Tiếng dương cầm vẫn vang trong căn nhà đổ

45 năm đã qua, thời khắc Hà Nội 12 ngày đêm quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương, lập nên Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' chấn động địa cầu mãi in đậm trong ký ức của NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam .

Hà Nội khi đó chìm trong khói lửa chiến tranh, bom rơi, đạn nổ khắp các khu phố nhưng tiếng dương cầm vẫn vang lên trong căn nhà đổ, đó là những hình ảnh đã khắc sâu trong tâm trí người nhạc sĩ này khi ấy là thế hệ học sinh nhỏ tuổi nhất đang học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về thời điểm Hà Nội của 45 năm trước mà ông được chứng kiến.

 Một góc phố Khâm Thiên sau khi máy bay B.52 ném bom. Ảnh tư liệu.

Một góc phố Khâm Thiên sau khi máy bay B.52 ném bom. Ảnh tư liệu.

Phóng viên (PV): Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại dấu ấn thế nào với ông?

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi: Lúc đó chúng tôi đang là học sinh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hà Nội khi bị bom B52 tàn phá, cả Thủ đô chìm trong khói lửa chiến tranh. Nhiều bạn cùng học với tôi theo gia đình đi sơ tán, gia đình tôi ở Hà Nội nên được ở lại Thủ đô. Vì thế, tôi được chứng kiến trận oanh kích của đế quốc Mỹ. Để gìn giữ Thủ đô, quân và dân Hà Nội khi ấy một lòng quyết tâm chống lại bom đạn của quân thù.

Mặc dù trong khói lửa chiến tranh nhưng người dân Thủ đô vẫn lạc quan và âm nhạc là động lực tạo khí thế chiến đấu cho quân và dân Thủ đô. Ấn tượng với tôi lúc đó là những bài hát về thiếu nhi vẫn vang lên khắp phố phường "Bố ơi bố, mũ bố có sao vàng, sao vuông mũ mẹ, mũ con sao gì? Bố cười con cứ ngoan đi”.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về các ca khúc được viết vào những ngày Hà Nội bị B52 tàn phá?

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi: Bài “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” của nhạc sĩ Phạm Tuyên là một bài hát tiêu biểu lúc đó nhưng cũng có bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân được sáng tác ngay tại căn hầm của Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đó là những tác phẩm viết về Hà Nội mà tôi biết từ khi còn rất nhỏ và được công chúng yêu thích. Tôi nghĩ rằng, âm nhạc khi ấy cũng là một vũ khí và là một điểm tựa, động lực để tạo ra cho quân và dân ta một tinh thần, khí thế chiến đấu anh dũng và niềm tin vào ngày chiến thắng, “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng, của núi sông hôm nay và mai sau, chân ta bước lòng ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao...”. Những câu hát, âm nhạc lúc đó thể hiện niềm tự hào, ung dung tự tại của người dân Thủ đô dù trong chiến tranh vẫn chiến đấu với tinh thần lạc quan.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên còn một ca khúc nữa rất hay là “Hà Nội những đêm không ngủ” cũng sáng tác giai đoạn đó: “Đêm nay trời Hà Nội vang rền tiếng súng, lửa rực cháy sáng phố phường yêu dấu, lửa trừng trị B52, rực bầu trời đêm Thăng Long, lửa hờn căm bao năm nung nấu. Giặc tàn phá dã man gieo tóc tang chất chồng, chúng ta vùng lên trả thù. Ơi các chị, các em giờ đây tạm xa Hà Nội. Hà Nội đêm nay thức suốt cùng miền Nam, Hà Nội anh hùng của Tổ quốc chúng ta...”.

Ga Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá. Ảnh: Tư liệu.

PV: Cảm giác của ông thế nào khi chứng kiến thời khắc máy bay B.52 trút bom xuống Hà Nội?

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi: Nhà tôi lúc đó ở phố Nguyễn Khuyến, khi ga Hà Nội bị bom Mỹ dội xuống, lúc đó tôi đang đánh đàn. Sức ép của bom khiến tôi bật khỏi ghế, ngã xuống sàn nhà. Khi nghe thấy tiếng bom, bố tôi vội vã chạy từ cơ quan về nhà. Nhìn thấy tôi vẫn còn nguyên vẹn, đang chơi bên cây đàn, ông mới cảm thấy yên tâm.

Trong khói lửa chiến tranh, tại một ngôi nhà trên phố Quán Thánh, nhà thơ Phan Vũ đã “vẽ” lại Hà Nội thời chiến tranh nhưng rất lãng mạn, hào hùng với “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, sau đó nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài “Em ơi Hà Nội phố”.

Những ca khúc, bản nhạc ra đời trong các căn hầm trú ẩn sẽ mãi in đậm trong tâm trí tôi. Chúng tôi sẽ kế tiếp dòng chảy âm nhạc của cha ông tiếp tục viết lên bản hùng ca về Hà Nội bằng âm nhạc.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tieng-duong-cam-van-vang-trong-can-nha-do-526130