Tiếng cười lạc quan của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - chuyên gia hàng đầu của ngành kiến trúc Việt Nam từng đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II (1983-1988), ông là một trong những nhà yêu nước tiêu biểu của dân tộc ta ở thế kỷ XX.

Anh Huỳnh Tất Phát còn gọi là anh Sáu Phát (thời chống Pháp) và Tám Chí (thời chống Mỹ) sinh ngày 15/2/1913 tại xã Tân Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong một gia đình địa chủ. Năm 6 tuổi, cậu bé Phát về sống bên ngoại ở xã Điều Hòa, Mỹ Tho (nay là đường Trịnh Hoài Đức). Cậu học tiểu học và trung học ở trường Trung học Mỹ Tho (nay là trường Nguyễn Đình Chiểu). sau đó lên Sài Gòn học trường Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong). Ở trường nào, cậu bé Phát cũng là học sinh giỏi và được cấp học bổng.

Năm 1933 anh thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã tích cực tham gia các cuộc vận động cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng. Anh là thành viên tích cực của Tổng Hội sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ. Năm 1936, anh tham gia phong trào Đông Dương Đại hội. Anh cùng một số anh em tổ chức một đoàn Đại biểu sinh viên, học sinh lên gặp phái đoàn Godard - đại diện Chính phủ bình dân Pháp sang Đông Dương trình “Tập thư thỉnh nguyện”.

Năm 1938, anh đậu thủ khoa ngành kiến trúc. Sau hơn hai năm lưu lạc tại Hà Nội để thiết kế những biệt thự kiểu mẫu, anh trở về Sài Gòn mở văn phòng kiến trúc sư. Cuối năm 1941, anh đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế và xây dựng tại Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương. Đam mê nghệ thuật, tài năng xuất chúng, nên văn phòng của anh đông khách. Anh trở thành kiến trúc sư nổi tiếng của Sài Gòn thời đó. Song danh vọng, tiền tài không ngăn cản được anh dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Với nhiệt huyết của một trí thức yêu nước, anh đứng ra làm chủ nhiệm tờ Tuần báo Thanh niên với khuynh hướng chống Pháp, chống Nhật. Năm 1944, anh đã cùng Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước sử dụng tờ Thanh niên để phát triển mạnh phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, vận động nhân dân tham gia cứu tế nạn đói Bắc Kỳ và đặc biệt để cổ động, phát triển phong trào thanh niên tiền phong mà anh là Trưởng ban cổ động.

Ngày 5/3/1945 anh gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Anh đã cùng với các đồng chí của mình chăm lo xây dựng lực lượng, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho đội ngũ cốt cán tham gia khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 25/8/1945 ở Sài Gòn-Gia Định. Cách mạng Tháng Tám thành công, anh được cử làm Phó Giám đốc Sở Thông tin báo chí của Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Khi Pháp quay lại chiếm Sài Gòn, anh bị chúng bắt giam. Ra tù, anh ở lại nội thành hoạt động bí mật. Năm 1949, Xứ ủy phân công anh ra vùng giải phóng và điều anh làm Ủy viên Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ.

Từ năm 1950 đến năm 1954 kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn, phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn-Chợ Lớn tự do.

Cuối năm 1957, anh được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1959, anh được điều ra vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ và năm 1960 được cử làm Ủy viên khu Sài Gòn-Gia Định, phụ trách công tác Dân vận, Trí thức vận.

Năm 1961 anh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1969 kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 đồng chí trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VI và được Quốc hội cử làm Phó Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 1977, đồng chí là Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước và đại diện thường trực của Việt Nam ở Hội đồng tương trợ kinh tế.

Tháng 2/1977 tại Đại hội Thống nhất các tổ chức Mặt trận hai miền, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1981, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VII và được Quốc hội cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 1982, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Và tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp tháng 5/1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đối với kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, lần đầu tiên tôi được gặp và làm việc với ông là ngày 6/7/1976 tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị trù bị Đại hội Thống nhất các tổ chức Mặt trận hai miền. Sau đó tôi còn được gặp và làm việc với ông tại Hội nghị lần thứ hai vào ngày 2/10 năm đó và lần thứ ba vào các ngày từ 24 đến 28 tháng Giêng năm 1977. Sau đó, ông dự Hội nghị với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, còn tôi là Vụ phó Vụ Tổng hợp, thư ký của Chủ tịch Hoàng Quốc Việt, Phó tiểu ban Văn kiện Đại hội.

Năm 1982 kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Bộ Chính trị điều về tham gia Đảng đoàn Mặt trận để cùng các đồng chí Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt giúp Ban Bí thư chuẩn bị Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới” và đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai, đồng chí được bầu làm Chủ tịch.

Năm năm làm việc dưới sự điều hành của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, tôi rất ấn tượng với nụ cười lạc quan của ông. Nụ cười thường trực trên môi mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắc tôi khi được phân công chắp bút Dự thảo Điếu văn về anh Tám Chí (tên thân mật của đồng chí Huỳnh Tấn Phát) là “anh đừng quên tiếng cười lạc quan của anh Huỳnh Tấn Phát”. Chính nụ cười lạc quan yêu đời và rất hồn nhiên đó đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để trở thành một tri thức lớn trong ngành kiến trúc Việt Nam, một lãnh đạo xuất sắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là con người rất đặc biệt - một tri thức tài năng nhưng rất mực khiêm tốn. Ông đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân viên, nhất là những người trực tiếp giúp việc cho ông. Với những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống của nhân dân ta nói chung, cán bộ, công nhân viên nói riêng, rất khó khăn. Ông là người thông cảm sâu sắc với những khó khăn của anh em. Riêng với bản thân tôi, một kỷ niệm mãi mãi sẽ không bao giờ quên. Đó là khoảng năm 1985 tôi cưới vợ cho cậu con trai đầu. Ông đến dự và chúc mừng. Thấy gia đình ở quá chật. Bốn thế hệ gồm 8 người sống trong 28 mét vuông (không kể diện tích phụ), ông yêu cầu vợ chồng tôi chuyển về ở cùng ông tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu (nay là trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam) để “nhất cử lưỡng tiện”, “vừa bớt khó khăn cho Túc, vừa tiện cho công việc”.

Vợ chồng tôi rất xúc động trước sự quan tâm đặc biệt đó. Song, tính đi, tính lại thấy rằng: cuộc sống đã khó khăn, nay một chốn đôi nơi thì lại càng khó khăn hơn, tuy được cải thiện về chỗ ở; hơn nữa, còn mẹ già và con nhỏ cần có sự chăm sóc, dạy dỗ bảo ban của bố mẹ. Chúng tôi cảm ơn Chủ tịch về tấm lòng cao cả đó.

Gần 5 năm giúp việc cho Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát tôi cảm nhận ở ông một nhà lãnh đạo điềm đạm, cởi mở, giàu lòng nhân ái. Là một tài năng của dân tộc, đất nước những ông rất khiêm nhường. Những năm ông phụ trách Mặt trận là những năm đất nước ta gặp nhiều khó khăn, song ông luôn lạc quan và truyền sự lạc quan đó đến chúng tôi, đến toàn bộ nhân viên và rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự tất thắng của dân tộc.

Một phẩm chất khác rất đáng quý ở Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là dù có quyền cao, chức trọng trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận xong ông không bao giờ dựa vào đó để buộc mọi người phải làm theo ý mình, mà luôn vận động, thuyết phục, chờ đợi với thái độ chân thành. Vì vậy, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, được sự chỉ đạo của Trung ương, ông đã cùng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Trịnh Đình Thảo, bác sĩ Phùng Văn Cung và nhiều vị nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận dân tộc giải phóng và Liên minh đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức miền Nam ở lại cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước và nhiều người đã lập công lớn đối với dân tộc.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nhan-vat/tieng-cuoi-lac-quan-cua-chu-tich-huynh-tan-phat-12842.html