Tiền uống 'sữa học đường' cả tháng chỉ tương đương 2 bát phở

Giá 'sữa học đường' dự kiến 6.800 đồng/hộp/180ml. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, nếu mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh bình thường tham gia chương trình chỉ phải đóng góp khoảng 70.000 đồng/tháng, tương đương với 2 bát phở vào buổi sáng.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: H.G

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: H.G

Chiều 25/9, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông tin Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, sữa được dùng trong Chương trình Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng (có đường, hoặc không có đường) bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.

Đáng chú ý, theo ông Tiến, trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc diện nghèo, cận nghèo; học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Trong đó, ngân sách hỗ trợ 50% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Còn với học sinh bình thường, ngân sách hỗ trợ 30% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% tiền sữa, 50% tiền sữa sẽ do phụ huynh học sinh đóng góp. Mức giá một hộp sữa dự kiến là 6.800 đồng/hộp/180ml. Tức là, mỗi học sinh bình thường phải đóng góp 3.400 đồng/hộp, số tiền một tháng uống sữa khoảng 70.000 đồng, chỉ tương đương với 2 bát phở vào buổi sáng.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho hay, hiện cơ quan này đang phát hành hồ sơ mời các nhà sản xuất sữa tham gia đấu thầu để cung cấp sữa cho Chương trình Sữa học đường.

Trước câu hỏi của báo chí về việc, trẻ mẫu giáo và học sinh có bắt buộc phải tham gia chương trình không, ông Tiến khẳng định, đây là tự nguyện. Phụ huynh hoàn toàn có thể không đăng ký và cho con mang sữa ở nhà đến trường để uống.

"Tham gia là tự nguyện, không bắt buộc. Phụ huynh không có nhu cầu cho con tham gia chương trình thì hoàn toàn không cần phải đăng ký và không ai có thể bắt buộc. Thậm chí, dù đã đăng ký mà thấy không phù hợp và cần thiết thì có thể dừng tham gia bất cứ lúc nào", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Trả lời về băn khoăn chất lượng sữa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, theo tính toán một ngày tiêu thụ 1 triệu - 1,1 triệu hộp thì không thể có sữa hết date.

“Chúng tôi yêu cầu cung cấp hàng ngày”, ông Tiến nói và nhấn mạnh, chất lượng, thành phần sữa học đường được kiểm định, giám sát chặt chẽ.

Làm rõ hơn về cơ sở khoa học, theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa học đường khác với các loại khác là được bổ sung thêm một số vi lượng và khoáng chất để giúp tăng chiều cao.

“Ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học uống sữa tươi hàng ngày thì tình trạng thiếu protein, thiếu vi chất dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt. Chiều cao của trẻ cũng tăng cao hơn so với nhóm không uống sữa”, bà Nhung nói.

Nhiều công trình nghiên cứu và bằng chứng khoa học chứng minh, sữa tươi là thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ có khả năng giúp con người phát triển thể lực, giảm các bệnh tim mạch, huyết áp…

Vì vậy, bà Nhung nhấn mạnh, trẻ em cần được uống sữa hàng ngay theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016.

“Khi triển khai Chương trình Sữa học đường, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ kinh phí, giảm chi phí đóng góp mua sữa của phụ huynh, miễn phí đối với học sinh diện nghèo, cận nghèo thể hiện sự quan tâm, chăm sóc trẻ em của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội”, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chốt lại.

H.Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tien-uong-sua-hoc-duong-ca-thang-chi-tuong-duong-2-bat-pho_t114c8n139138