Tiếng đàn tỳ bà trong vở thân phận nàng Kiều

Sự kết hợp giữa múa rối và âm nhạc trong vở rối cạn Thân phận nàng Kiều đã đem đến nhiều dư vị mới cho khán giả.

NSND Nguyễn Tiến Dũng đã sử dụng tiếng đàn tỳ bà vào trong vở diễn một cách nhuần nhị, lúc bay bổng, lúc ai oán, lúc hoan ca…

Cảnh Kiều biểu diễn đàn tỳ bà trong vở múa rối Thân phận nàng Kiều.

Cảnh Kiều biểu diễn đàn tỳ bà trong vở múa rối Thân phận nàng Kiều.

Vở diễn Thân phận nàng Kiều được dàn dựng từ năm 2019, trước dịp Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765-2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất (1820-2020) Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới.

Nói tới vở rối cạn “Thân phận nàng kiều” (đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng, biên kịch NSƯT Lê Chức, Nhà văn Nguyễn Hiếu) do Nhà hát Múa rối Trung ương thực hiện với tôi là một niềm tự hào và vinh dự khi là người chơi đàn tỳ bà trong vở diễn. Tôi là người đầu tiên chơi đàn tỳ bà kết hợp với con rối. Cùng với con rối, tiếng đàn tỳ bà lột tả chân dung nhân vật Kiều. Những thanh âm tỳ bà nói lên những dày vò, day dứt của cuộc đời Kiều. Một vở diễn xuất sắc và đã đạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2019 tổ chức tại Hà Nội.

Nhắc đến nàng Kiều hẳn trong bạn đọc nhiều thế hệ nhớ tới những khúc đàn tỳ bà mà Kiều trình diễn. Cây đàn tỳ bà với hình ảnh duyên dáng, lộng lẫy, nhưng nó cũng ẩn chứa sự e ấp, mảnh mai. Cây đàn tỳ bà đã gắn liền với cuộc đời của Kiều, cùng nàng vượt qua biết bao đoạn trường gian truân.

Trong suốt vở diễn, hình ảnh và tiếng đàn tỳ bà được đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng khắc họa hết sức đặc biệt. Tiếng đàn tỳ bà với những nét giai điệu âm nhạc chủ đạo của các kỹ thuật nhấn quãng 2 (rê- mi) quảng 3 (mì-son) đôi khi là quãng 4 kết hợp với rung sâu, các hợp âm nghịch, âm giải, những nốt nhạc mang tính tương phản kịch tính. Nhưng có lúc tiếng đàn diễn tả sự nhẹ nhàng, mơ mộng về tình cảm đôi lứa. Lúc nàng Kiều gặp Kim Trọng, âm nhạc lúc này hết sức bay bổng nhẹ nhàng, khoan thai, niềm tin và tình yêu mãnh liệt.

Tiếng đàn tỳ bà vang lên khi Kiều bị gả bán vào lầu xanh trở nên ai oán, day dứt. Khi đó, những nốt nhạc vang lên với kỹ thuật rung sâu, nốt láy nhanh gọn, sắc nét kết hợp cùng nốt vê kéo dài. Tâm trạng nhân vật được khắc họa qua giai điệu âm nhạc với tính giằng xé, sự đấu tranh tư tưởng bên trong Kiều và cũng là sự hoài nghi của Kiều về cuộc đời, về số phận của mình. Liệu rằng cuộc đời nàng có thực sự được giải thoát khỏi trốn lầu xanh nhơ nhớp?.

Âm nhạc không chỉ dừng lại ở các nốt rung sâu day dứt mà nó được đưa lên cao trào của sự tương phản về âm thanh. Đó là khi Kiều bị đẩy đến tột cùng của số phận - phải chơi đàn trong cơn ghen tuông, phẫn nộ của Hoạn Thư. Các thủ tháp kỹ thuật phi, chày, láy, vê, vuốt dây đàn bên kết hợp với những nốt rung sâu… âm hình chủ đạo của giai điệu để nói lên sự phẫn uất tột cùng của cuộc đời nàng, sự cay nghiệt của cuộc sống, sự xô đẩy của dòng đời đã đưa nàng đến đoạn trường này.

Cho đến khi Kiều gặp Từ Hải, nàng vẫn chơi đàn tỳ bà. Tiếng đàn vang lên không còn oán hận về cuộc đời sóng gió, nhưng phảng phất sự hoài nghi về một tương lai. Sự hoài nghi ở đây được cây đàn tỳ bà một lần nữa đẩy lên cao trào với thủ pháp vê 4 dây, vuốt nhằm đối thoại lại với Từ Hải. Tiếng đàn như tiếng lòng của Kiều giấu kín bấy lâu nay. Bên cạnh đó là cách bài tiết sân khấu bằng những dải lụa trắng kết hợp với sự tương phản của ánh đèn sân khấu, trong lối kết hợp tinh tế giữa tạo hình, thiết kế và âm nhạc càng làm tăng sự hấp dẫn của tiếng đàn tỳ bà.

Sự khác biệt trong âm nhạc và vai trò của nghệ sĩ chơi đàn tỳ bà trong vở diễn là: Người nghệ sĩ chơi đàn phải kết hợp rất hài hòa giữa người điều khiển con rối cùng với lời thoại của diễn viên. Các giai điệu phải được ứng tác tại chỗ khớp với lời thoại của nhân vật. Dùng tiếng đàn ứng biến linh hoạt để diễn tả tâm trạng, nội tâm của nhân vật mà không thông qua một bản phổ nốt nhạc nào...

Với đỉnh điểm của những đoạn trường số phận nhân vật, người nghệ sĩ chơi đàn tỳ bà phải tìm tòi và sáng tạo ra những cách chơi, dùng các thủ pháp, kỹ thuật cảm thụ âm nhạc. Người chơi đàn tỳ bà phải đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật để tạo ra những tiếng đàn khác nhau. Đôi lúc là sự day dứt, giằng xé nhưng cũng có lúc là sự giãi bày tâm sự nhằm diễn tả tính cách nhân vật. Tóm lại là phải người và rối phải tinh tế trong lối diễn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ánh sáng và âm nhạc đương đại.

Thành công của vở diễn là sự tổng hòa sống động, là sự sáng tạo thuần thục, điêu luyện trong xử lý của các anh chị em diễn viên Nhà hát Múa rối Trung ương. Có thể nói, tôi đến với vở Thân phận nàng Kiều như một nhân duyên và nhờ sự gửi gắm của chị Nguyễn Kiều Linh - đội trưởng đội nhạc, Nhà hát Múa rối Trung ương, người đã có rất nhiều tâm huyết với vở diễn. Chị Linh và tôi đã nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng kết cấu âm nhạc trong Kiều với mong muốn tạo nên diện mạo mới cho cây đàn tỳ bà trong âm nhạc đương đại, trong thời đại mới.

Ngoài Huy chương Vàng cho vở diễn xuất sắc, vở rối cạn Thân phận nàng Kiều còn giành giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, 2 Huy chương Vàng cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia diễn xuất trong vở diễn. Nhưng cao hơn hết, là sự ghi nhận của công chúng khán giả trong cả nước bằng những đêm diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát Lớn Hải phòng, Nhà hát Múa rối Trung ương…

Vũ Thị Hường

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan-ty-ba-trong-vo-than-phan-nang-kieu-546575.html