấn thân vào nghề báo bằng con đường học hành chính quy. Đó đâu phải chỉ có "năng khiếu" và "đam mê"? Tào Khánh Hưng lập nghiệp không được thuận lợi, thẳng tắp; nhưng là con đường tôi luyện bền bỉ để trở thành một nhà báo, một nghệ sĩ sáng tác thơ - nhạc có nhiều tác phẩm đi vào công chúng...

Xin được chúc mừng Tào Khánh Hưng, người bạn, người anh em thân thiết của tôi...

Trương Cộng Hòa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tieng-goi-song-da-301960.html