Tiếng chuông thiêng vang vọng giữa núi rừng…

Trong không gian yên tĩnh của núi rừng, bỗng vang lên tiếng chuông chùa ngân xa, như tiếng nhạc du dương, an lành loang chảy đến bao ngả nguồn. Đó là âm vang của tiếng chuông chùa Khánh Linh, tọa lạc trên đỉnh đèo Lò Xo huyền thoại.

Chùa Khánh Linh nằm trên đỉnh đèo Lò Xo Đắk Pét, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum

Nhiều người ngạc nhiên, bởi không thể ngờ giữa nơi non thẳm xa xôi, ở phía đỉnh đèo Lò Xo thuộc xã Đắk Pét (huyện Đăk Glei, Kon Tum) lại có một ngôi chùa được xây dựng khang trang đến như thế. Chùa nằm trên đồi cao, nhìn xuống khu thị tứ Đắk Glei và đường Hồ Chí Minh giữa vùng hoang vắng.

Giữa núi đồi, chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương và là điểm đến của nhiều du khách khi đi ngang đèo Lò Xo.

Bà cháu cùng nhau vượt dốc lên chùa

Tiếng chuông ngân buổi chiều, nhắc nhở một ngày qua đi, cuộc đời khép dần theo bóng hoàng hôn. Tiếng chuông ngân buổi sớm đồng vọng tiếng gà gáy canh khuya, thúc giục hành giả tinh cần tu học, đánh thức dân làng đón chào một ngày mới tinh khôi.

Chuông chùa sớm hôm là tiếng nói của hồn dân tộc. Khi những người trong thôn xóm không có cơ hội đến chùa tụng kinh bái sám, tiếng chuông chính là sứ giả của Phật, cùng một lúc gửi đến muôn người, muôn nhà, nơi hẻm nhỏ, ở trường học, nơi chợ búa, đồng ruộng hay nơi nương rẫy, rừng xa.

Đắk Glei là huyện miền núi phía bắc của tỉnh Kon Tum, cửa ngõ cực bắc của vùng Tây Nguyên, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống.

Chánh điện chùa

“Mỗi ngày hai lần gióng chuông, tiếng chuông cảm hóa, cứu độ bao nhiêu chúng sanh cõi người, Trời, âm - dương, trong sáu nẻo luân hồi. Mỗi tiếng chuông khi gióng lên có thể khiến chúng sanh phát Bồ-đề tâm hoặc khởi tâm niệm Phật, tâm thiện; ngưng việc ác, giảm phiền não, khổ đau” - ĐĐ.Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Khánh Linh nói.

Do ở vùng sâu, vùng xa heo hút nên ít người đến chùa, mỗi sáng chỉ một vài người đi rừng ghé dùng nước, đôi câu thăm hỏi hoặc dăm ba người lên thăm chùa, lễ Phật. Quanh chùa, ngát xanh màu của của núi rừng và màu của rau cải, cây ăn quả.

Không gian càng rộng, yên tĩnh, tiếng chuông nghe càng sâu lắng. Một tiếng chuông, đủ để lắng đọng bao buồn vui, khắc khoải đời người.

Trời đêm miền núi thật lạnh, quấn mình trong chăn ấm, nhiều người dân ở các làng bản vẫn nghe tiếng chuông chùa văng vẳng và cảm nhận hương trầm thoảng đưa trong tịch mịch. Tiếng chuông như tan loãng trên đầu cây, ngọn lá, sương khói chập chờn trên ngàn cây xanh biếc.

Anh Bùi Cảnh, Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử chùa Khánh Linh chia sẻ: “30 trụ điện từ đường Hồ Chí Minh lên đỉnh chùa đã được hoàn thành. Người qua đỉnh đèo Lò Xo mỗi đêm sẽ thấy rực sáng cả một góc rừng - đó là ánh sáng từ ngôi giữa chốn non cao.

Gia đình Phật tử chùa Khánh Linh

Và nơi đây, lần đầu tiên trong đời, đồng bào dân tộc làng Đăk Nớ được cài hoa hồng mùa Vu-lan báo hiếu, lần đầu được nghe chuông chùa, được nghe kinh Phật, ai nấy cũng đều rưng rưng.

Đêm đêm, khi những ánh đèn xe lấp lóa trên con đường Hồ Chí Minh phía đỉnh đèo, có một vị thầy âm thầm lần tràng hạt, niệm kinh cầu bình an. Ngày ngày vẫn ngân vang tiếng chuông - thanh âm bình yên, vi diệu giữa núi rừng thăm thẳm…

Tiêu Dao

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//tuvien/2020/02/03/3740d1/