Tiên Yên (Quảng Ninh): Mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn du khách

Phát huy những giá trị tiềm năng, thời gian gần đây huyện Tiên Yên đang chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Nguồn tài nguyên phong phú

Tiên Yên là huyện cửa ngõ phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, nằm ở trung điểm giữa TP. Móng Cái và TP. Hạ Long, giao điểm của các trục giao thông chiến lược, như: QL18A, QL18C, QL4B và là một trong những cửa tiến ra biển của các tỉnh miền núi phía Bắc. Với địa hình trải rộng trên cả 3 vùng: Miền núi, đồng bằng, ven biển, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, Tiên Yên có khả năng khai thác nhiều loại hình và sản phẩm du lịch.

Du khách sẽ được hiểu thêm văn hóa các dân tộc sinh sống tại huyện Tiên Yên khi tới Trung tâm Văn hóa dân tộc vùng Đông Bắc

Đặc biệt, Tiên Yên có hệ thống rừng ngập mặn trải dài ven biển ở các xã Đồng Rui, Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Tiên Lãng với hơn 5.000 ha bãi triều, trong đó có khoảng 2.000 ha rừng ngập mặn được đánh giá là đa dạng sinh học nhất, nhì miền Bắc với hệ động thực vật khá trù phú. Cùng với đó là mũi Lòng Vàng với nước biển xanh biếc và bãi cát vàng hoang sơ, trải dài ngút tầm mắt, cách bờ chừng 4km thuộc xã đảo Đồng Rui với diện tích hơn 20ha; hay thác Pạc Sủi 16 tầng giữa chốn núi rừng hoang sơ - địa danh được ví là “Nơi bình minh thức giấc”. Phố đi bộ Tiên Yên với chủ đề “Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố” vào tối thứ bảy hàng tuần… cũng đã và đang là những điểm đến thu hút hàng nghìn lượt khách, với các hoạt động âm nhạc đường phố, giao lưu trò chơi dân gian, ẩm thực đường phố, nơi tái hiện lại các hoạt động phố cổ. Ngoài ra, Tiên Yên còn có hồ Khe Táu, hồ Khe Cát là các hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn, cảnh quan đẹp và không khí trong lành, mát mẻ cùng nhiều địa danh xinh đẹp khác.

Không chỉ vậy, Tiên Yên cũng nổi tiếng với những món ăn đặc trưng, nức tiếng xa gần, như: Gà Tiên Yên, bánh gật gù, cà sáy, ngan sao, khâu nhục, kẹo lạc hồng... Nơi đây còn có sự cộng cư lâu đời của hơn 5 vạn dân thuộc 14 dân tộc anh em, chứa đựng một bề dày văn hóa hết sức đa dạng, giàu bản sắc. Điều này thể hiện rõ qua các di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực, lễ hội, làng nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng.

Toàn huyện hiện có 41 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 21 di tích, danh lam thắng cảnh, khảo cổ nằm trong danh mục quản lý, kiểm kê của UBND tỉnh. Sự đa dạng về văn hóa còn mang lại cho nơi đây các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau, như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống…

Phố đi bộ Tiên Yên - Điểm khám phá mới mẻ

Hiện thực hóa mục tiêu

Để cụ thể hóa các định hướng, chiến lược, tháng 12/2017 huyện Tiên Yên đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Tiên Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, là cơ sở để địa phương phát triển ngành du lịch, dịch vụ.

Thời gian qua, huyện cũng tăng cường đầu tư và khuyến khích các nhà đầu tư phát triển một số lĩnh vực dịch vụ, như: Khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí; xây dựng khu trung tâm văn hóa thể thao… Đồng thời, đầu tư công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu riêng biệt của huyện, như: Gà Tiên Yên, kẹo lạc hồng, bánh gật gù… Huyện cũng vừa đưa Chợ phiên xã Hà Lâu vào hoạt động, với các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, mua bán các sản phẩm của đồng bào vùng cao, xây dựng Đề án tổ chức Lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu gắn với phát huy giá trị của Đền thờ Đức ông Hoàng Cần và hồ chứa nước Khe Cát; làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ; làng văn hóa dân tộc Dao tại thôn Pạc Sủi, xã Yên Than… Đây sẽ là những sản phẩm du lịch mới góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của huyện trong tương lai gần.

Với mong muốn phát triển du lịch nhanh, bền vững, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước; đồng thời, xây dựng các giải pháp cụ thể để quản lý, khai thác các khu, tuyến, điểm du lịch, kinh doanh lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành, các hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật và các dịch vụ thể thao phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch với thông điệp sản phẩm du lịch: “Tiên Yên, nơi bình minh thức giấc…”; xây dựng các phóng sự, video clip giới thiệu hình ảnh, tài nguyên, sản phẩm du lịch về địa phương cũng như chú trọng giữ vững môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái, đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Sự đa dạng về văn hóa còn mang lại cho Tiên Yên các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau, như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống…

Bảo Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tien-yen-quang-ninh-muc-tieu-tro-thanh-diem-den-hap-dan-du-khach-112790.html