Tiên Yên (Quảng Ninh): Thêm một công trình văn hóa tâm linh

Vừa qua, huyện Tiên Yên tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho ngôi đền thờ Đức ông Hoàng Cần ở địa phương. Theo đó là hoạt động trùng tu xây dựng công trình này, tạo cho Tiên Yên có thêm một công trình văn hóa, điểm du lịch tâm linh.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đền thờ Đức ông Hoàng Cần.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đền thờ Đức ông Hoàng Cần.

Đức ông Hoàng Cần, tục truyền cụ phát tích vào khoảng thế kỷ thứ IX, là một vị quan phụ mẫu ở địa phương văn võ song toàn, thanh liêm, chính trực, nghĩa khí vì dân vì triều đình. Tiêu biểu là cụ dẹp yên được nạn cướp bóc trên sông biển Cửa Suốt, hải tặc bến Tài Xá.

Về già, vị quan cáo lão ở ẩn tại quê nhà, một làng nhỏ ở châu Tiên Yên, nay là thôn Hà Dong, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Khi qua đời, cụ hiển thánh trong lòng tôn kính của người dân vùng Đông Bắc bộ và người dân đã lập miếu thờ ở nhiều nơi, nhất là vùng mà cụ có công vận động nhân dân khẩn khai điền địa, chống giặc, phỉ tặc như ở huyện Bình Liêu, Vân Đồn và thành phố Cẩm Phả... Nhiều khu dân cư trù mật vinh danh cụ là Đại vương, Thành hoàng làng.

Đền thờ Đức ông Hoàng Cần ở thôn Hà Dong, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên.

Đức ông Hoàng Cần là một trong số ít vị quan lại địa phương là người của triều đại trước, được triều đại sau cấp sắc phong thần, xây đền và cấp hương hỏa xuân thu giữ lễ. Cụ thể, thời Trần Triều hưng thịnh ban sắc “Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế”; Triều Nguyễn, ngày 14/9/1853 (năm Tự Đức thứ 6), đạo sắc phong mỹ tự “Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thần và Bản cảnh thành hoàng.

Đền thờ Đức ông Hoàng Cần ở (Cửa Suốt) Cửa Ông còn có trước đền thờ Quốc công Trần Quốc Tảng và gia thất Nhà Trần. Còn đền thờ nơi phát tích Đức ông Hoàng Cần thì ở thôn Hà Dong, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Thần tích, thần sắc thất truyền nhưng truyền tục rằng cụ sinh thời ở vương triều Tiền Lê, người có hậu được nhà Lý đạo sắc phong thần; thời Nguyễn ngôi đền xây 3 gian kiến trúc kiểu trình tường, mái lợp ngói âm dương (vật liệu xây dựng cổ ở vùng Đông Bắc bộ) trên thổ đất phong thủy rộng gần chục mẫu có điền Viên, hồ Thủy Tạ trên núi.

Khi chiến tranh biên giới 1979, Trung đoàn 5 bộ đội địa phương sử dụng khuôn viên đền làm cơ sở hậu cần tiếp liệu xăng dầu, hết chiến tranh dân lấn đất làm vườn tược nhà ở, đền thờ Đức ông Hoàng Cần bị thu hẹp. Năm 2012, nhân dân địa phương đã hưng công xây dựng một tòa đại bái 5 gian, 2 chái, 2 tòa giải vũ, hệ thống trụ biểu, hoành mã... khôi phục lại nghi lễ.

Triều Nguyễn, năm Tự Đức thứ 6 đạo sắc phong cụ Hoàng Cần mỹ tự “Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thần và Bản cảnh thành hoàng”.

Ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 3851/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử đền thờ Đức ông Hoàng Cần. Theo đó, dự án trùng tu xây dựng đền thờ Đức ông Hoàng Cần được khởi động, danh nghĩa quy hoạch chỉnh trang khu văn hóa cộng đồng xã Hải Lạng, quy mô sử dụng đất 20.366m2. Trong đó, đất công trình chính gồm: Đền thờ, miếu thần linh 297,5m2; đất công trình phụ sử dụng 462,5m2; đất cây xanh cảnh quan, sân vườn 5.510,8m2; đất giao thông, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật 13.895,5m2; nguồn kinh phí do Hội doanh nghiệp thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên hưng công, nhân dân công đức đầu tư xây dựng.

Công trình chỉnh trang Khu văn hóa cộng đồng xã Hải Lạng, trọng tâm là ngôi đền thiêng Đức ông Hoàng Cần, một vị quan địa phương triều trước, liên tục được các triều sau vinh danh, nhân dân tôn kính... rồi đây một công trình di tích lịch sử văn hóa bề thế, Tiên Yên có thêm một sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách nơi cửa ngõ thông thương vùng rừng Tây Bắc với biển khơi, khi Quốc lộ 4B đã được đưa vào danh mục đầu tư mở rộng, cao tốc hạ sơn.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tien-yen-quang-ninh-them-mot-cong-trinh-van-hoa-tam-linh-294364.html