Tiến trình phát triển 5G tại Việt Nam nhanh hơn Hoa Kỳ, Nhật Bản

'So với những quốc gia đi tiên phong về triển khai 5G trên thế giới, thì Việt Nam cũng đang nằm trong top đầu' - bà Susie Armstrong - Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ của Tập đoàn Qualcomm khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Kế hoạch của Việt Nam sẽ thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019 và cùng với rất ít các nước thương mại vào năm 2020. Bà có nghĩ rằng kế hoạch này của Việt Nam quá tham vọng hay không?

Theo tôi nó không hề tham vọng bởi vì tôi đã thấy Việt Nam có rất nhiều đam mê, khát vọng, tài năng, đây là một điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, có 3 yếu tố cần thiết để thúc đẩy phát triển mạng 5G đó là phân bổ tần số, cơ sở hạ tầng, khả năng liên thông thiết bị… Tất cả những điều này, Việt Nam đều có khả năng làm chủ và chuẩn bị được. Do đó, với khung thời gian như vậy, theo tôi nghĩ không có gì là quá tham vọng.

Bà Susie Armstrong - Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ của Tập đoàn Qualcomm trong lần thứ hai đến Việt Nam

Từ quan điểm của một người thiết kế và phát triển, tôi nghĩ rằng 5G mang lại rất nhiều những lĩnh vực ứng dụng tiềm năng khác nhau, không chỉ đơn thuần là kết nối thoại, dữ liệu như trong 4G. 5G với đặc tính là độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh, nó sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế khác nhau như IoT (mạng lưới vạn vật kết nối), đô thị thông minh, y tế thông minh… Do đó, dù tình trạng hiện tại chúng ta có đang dư thừa dung lượng 4G nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ không triển khai 5G, bởi vì với 5G mô hình kinh doanh của nó hoàn toàn khác.

Nhiều nhận định cho rằng, có thể với 3G, 4G, Việt Nam chậm so với thế giới, nhưng với 5G, chúng tôi đang có một mục tiêu rất mạnh mẽ. Nếu mục tiêu ấy đạt được, theo bà, Việt Nam sẽ ở top nào trong bản đồ về băng rộng trên thế giới?

Hai năm trước tôi đến Việt Nam lần đầu tiên và chỉ sau hai năm ngắn ngủi, tôi đã thấy một sự thay đổi rất ấn tượng, từ quan điểm của các cơ quan hoạch định chính sách nhà nước đến sự phát triển trong nhiều lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là phát triển thiết bị cho 5G. Tôi thấy rằng, tại Việt Nam, tiến trình phát triển 5G nhanh hơn cả so với Hoa Kỳ, thậm chí là nhanh hơn so với Nhật Bản. Tôi nghĩ đây là những cơ hội rất lớn và hơn nữa, Việt Nam đang có những ứng dụng cụ thể trong các ngành kinh tế. Chẳng hạn, ứng dụng trong lĩnh vực đô thị thông minh, thành phố thông minh hay trong lĩnh vực IOT… Theo đó, 5G sẽ trở thành một công cụ chiến lược để nắm bắt các cơ hội, tạo ra những cái mô hình kinh doanh, hoặc ngành kinh doanh mới.

Cũng giống như các quốc gia khác phát triển 5G, tại Việt Nam có hai giai đoạn: Giai đoạn thử nghiệm hay tiền thương mại vào năm 2019 và thương mại hóa chính thức như kế hoạch Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu là 2020. So với những quốc gia đi tiên phong về triển khai 5G trên thế giới, thì Việt Nam cũng đang nằm trong top đầu. Có thể nói về mặt công nghệ và kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trong việc thử nghiệm và thương mại hóa 5G.

Lần thứ hai trở lại Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp ICT của Việt Nam?

Tôi vô cùng ấn tượng về sức sáng tạo của người Việt và các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty Bkav của doanh nhân Nguyễn Tử Quảng đã sản xuất ra chiếc điện thoại thông minh, không chỉ đơn thuần đẹp, hấp dẫn, mà còn là thiết bị tiền đề để hỗ trợ cho việc ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế khác nhau. Với các tài năng cũng như năng lực kỹ thuật như vậy, Việt Nam hoàn toàn khả thi trong triển khai 5G. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần có chính sách của nhà nước, các chính sách đó cần phải hiệu quả để hỗ trợ việc triển khai 5G.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, 5G chỉ là một platform (nền tảng), mặc dù nền tảng này rất tiên tiến, phức tạp, tuy nhiên, khi những người trẻ tuổi của Việt Nam, các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển được những mô hình ứng dụng mới dựa trên nền tảng này, thì chính họ mới tạo ra được một nền kinh tế xoay quanh nền tảng 5G được. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra sự khác biệt, còn bản thân 5G chưa hẳn đã tạo ra được sự khác biệt.

Như tôi đã nói từ trước, tôi đã từng đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Việt Nam tôi vô cùng ấn tượng về động lực, sự quan tâm, hợp tác giữa các cộng đồng công nghệ thông tin và truyền thông, cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính những điều kiện tiên quyết như vậy sẽ tạo ra sự thúc đẩy cho sự phát triển nền kinh tế xoay quanh 5G tại Việt Nam. Các doanh nghiệp, người trẻ tuổi tại Việt Nam luôn luôn khao khát sự sáng tạo và nó sẽ là một động lực rất lớn, tôi rất ấn tượng với điều đó.

Xin cảm ơn bà!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tien-trinh-phat-trien-5g-tai-viet-nam-nhanh-hon-hoa-ky-nhat-ban-112091.html