Tiên Yên đi đầu trong xây dựng nhà văn hóa cộng đồng

Năm 2006, huyện Tiên Yên xây dựng Nhà văn hóa xã Đại Dực - xã có 100% đồng bào Sán Chỉ cư trú và cũng là xã đặc biệt khó khăn. Công trình được coi là một trong các nhà văn hóa xã quy mô nhất tỉnh thời điểm đó.

Cũng năm 2006, cùng với việc đi vào hoạt động của Nhà văn hóa xã Đại Dực, Lễ hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Sán Chỉ được tổ chức tại khuôn viên Nhà Văn hóa này. Từ hoạt động ban đầu, ngày nay hầu hết các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tiên Yên đều đã có các lễ hội riêng của mình, như: Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày ở xã Phong Dụ, Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Dao ở xã Hà Lâu, Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Dìu ở xã Hải Lạng.

Năm 2017, huyện Tiên Yên đưa vào hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc. Công trình có tổng diện tích mặt bằng quy hoạch là 9,1ha và tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.

Vào thăm Trung tâm Văn hóa, thể thao này, mọi người đều ấn tượng với phòng trưng bày văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc chiếm diện tích lớn trong tòa nhà chính của Trung tâm. Tại đây đời sống văn hóa của các tộc người: Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa... được thể hiện sinh động. Hình ảnh đầu tiên mà du khách thấy được đó là mô hình một buổi chợ của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, với đủ các thành phần dân tộc với các sản vật của họ.

Mô hình chợ của bà con các dân tộc trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc.

Mô hình chợ của bà con các dân tộc trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc.

Rời “khu chợ” đến Phòng trưng bày văn hóa các dân tộc, ở đây có các đồ vật hàng ngày của người Tày như chiếc cối xay, khung dệt vải. Dân tộc Dao với các trang phục đặc trưng quần áo, thắt lưng, khăn đội đầu, công cụ sản xuất của họ và các hình ảnh thể hiện phong tục tập quán truyền thống như lễ cấp sắc, các nghi thức cổ truyền trong việc cưới và việc tang. Các gian trưng bày văn hóa dân tộc Sán Chỉ, Hoa, Sán Dìu mang những nét riêng biệt không pha lẫn. Người Sán Dìu có sinh hoạt văn hóa truyền thống khá phong phú gắn với lễ tết, đặc biệt lễ Đại phan là một tín ngưỡng tích hợp nhiều yếu tố văn hóa .

Cuối năm 2018, Trung tâm Văn hóa- Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc đã tổ chức Tuần Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ II-2018 với chủ đề: “Tiên Yên - nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh”. Tuần văn hóa đã có sự tham gia của gần 1.500 diễn viên, vận động viên của 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các huyện Đình Lập, Cao Lộc, Lộc Bình (Lạng Sơn).

Cũng cuối năm 2018, một công trình văn hóa lớn nữa của huyện Tiên Yên là Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày huyện Tiên Yên đã được khởi công tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, là xã có hơn 40% là người dân tộc Tày của Tiên Yên.

Người dân vui chơi tại Khu Văn hóa, thể thao dân tộc Tày tại Lễ hội Đồng Đình, xã Phong Dụ năm 2019.

Khu Văn hóa, thể thao này được xây dựng trên diện tích 17.625m2 là nơi sinh hoạt các hoạt động văn hóa của người dân trên địa bàn xã và là nơi hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán lại diễn ra Lễ hội Đồng Đình. Lễ hội gồm các nghi lễ đặc trưng của người Tày như lễ “Lẩu Then”, lễ dâng hương, lễ cúng thần và phần hội gồm các môn: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, thi gói bánh, thi trưng bày mâm cỗ, thi trình diễn trang phục dân tộc. Lễ hội mang tên ngôi đình Đồng Đình, nhưng hồn cốt trong lễ hội là hội Lồng Tồng (hội xuống đồng), là lễ hội của người Tày cầu mong một năm mới mùa màng tốt tươi. Lễ hội không chỉ thu hút người Tày trong huyện Tiên Yên mà cả người Tày ở huyện lân cận Bình Liêu.

Từ việc xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng ở huyện Tiên Yên đã nâng cao rõ rệt tinh thần của người dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo thuận lợi cho sự bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc của Tiên Yên.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202009/tien-yen-di-dau-trong-xay-dung-nha-van-hoa-cong-dong-2499843/