Tiếng chuông cảnh báo

Trong báo cáo công bố nhân Ngày Tị nạn thế giới năm nay, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, thế giới hiện có gần 80 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực, xung đột, thiên tai... Con số này một lần nữa rung lên tiếng chuông cảnh báo, thúc giục cộng đồng quốc tế chung tay hành động duy trì hòa bình, tìm giải pháp bền vững cho vấn đề người di cư và tị nạn.

Trong báo cáo công bố nhân Ngày Tị nạn thế giới năm nay, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, thế giới hiện có gần 80 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực, xung đột, thiên tai... Con số này một lần nữa rung lên tiếng chuông cảnh báo, thúc giục cộng đồng quốc tế chung tay hành động duy trì hòa bình, tìm giải pháp bền vững cho vấn đề người di cư và tị nạn.

Tại phiên họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuần trước, nhấn mạnh thực trạng đáng lo ngại về người tị nạn trên toàn cầu, người đứng đầu UNHCR, ông F.Grandi cho biết, chiến tranh, xung đột, thiên tai, các hành vi bạo lực, ngược đãi và vi phạm quyền con người đang khiến khoảng 1% dân số thế giới không thể về nhà, về lại "nơi chôn nhau cắt rốn" của họ. Theo báo cáo của UNHCR, đến hết năm 2019, thế giới đã có hơn 79,5 triệu người phải sống trong các trại tị nạn, chờ xin quy chế tị nạn, phải rời bỏ đất nước hoặc thay đổi nơi ở trong chính quê hương mình. Đây là mức cao kỷ lục mới, tăng gần chín triệu người so con số được thông báo năm 2018 và gần gấp hai lần so 10 năm trước.

Đáng chú ý, kể từ năm 2012, số lượng người tị nạn trên thế giới năm sau lại cao hơn năm trước, nhất là liên quan các nước và khu vực có xung đột. Trong đó, Syria đứng đầu danh sách các nước có nhiều người tị nạn nhất thế giới, khi xung đột triền miên khiến 13,4 triệu người phải rời bỏ quê hương, đất nước. Bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế khiến 4,9 triệu người đi tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài... UNHCR chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng người tị nạn, song chủ yếu vẫn là tình trạng bạo lực, bất bình đẳng và tác động của biến đổi khí hậu. Số người phải rời bỏ nơi ở đi lánh nạn gia tăng đồng nghĩa xung đột và bạo lực không giảm, thiên tai khắc nghiệt và kinh tế khó khăn hơn.

Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng người di cư từng làm chao đảo khu vực đã tạm lắng dịu, với số người di cư trái phép tới "lục địa già" có xu hướng giảm từ năm 2018. Song, "sóng ngầm" vẫn âm ỉ, khi số người chết trên hành trình vượt biển vào châu Âu tiếp tục tăng, các lực lượng Liên hiệp châu Âu (EU) hằng ngày vẫn phải nỗ lực cứu những con thuyền chở đầy người di cư lênh đênh trên Địa Trung Hải. Vấn đề người tị nạn đang là thách thức lớn, trong bối cảnh EU chưa giải tỏa được bất đồng giữa các nước thành viên liên quan chính sách tiếp nhận người di cư, trong khi xu hướng dân túy và chủ trương bài nhập cư trỗi dậy.

Để tìm kiếm cuộc sống an toàn hơn nơi quê nhà, người di cư và tị nạn buộc phải bất chấp hành trình nguy hiểm, dù là lênh đênh trên biển hay băng qua sa mạc, dù bị nhồi nhét trên những chiếc xe tải chật chội hay bị những kẻ buôn người đẩy vào tình cảnh khốn cùng. Ngoài nguy hiểm trên hành trình tìm đến giấc mơ, thì những thách thức mà người tị nạn đang phải đối mặt cũng khốc liệt không kém, như tình trạng phân biệt đối xử, điều kiện sống khó khăn, hạn chế tiếp cận các dịch vụ cơ bản, như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh... Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, đẩy cả thế giới vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế, những thách thức này càng nghiêm trọng hơn, đe dọa cướp đi "hy vọng còn sót lại" của nhiều người tị nạn về một tương lai tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, khó khăn không chỉ với người di cư và tị nạn. Số lượng người tị nạn gia tăng đồng nghĩa sức ép và gánh nặng đặt lên vai những nước tiếp nhận họ cũng tăng lên nhiều lần. Tại phiên họp trực tuyến vừa qua, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ rõ, tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay đối với người tị nạn; nhất trí thúc đẩy các cơ chế chia sẻ trách nhiệm nhằm hỗ trợ người tị nạn và các nước tiếp nhận người tị nạn. UNHCR kêu gọi các nước đoàn kết, chung tay hành động để đồng thuận và triển khai các giải pháp bền vững cho vấn đề người tị nạn, trong đó quan trọng nhất là nỗ lực duy trì hòa bình, đề cao quyết tâm chính trị và triển khai có hiệu quả Thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn.

Vấn đề người di cư và tị nạn không phải là thách thức của riêng quốc gia nào, mà trở thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Bởi thế, giải pháp toàn diện và bền vững để vượt qua thách thức này là ngăn ngừa, giải quyết xung đột bằng con đường đối thoại chính trị, chung tay củng cố hòa bình và an ninh toàn cầu, chống chọi tác động của biến đổi khí hậu. Đó cũng là điều Liên hợp quốc nhắc nhớ nhân Ngày Tị nạn thế giới năm nay.

NGÂN AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44947802-tieng-chuong-canh-bao.html