Tiếng Anh liên kết chiết khấu tới 20% là khó chấp nhận

Nhiều chuyên gia cho rằng chương trình dạy học liên kết với trường công mà vẫn có chiết khấu phần trăm, thậm chí chiết khấu cao, là điều khó có thể chấp nhận.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội: Tiếng Anh liên kết tồn tại nhiều vấn đề bất cập về chương trình và việc phối hợp quản lý. Ảnh minh họa.

Cơ sở vật chất của Nhà nước, vì sao chiết khấu?

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT khẳng định, việc đưa chương trình liên kết vào trường học để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, khi đã dạy liên kết, các bên phải đàm phán làm sao được mức giá tốt nhất cho tất cả học sinh được học. Còn để một mức giá, rồi chiết khấu phần trăm thì phải làm rõ chỗ này.

Theo GS Nhĩ, khoản chiết khấu này nếu được sử dụng minh bạch vào những việc có ý nghĩa, như nộp học phí cho những em có nhu cầu nhưng không có điều kiện theo học. Còn nếu lãnh đạo chia nhau theo phần trăm là điều không chấp nhận được.

Còn TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nói rằng, ông không đồng tình với chương trình dạy học ngoại ngữ hiện nay, lên tới lớp 3, học sinh mới được học ngoại ngữ. Có chương trình, phải đầu tư giáo viên, cơ sở vật chất để cho trẻ làm quen và học tiếng Anh sớm hơn, chứ không phải đi thuê, liên kết như đang làm.

Khi liên kết, ông cũng bất ngờ với việc chiết khấu của các trung tâm ngoại ngữ cho nhà trường.

Ông phân tích: “Cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư, trung tâm liên kết đưa giáo viên, giáo cụ của họ vào trường dạy học. Vậy tại sao có khoản 5% chi cho ban giám hiệu, 10% chi cho những phần việc khác, cần phải xem lại. Có trường được chiết khấu lên tới 20% nhân với số học sinh lên tới hàng nghìn thì số tiền này không hề nhỏ”.

Theo TS Dong, nhà trường được chiết khấu sẽ nảy sinh việc quan tâm đến số lượng người học càng nhiều càng tốt. Nếu nhà trường được chiết khấu tới 20% thì có nghĩa học sinh phải chịu thêm 20%, nếu không, con số này được giảm vào tiền học sẽ tốt hơn cho học sinh và phụ huynh.

Thông tin về chiết khấu của trung tâm ngoại ngữ được quy định trong văn bản.

"Rút tiền" phụ huynh bằng giáo viên "Tây ba lô"

Liên quan đến việc Tiếng Anh liên kết, trao đổi với Zing.vn, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội cho hay, nhiều năm trước, khi nhận công tác quản lý, ông thấy tiếng Anh liên kết tồn tại nhiều vấn đề bất cập về chương trình và việc phối hợp quản lý.

Các trung tâm liên kết với trường học đều được sở GD&ĐT thông qua. Khi đại diện trung tâm đến làm việc với phòng GD&ĐT để “bán chương trình”, họ sẽ đưa giáo trình soạn sẵn, giáo viên đã quen thuộc. Các cấp quản lý "khoán" hết cho trung tâm sẽ khó có kết quả tốt.

Giáo trình của các trung tâm bất cập ở chỗ giáo viên cứ dạy, học sinh cứ học, tiêu chuẩn đầu ra không rõ ràng. Điều này dẫn đến tình trạng chương trình liên kết là bổ trợ nhưng thực chất... không bổ trợ gì cả. Bởi vì, các em học theo sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT trên lớp, chương trình liên kết lại học hoàn toàn khác.

Điều quan trọng là không kiểm soát được trình độ giáo viên nếu trung tâm đưa "Tây ba lô" hay giáo viên người Việt kém chất lượng. Đây được cho là cách các trung tâm "rút tiền" khi đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả lớn.

Ông Lê Hồng Vũ cho rằng qua thời gian chấn chỉnh, ông đã triển khai các biện pháp để khắc phục hạn chế của chương trình tiếng Anh liên kết. Quận Tây Hồ có 3 trung tâm ngoại ngữ liên kết với hai hệ đại trà và chất lượng cao.

Ông Vũ yêu cầu các trung tâm thiết kế lại nội dung giảng dạy phù hợp cách dạy và học, kiến thức trong nhà trường, mang đúng ý nghĩa bổ trợ. Điều này không đơn giản vì trung tâm phải thiết kế lại cả phần mềm giảng dạy.

Giáo viên của nhà trường, sau khi đạt kết quả sát hạch của trung tâm, sẽ vào làm trợ giảng để kiểm soát việc giảng dạy.

"Chúng ta cần giáo viên nước ngoài vì họ phát âm chuẩn, có phương pháp giảng dạy tốt, có sức khỏe để khuấy động lớp học. Tôi yêu cầu kiểm tra lại visa dài hạn và giấy phép lao động từ các trung tâm nước ngoài. Nếu visa chỉ có 3 tháng, trình độ chỉ là 'Tây ba lô'. Mặt khác, giáo viên của trường tham gia vào giảng dạy cũng để họ tăng thêm việc học hỏi", ông Vũ nói.

PV (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tieng-anh-lien-ket-chiet-khau-toi-20-la-kho-chap-nhan-d83654.html