Tiếng cười dân gian, hiện đại qua 'Chuyện của Phòm'

'Chuyện của Phòm' (NXB Hội Nhà văn) là tập truyện ngắn - hài hiện đại của tác giả LaHAN (Đỗ Hàn). Từ góc nhìn và cách làm của anh Trưởng thôn Phòm, những thói hư tật xấu của xã hội được phản ánh độc đáo, đầy tính châm biếm, trào phúng.

Lấy nhân vật Phòm làm trung tâm, hơn 40 truyện của LaHAN xoay quanh cuộc sống của Phòm và bà con ở làng Cửa Ao, xã Tân Tàng, Phủ Quảng, xưa thuộc Sơn Tây nay là Hà Nội. Phòm thẳng tính, xông xáo, có trách nhiệm với công việc nên được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn suốt nhiều năm.

Lấy nhân vật Phòm làm trung tâm, hơn 40 truyện của LaHAN xoay quanh cuộc sống của Phòm và bà con ở làng Cửa Ao, xã Tân Tàng, Phủ Quảng, xưa thuộc Sơn Tây nay là Hà Nội. Phòm thẳng tính, xông xáo, có trách nhiệm với công việc nên được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn suốt nhiều năm.

Đọc truyện, độc giả thấy rõ nét đời sống, tính cách người dân và văn hóa nông thôn Bắc bộ. Ở đó, chức Trưởng thôn tuy không to nhưng ai được làm phải rất uy tín. Và Phòm với tính tình khẳng khái, bộc trực, làm việc đâu ra đó, luôn lấy lợi ích chung làm đầu thật sự rất được lòng dân. Với lối suy nghĩ đơn giản nhưng linh hoạt, sáng tạo, không bị gò bó bởi khuôn phép sáo rỗng, Phòm giải quyết việc công lẫn việc tư đều có tình, có lý, thuyết phục được mọi người. Đó là cách Phòm giúp 2 cô gái đáng thương thoát khỏi những tội bị áp đặt trong “Thương người vẫn hơn”; nghe cách Phòm chọn trường, chọn nghề cho con trong “Phòm chọn nghề cho con”; cách nghĩ của Phòm trong “Sáng kiến thi đua”; cách đặt tên cầu, đường, tên phố trong “Đã nặng việc làng, lại quàng việc nước” hay cách Phòm bàn về làm kinh tế của làng trong “Phòm trả lại lương Nhà nước”…

Mượn lối suy nghĩ nhà quê, thật thà của Phòm, tác giả phê phán những thói quen xấu của người Việt trong đi du lịch nước ngoài (truyện “Phòm đi du lịch”); tính rập khuôn, sách vở trong giáo dục (“Phòm dạy vẽ”, “Phòm dạy con dạy học”, "Phòm bàn về giáo dục”); châm biếm thói quan quyền, nói một đằng làm một nẻo của một bộ phận cán bộ (truyện “Cái ngu của Phòm”, “Chuyến xe thanh liêm”, “Chao ôi – biệt phủ”, “Người ơi, xin hãy yêu cười”, “Phòm kể chuyện nhà Phộm”). Những vấn đề của nông thôn ngày nay như: xây đền, xây nhà, thi hoa hậu làng, viết sử làng, thành lập các hội đoàn… cũng được phản ánh cụ thể với cách nhìn hài hước.

Đặc biệt, hàng loạt những sự kiện thời sự nổi cộm được dư luận quan tâm như: biệt phủ ở Yên Bái, vụ kiện Nga – Mỹ, cuộc thi hoa hậu Đại Dương, quy định sổ đỏ ghi tên các thành viên trong gia đình, chuyện đội tuyển bóng đá nước nhà thi đấu trên trường quốc tế, các vụ án nổi tiếng… được viết rất thâm thúy qua lối kể vừa mang tính ẩn dụ, vừa mang tính trào phúng, phóng đại của tác giả.

Có thể thấy từ “Chuyện của Phòm”, những vấn đề, mặt trái của đời sống đương đại đã được tác giả gửi gắm vào hình thức truyện cười dân gian kết chuỗi theo kiểu “Ba Giai, Tú Xuất”, “Trạng Lợn”, “Bác Ba Phi”… Mỗi truyện thường được viết ngắn gọn, mang tình huống tiểu phẩm với tính chất nhắc nhở, cảnh tỉnh, gợi nghĩ việc nên làm, việc cần sửa sai, khắc phục… Qua đó, mang lại những tiếng cười hài hước, đầy suy ngẫm.

CÁT ĐẰNG

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/tieng-cuoi-dan-gian-hien-dai-qua-chuyen-cua-phom--a104604.html