Tiến trình hòa đàm Nga-Ukraine đầy chông gai, vì sao?

Thổ Nhĩ Kỳ, nước nỗ lực làm trung gian hòa giải, công nhận đàm phán hòa bình đang đối mặt nhiều thách thức và không thể dự đoán.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iran ở Ankara vào ngày 17 /1/2023. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iran ở Ankara vào ngày 17 /1/2023. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thừa nhận tiến trình ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng phức tạp bất chấp tiến triển ban đầu của Moscow và Kiev, RT đưa tin ngày 19/1.

Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ để gặp người đồng cấp Antony Blinken, Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định dù Ankara đã cố gắng hết sức để chấm dứt các hành động thù địch giữa Moscow và Kiev nhưng việc ngăn chặn cuộc chiến không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của nước này.

Theo ông Cavusoglu, Nga và Ukraine đã đạt được một số tiến triển trong đàm phán, gần đạt được một lệnh ngừng bắn, nhưng sau đó tình hình đã diễn ra theo hướng không thuận lợi.

Nhận định các điều kiện của cuộc xung đột ở Ukraine đã thay đổi, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ kết luận hòa đàm “trở nên phức tạp hơn và có nhiều chiều hướng khác nhau và rủi thay, nhiều vấn đề khác cũng xuất hiện trên bàn đàm phán”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cavusoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ tiếp tục các nỗ lực trung gian hòa giải như một phần của Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen mà Ankara và Liên hợp quốc làm trung gian.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết Mỹ và Nga vẫn duy trì liên lạc nhằm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đề cập cuộc gặp bí mật giữa ông Sergey Naryshkin - Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) Nga và Giám đốc Cục Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) Bill Burns hồi tháng 11/2022.

Ngay từ ngày đầu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Ankara đã nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev nhằm giải quyết tình trạng bế tắc ngoại giao như tổ chức đàm phán giữa phái đoàn hai nước vào tháng 3 năm ngoái. Moscow ban đầu bày tỏ lạc quan về tiến trình này. Nhưng sau đó, chính phủ Ukraine đã rút lại tất cả những cam kết đạt được trong cuộc hòa đàm ở Istanbul.

Hồi đầu tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh chính thức bác bỏ đàm phán hòa bình với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Sau đó, ông đưa ra “công thức hòa bình” 10 điểm, trong đó yêu cầu Nga rút toàn bộ quân đội khỏi lãnh thổ mà Kiev tuyên bố là của mình. Phía Moscow bác bỏ đề xuất của Tổng thống Zelensky, nói Kiev không sẵn lòng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 18/1 cho rằng các nước phương Tây vẫn chưa tỏ ra nghiêm túc với cách thức giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: RT

Ông Lavrov nói rằng chính sách đối ngoại của Ukraine chịu ảnh hưởng bởi các nước châu Âu, và họ chưa đưa ra bất kỳ đề xuất "nghiêm túc" nào với Nga về cách giải quyết cuộc xung đột. Ông cũng nhấn mạnh Nga sẵn sàng cân nhắc và đưa ra lập trường nếu nhận được đề xuất.

Ngoại trưởng Nga nhắc lại rằng Moscow đã sẵn sàng ủng hộ dự thảo thỏa thuận ngừng bắn do Ukraine đề xuất vào cuối tháng 3/2022, nhưng các nước phương Tây đã "giật dây Ukraine và nói còn quá sớm”.

Về "công thức hòa bình” mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố hồi tháng 11/2022, ông Lavrov gọi đó là một ý tưởng "lố bịch”, tập hợp "mọi thứ lại với nhau” từ an ninh lương thực cho tới tòa án dành cho Nga. Moscow nhiều lần tuyên bố không chấp nhận và sẽ không thảo luận về các điều khoản trong kế hoạch hòa bình do phía Kiev đưa ra.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tien-trinh-hoa-dam-nga-ukraine-day-chong-gai-vi-sao.html