Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ

Đàn ông là chúa hám của lạ? Không dám quả quyết, chỉ tủm tỉm cười với tình huống của nhân vật trong một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc. Rằng, anh chàng Ngọc mê tít thò lò cô Xíu Tin, vì: 'người đàn bà cha Tàu mẹ Miên vừa có sắc đẹp lại vừa ngây thơ, chân thật, dễ yêu lắm'.

Bất ngờ ngày kia, “Chàng vịn thang leo lên thì bỗng nghe trên đó có tiếng cười, mà là tiếng đàn ông. Rồi lại nghe Xíu Tin nói bằng tiếng Việt, y hệt như một cô gái Sài Gòn: “Thằng chả ngốc lắm, cứ ngỡ em là đầu gà đít vịt thật, nên mê em lắm…”.

Vừa lúc ấy thì sét đánh một tiếng long trời… Anh ta ôm đầu chạy ngoài mưa một mạch về đến nhà ở trọ khi trước. Ngọc vào nhà, mặt hớt hơ hớt hải như vừa bị ma rượt. Chủ nhà hoảng hốt hỏi mau: “Gì thế thầy ba?”. “Trời ơi! Con bé đầu gà đít vịt ấy lại biết nói tiếng Việt!”.

Bẽ bàng ghê.

Thế, “đầu gà đít vịt” là gì? Có phải nói về món ăn không? Có thể lắm. Với người am tường về ăn uống phải là “Nhất phao câu, nhì đầu cánh”. Có phải sành ăn? Chắc gì? Chỉ những thứ ít ỏi, xương xẩu thì ngon lành nỗi gì? Ai đó láu cá cứ gào lên là thứ ngon nhất để thiên hạ tưởng thiệt, lao vào, còn mình ung dung giành lấy phần còn lại béo ngậy, toàn nạc, há chẳng phải đó sao?

Với nhà văn Bình Nguyên Lộc khi ông lấy cụm từ này “đầu gà đít vịt” đặt tựa cho truyện ngắn nhằm để chỉ người phụ nữ Cao Miên lai Hoa kiều. Đơn giản vậy thôi. Đôi khi có những từ tưởng đã biết tỏng tòng tong nhưng chắc gì đã biết? Không tin à? Cứ thử đọc áng cổ văn Trinh thử, trong đó có câu:

Hạ qua dám ước lại xuân

Dễ hầu gà luộc mấy lần nữa sao?

“Gà luộc” ở đây hoàn toàn không liên quan đến… gà luộc dẫu biết rằng đây là món cực kỳ khoái khẩu của nhiều người. Mà thật lạ, cũng con gà đó đặt trên mâm, tự tay xé ra ăn thì cực ngon nhưng nếu dùng dao chặt, cắt gọn gàng lại thấy kém hấp dẫn bội phần. Ông bà ta tinh tế lắm, dạy rằng: “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà/ Cả ba thứ ấy đều là dùng tay”. Trở lại với câu thơ trong Trinh thử, thử hỏi thế nào là… “gà luộc”? Rằng thưa, “gà luộc” này lấy từ thành ngữ “Gà luộc lại” - nhằm chỉ người đàn bà cải giá sau khi chồng đã mất hoặc li dị chồng. Đàn ông đàn ang cũng quái, khi người ta lẻ bóng, đơn chiếc lẽ ra phải chia buồn thì có kẻ lại nhảy cỡn lên:

Nước ròng trong ngọn chảy ra

Nghe chồng em chết, anh bôn ba qua liền

Vừa đọc lại quyển Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes in năm 1650 (NXB Khoa học Xã hội - 2020) mới biết, thời đó đã có tục xem bói bằng cẳng gà trước lúc khám bệnh.

Ảnh: L.G.

Ảnh: L.G.

“Cách gieo quẻ như sau: Người ta làm thịt một con gà, cắt lấy hai chân ném vào chậu nước sôi, rồi xem kỹ cách đặt và hướng các móng chân để biết điềm chết hay khỏi” (tr.86). Không những thế, trước lúc tiến hành cưới hỏi, khởi công làm việc gì quan trọng thì cũng bói.

Alexandre de Rhodes cho biết: “Vì thế có một lần tôi thấy xảy ra ở một hải cảng, nơi có hai mươi chiếc tàu chuẩn bị đầy đủ, buồm đã căng và sẵn sàng khởi hành. Thương gia người Đàng Ngoài chưa dám bắt đầu làm trước khi chưa bói chân gà. Mà vì hướng không đúng nên họ phải thay đổi dự định, gấp buồm lại và hoãn cuộc hành trình” (tr.88).

Có thể nay, ta thấy buồn cười. Cái tục bói bằng chân gà, khi mới lên năm lên mười, chính mắt y cũng đã từng chứng kiến, ít ra là tại nhà mình. Và, ở Đà Nẵng thời ấy, dọc đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm có dựng lên khá nhiều cái lều xem bói, bước vào trong đã thấy treo lủng lẳng khá nhiều chân gà khô không khốc.

Đi về miền Nam, con gà cũng xuất hiện trong tục “kết ní”. Tại sao gọi ní? Ní nghĩa là gì? Có thể hiểu nôm na, giữa người Việt và người Khmer cùng sinh sống lâu đời trên một mảnh đất, nếu họ cảm thấy thân thiết, quý mến nhau như ruột thịt, tối lửa tắt đèn có nhau, hợp cạ, muốn kết nghĩa anh em lâu dài thì tiến hành làm lễ kết ní.

Cách tiến hành như sau: Cả hai đem theo con gà trống, chai rượu đến trước miếu Ông Tà (Neak Tà) cùng thề thốt, giao ước sống chết có nhau, trở thành tâm giao nối khố; xong, họ vặn cổ con gà, ý muốn nói, ai phản bội thì Ông Tà vặn cổ cho ngủm củ tỏi; xong, cùng uống cạn chai rượu. Từ đây, con cái nhà này cũng gọi phụ huynh nhà kia là cha, mẹ nhưng thêm vào chữ ní, cha ní, mẹ ní. Một phong tục tốt đẹp.

Ngày xưa, ở Sài Gòn, khi thề thốt một điều gì đó, người ta đưa nhau vào Lăng Ông Bà Chiểu - nơi thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Họ quỳ xuống vái và tin rằng lòng thành của mình từ nay đã được đất trời chứng giám. Trong những buổi lễ thề như thế này, theo lệ thường người ta cầm dao cắt cổ một con gà và thề nếu mình bội ước thì sẽ bị thần linh vật chết như con gà xấu số kia.

Lướt qua một vài chi tiết thú vị này, nhằm nói rằng, con gà có đóng một vai trò cần thiết trong sinh hoạt đời sống, lễ nghi của người Việt thời xửa thời xưa. Khi đọc ca dao, ai lại không tủm tỉm với tình huống có cô vợ lẽ sau nhiều lần canh me, chầu chực mới được dịp lẻn vào phòng nằm chung với chồng. Thích quá nhỉ? Đang rộn ràng mở cờ trong bụng nhưng hỡi ôi, chưa xơ múi, chưa cơm cháo gì đã nghe tẻ tè te dậy trời dậy đất! Thử hỏi ai không giận, không cáu?

Cô nàng cáu tiết mà rằng: “Chém cha con gà kia sao mày vội gáy dồn/ Mày làm cho tao kinh hồn mất vía vì nỗi chồng con”. Rõ ràng con gà bị mắng oan, cứ “đúng hẹn lại lên” là nó lại gáy chứ nào biết trong loan phòng sắp có chuyện mùi mẫn. Mà dù có biết chuyện riêng tư thầm kín này, liệu nó có câm tiếng gáy? Ắt không. Phải gáy thôi. Éo le thiệt.

Thông thường, chỉ có gà trống gáy, nhưng “Gà mái gáy gở” là chỉ điềm chẳng lành; “Gà mái đá gà cồ” là chỉ người đàn bà quá quắt có lúc “Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” nhằm dạy chồng cho nên tính nên nết. Được lắm chăng? Xin miễn bình luận. Không những thế, còn có cả thành ngữ “Gà Lữ gáy càn” nữa, nói nôm na là chỉ người đàn bà lấn lướt chồng, giành việc điều khiển, chỉ huy việc nhà. Thế nhưng “gà Lữ” là gà gì? Bởi xưa nay chỉ mới từng nghe nói đến gà ác, gà cồ, gà chọi/ gà đá, gà tồ, gà gô, gà lôi, gà hồ, gà xiêm, gà xước/ gà cánh tiên, gà tây/ gà lôi, gà rừng, gà hoa mơ, gà công nghiệp… nói chung là gà qué.

Vậy, thử tìm xem trên Google xem thiên hạ giải thích ra làm sao? Bí rị. Không hề có giải thích nào cả. Bèn tìm trong sách. Thì đây, Việt Nam từ điển (1970) của Lê Văn Đức cho biết: “Khi Hán Cao tổ băng hà, Lữ Hậu cầm hết quyền chánh. Mặc dầu có Huệ Đế là con bà nối ngôi vua; đối với nước Nam thời Triệu Võ đế, bà cấm việc qua lại mua bán”. Cách giải thích hợp lý, xét ra Đại Nam quốc sử diễn ca có kể lại chi tiết này: “Gặp khi gà Lữ gáy càn/ Chia đôi Hán, Việt lại toan sinh lòng/ Vì ai cấm chợ ngăn sông/ Để cho dứt nẻo quan thông đôi nhà”.

Có phải, đã họa sĩ thì phải vẽ, đã ca sĩ thì hát, đã gà thì phải gáy? Đúng chóc. Thói thường, “Con gà ghét nhau tiếng gáy”. Gáy còn là từ nhằm chỉ những ai khoe khoang, mồm mép trơn như cháo chảy, ba hoa chích chòe vỗ ngực xưng tên, nói nhiều như một cách đánh bóng tên tuổi của mình một cách thiếu khiêm tốn. Ai đó nếu lúc nào cũng “gáy”, khoác lác không khéo mang vạ vào thân bởi có kẻ tìm cách “đá” ngay. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau”.

Không cần nói dài dòng, ai cũng thừa biết tỏng đá là tung/ co chân cho trúng vật gì. Hay thật, có lúc cũng đá nhưng lại không thể hiện bằng hành động cụ thể vừa nêu trên, tỷ như cho người tặc lưỡi: “Chà, dạo này cơ quan nhà mình, anh em ta đá nhau hơi bị nhiều” - là người này tìm mọi cách hạ uy tín, bôi nhọ người kia, chẳng qua cũng vì… giành ghế đó thôi. Nhưng đá đôi khi cũng hiểu là đớp/ ăn nhiều, chẳng hạn: “Thằng chả đói mấy đời hay sao mà hôm nay đá bạo thế?”.

À, với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, xưa nay, nhiều nhà nghiên cứu tranh luận mãi về câu: “Chỉnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc/ La đá hay mòn nghĩa chẳng mòn”. Về từ “la đá”, nhà nghiên cứu An Chi đã giải thích rõ ràng, thuyết phục, chỉ xin tóm gọn luận chứng này trong một câu: Danh từ này là âm cổ của “đá” khi tiếng Việt vẫn còn tồn tại cận song tiết “lata” (Chuyện Đông chuyện Tây, NXB Trẻ - 2005, T.4, tr.295).

Đá là khoáng vật có đặc tính đặc, rắn, giòn, là những mảnh nhỏ hoặc kết thành tảng lớn. Ơ hay, đang bàn về con gà, lại “đá” một phát qua “đá” là lạc đề rồi đấy nhá. Vâng, ạ. Vậy quay lại đây, dễ thôi.

Ngày xưa, còn có thành ngữ mà nay đã biến mất: “Ruột gà đèn ló”, nói rộng ra là ám chỉ bọn đạo chích sống bằng nghề đục tường khoét vách. “Ruột gà” là một loại đèn mà Đại Nam quấc âm tự vị (1895) cho biết: “làm bằng vải nhúng sáp, xe lại như ruột gà; “đèn ló” là đèn hay để trong ống tre”. Đồ nghề của bọn ăn trộm thời xưa đó. Nay, xưa rồi Diễm.

Ông bà ta dạy, sống ở đời, trong phép ứng xử, đừng như “Ngựa non háu đá” cũng đừng như “Gà giò ngứa cựa”.

Trước lúc quyết định điều gì liên quan đến giấy tờ, cần cẩn trọng bởi “Bút sa gà chết”, sau đó, khó có thể sửa đổi gì nữa. Những ai hay hiếp đáp, chơi gác người nhà, người hàng xóm, bị chê trách bằng câu: “Gà què ăn quẩn cối xay”. Loại “Gà nhà lại bươi bếp nhà” xoàng lắm, chẳng ai thèm chấp. Chê hạng người bất tài vô dụng, chẳng làm được gì, có câu: “Gà đất chó ngói” cùng nghĩa với “Bò đất ngựa gỗ”.

Cái sự đời, đôi lúc ngẫm lại thấy oái oăm ghê, đôi khi lại thế này: “Gà ăn mối, mối ăn thổ công, thổ công ăn gà”. Lại có lúc chuyện chẳng may xảy ra dồn dập, đã “ngã ngựa” rồi mà vẫn “Chó cắn áo rách”, chẳng khác gì “Gà què bị chó đuổi”. Nhưng này, gà ở đâu bảnh tỏn nhất?

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

Dựa vào đâu mà quả quyết như thế? Câu trả lời này, xin nhường lại cho cụ Vương Hồng Sển: “Gà Miên mái pha gà nòi trống Việt; hoặc gà nòi Miên cáp với gà mái Việt sanh ra giống nòi lai mà đại diện trứ danh là gà nòi đất Cao Lãnh, vừa chém nhạy cựa, vừa giỏi chịu đòn” (Hậu Giang - Ba Thắc, NXB Trẻ 2012, tr.149). Ấy là một giống gà cụ thể, còn trong thơ Việt Nam, có thi sĩ nào chứng kiến tiếng gà gáy kỳ lạ vô tiền khoáng hậu?

Đồ rằng, chính là Hàn Mặc Tử, chứng cứ rành rành đây nè: “Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ/ Tôi hoảng hồn lên giận sững sờ”. Thế không kinh khiếp, không “rợn tóc gáy” là gì? Ở đây, gáy chỉ phần sau cổ “Một nhát đến tai, hai nhát đến gáy”.

Về “gà” còn đồng âm với gà là bảo giúp, gợi ý, mách nước giúp ai đó thoát khỏi thế bí như gà nước cờ, gà bài thi. Nhiều người đã nhầm lẫn “Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm” thành “… mọc đuôi tôm”. Vọc là vầy, là mó. Sở dĩ nhầm lẫn là do con tôm hay búng/ nhảy tứ tung mà liên tưởng đến tính cách hay nhảy, bươi/ bới thể hiện cái sự vọc vô tội vạ của gà.

Thời bé đi học, những cô cậu viết chữ xấu, cẩu thả, không ngay hàng thẳng lối thường bị thầy cô phê “Chữ như gà bới”. Tùy ngữ cảnh, “bới” còn thể phát âm “búi” như búi tóc; phát âm thành “xới” như xới cơm. Đã là gà tất nhiên phải “bới”, vì thế có câu: “Gà chê thóc chẳng bới thì người mới chê tiền”.

Dường như Bút Tre thời hiện đại có câu “quảng bá” cho du lịch nơi nọ: “Có tắm biển, có mát xa/ Có gà công nghiệp đưa ra đá liền”, là trò chơi… đá gà đó chăng?

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/tieng-ga-gay-rung-trang-dau-ha-596471/