Tiếng Anh liên kết: Trường hưởng chiết khấu, trung tâm lo 'rút tiền'

Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội, cho rằng nếu không kiểm soát, trung tâm ngoại ngữ sẽ 'rút tiền' bằng cách đưa 'Tây ba lô', giáo viên kém chất lượng dạy tiếng Anh liên kết.

“Tôi không tin vào chương trình học tiếng Anh mà một lớp có 60 em, trong khi học sinh tiểu học thường rất mất tập trung”, chị Lê Liên, người có con học lớp 1 ở Hà Nội, tâm sự.

Không chỉ riêng nữ phụ huynh này, nhiều cha mẹ khác cũng thể hiện "lăn tăn" về chương trình tiếng Anh liên kết.

Hà Nội đã triển khai tiếng Anh liên kết 10 năm, tuy nhiên, chất lượng như thế nào vẫn còn nhiều băn khoăn.

Không thể hiệu quả vì sĩ số quá đông

Chị Lê Liên đăng ký cho con học chương trình tiếng Anh liên kết với mức học phí là 150.000 đồng/tháng, hai tiết trên tuần. Nữ phụ huynh cho rằng chương trình của Bộ GD&ĐT chưa có tiếng Anh, vì thế lớp 1 và 2, các em học với mục đích chính là làm quen.

Ban đầu, người mẹ không muốn đăng ký cho con học. Được nhà trường thuyết phục, nữ phụ huynh đồng ý vì “nể cô giáo quá” và không muốn con bơ vơ trong tiết học đó.

Chuyên gia giáo dục cho rằng lớp học quá đông cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dạy tiếng Anh không hiệu quả. Ảnh: Người Lao Động.

Chuyên gia giáo dục cho rằng lớp học quá đông cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dạy tiếng Anh không hiệu quả. Ảnh: Người Lao Động.

Phụ huynh này cho rằng tiếng Anh liên kết sẽ hiệu quả nếu được tổ chức và quản lý tốt: Lớp học được chia thành nhóm nhỏ, học theo trình độ và nguyện vọng, sắp xếp các lớp không ảnh hưởng chính khóa...

Theo bà Nguyễn Minh Hương, người có kinh nghiệm trong ngành giáo dục tiểu học, chương trình tiếng Anh liên kết ở nhiều nơi không hiệu quả, nếu không được kiểm soát kỹ.

“Với thời lượng dạy ít, số lượng học sinh đông, chủ yếu việc dạy quanh quẩn ở việc thầy giáo giơ chữ, học sinh đọc theo”, bà Hương nói.

Người này cho rằng theo nguyên tắc chung của giáo dục tiểu học, một lớp có sĩ số “đông như kiến” sẽ không thể dạy được.

Lớp tiểu học tiêu chuẩn tối đa 35 học sinh. Khi đó, dạy học sẽ rất thuận lợi. Lớp có 40 người, chất lượng sẽ giảm và lên tới 60 em thì gần như đồng nghĩa chất lượng thấp.

"Rút tiền" phụ huynh bằng giáo viên "Tây ba lô"

Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội, cho hay nhiều năm trước, khi nhận công tác quản lý, ông thấy tiếng Anh liên kết tồn tại nhiều vấn đề bất cập về chương trình và việc phối hợp quản lý.

Các trung tâm liên kết với trường học đều được sở GD&ĐT thông qua. Khi đại diện trung tâm đến làm việc với phòng GD&ĐT để “bán chương trình”, họ sẽ đưa giáo trình soạn sẵn, giáo viên đã quen thuộc. Các cấp quản lý "khoán" hết cho trung tâm sẽ khó có kết quả tốt.

Giáo trình của các trung tâm bất cập ở chỗ giáo viên cứ dạy, học sinh cứ học, tiêu chuẩn đầu ra không rõ ràng. Điều này dẫn đến tình trạng chương trình liên kết là bổ trợ nhưng thực chất... không bổ trợ gì cả. Bởi vì, các em học theo sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT trên lớp, chương trình liên kết lại học hoàn toàn khác.

Điều quan trọng là không kiểm soát được trình độ giáo viên nếu trung tâm đưa "Tây ba lô" hay giáo viên người Việt kém chất lượng. Đây được cho là cách các trung tâm "rút tiền" khi đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả lớn.

Ông Lê Hồng Vũ cho rằng qua thời gian chấn chỉnh, ông đã triển khai các biện pháp để khắc phục hạn chế của chương trình tiếng Anh liên kết. Quận Tây Hồ có 3 trung tâm ngoại ngữ liên kết với hai hệ đại trà và chất lượng cao.

Ông Vũ yêu cầu các trung tâm thiết kế lại nội dung giảng dạy phù hợp cách dạy và học, kiến thức trong nhà trường, mang đúng ý nghĩa bổ trợ. Điều này không đơn giản vì trung tâm phải thiết kế lại cả phần mềm giảng dạy.

Giáo viên của nhà trường, sau khi đạt kết quả sát hạch của trung tâm, sẽ vào làm trợ giảng để kiểm soát việc giảng dạy.

"Chúng ta cần giáo viên nước ngoài vì họ phát âm chuẩn, có phương pháp giảng dạy tốt, có sức khỏe để khuấy động lớp học. Tôi yêu cầu kiểm tra lại visa dài hạn và giấy phép lao động từ các trung tâm nước ngoài. Nếu visa chỉ có 3 tháng, trình độ chỉ là 'Tây ba lô'. Mặt khác, giáo viên của trường tham gia vào giảng dạy cũng để họ tăng thêm việc học hỏi", ông Vũ nói.

Nhà trường được chiết khấu đến 20%

Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho hay các trung tâm tiếng Anh liên kết phải được sở thẩm định về chương trình, tài liệu đi kèm.

Hiệu trưởng căn cứ các đơn vị đặt vấn đề, đưa ra hội đồng giáo dục, ban đại diện cha mẹ học sinh cùng thống nhất, chọn trung tâm phù hợp. Hiện, các trường ở Hà Nội có 80% liên kết với trung tâm ngoại ngữ.

Thông tin về chiết khấu của trung tâm ngoại ngữ được quy định trong văn bản.

Đề cập đường đi của trung tâm ngoại ngữ vào nhà trường, một hiệu trưởng trường tiểu học cho hay Phòng GD&ĐT gửi xuống trường ít nhất 3 đơn vị để chọn một. Trường sẽ lấy ý kiến khảo sát từ phụ huynh sau đó mới thông qua. Thông thường, phụ huynh kiểm tra thông tin về trung tâm đó trước khi đăng ký cho con.

Hiệu trưởng này cũng cho hay số tiền chiết khấu của trung tâm thường là 20% với mức học phí khoảng 150.000 đồng/học sinh/tháng. Khoản này có thể đầu tư 5% cho cơ sở vật chất, 5% vào công tác quản lý của ban giám hiệu, 10% quản lý của giáo viên chủ nhiệm, cùng hoạt động khác.

Trung tâm sử dụng 80% học phí để trả lương giáo viên bản ngữ, giáo viên Việt Nam và trợ giảng, công tác quản lý, vận chuyển đi lại, đồ dùng dạy học, tổ chức các hoạt động khen thưởng học sinh…

Với mức học phí khoảng 450.000/học sinh/tháng, trường được chiết khấu 10%. Mức học phí cao hơn, triết khấu cho trường thường là 7%.

Một người làm quản lý trong ngành giáo dục thủ đô thừa nhận bản chất của học tiếng Anh liên kết là tự nguyện, nhưng chính vì liên quan đến mức chiết khấu nên hiệu trưởng càng muốn học sinh tham gia nhiều càng tốt.

Nhiều trung tâm ngoại ngữ lừa đảo, hoạt động bát nháo Nhiều sinh viên cho rằng chất lượng giảng dạy ở không ít trung tâm ngoại ngữ rất kém. Giáo viên thường không được đào tạo sư phạm, hành xử thiếu chuẩn mực.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tieng-anh-lien-ket-truong-huong-chiet-khau-trung-tam-lo-rut-tien-post885330.html