Tiến tới Olympic Tokyo Cử tạ rộng cửa, điền kinh gặp khó

Đô cử Hoàng Thị Duyên thi đấu khá thành công khi giành 2 HCĐ tại giải cử tạ vô địch châu Á 2021 được tổ chức tại Uzbekistan và giành suất đi dự Olympic Tokyo

Giải vô địch châu Á cử tạ 2021 chính là giải vàng trong hệ thống tích điểm vòng loại Olympic Tokyo môn cử tạ. Tấm HCĐ tổng cử của Duyên giúp VĐV này gần như có một suất tới Tokyo. Đô cử 25 tuổi hiện đang xếp hạng 7 trên bảng xếp hạng tích điểm tới Tokyo. Tuy nhiên, với việc mỗi quốc gia chỉ được cử một vận động viên tham dự ở một hạng cân, cùng đoàn Triều Tiên rút lui, Duyên vươn lên thứ 5. 8 đô cử xếp hạng cao nhất mỗi nội dung sẽ giành vé trực tiếp tới Thế vận hội Tokyo.

Nữ lực sĩ Hoàng Thị Duyên đoạt 2 HCĐ tại giải cử tạ châu Á 2021

Nữ lực sĩ Hoàng Thị Duyên đoạt 2 HCĐ tại giải cử tạ châu Á 2021

Diễn biến vào tối 19/4 (giờ Hà Nội), đô cử Hoàng Thị Duyên của Việt Nam đã bước vào phần thi chung kết nhóm A hạng 59 kg nữ. Đô cử quê Lào Cai thể hiện sự chắc chắn và dứt khoát trong từng động tác, khi thành công cả 3 lần cử giật với các mức tạ 95 kg, 98 kg và 100 kg. Mức cử 100 kg của Duyên tốt thứ 3 ở phần thi cử giật và đem về tấm HCĐ đầu tiên, khi đứng sau Luo Xiaomin (Trung Quốc, 102 kg) và Kou Hsing-chun (Đài Loan, Trung Quốc, 110 kg). Bước sang phần thi cử đẩy, Duyên đạt thành tích tốt nhất 116 kg ở lần cử thứ hai. Trong lần cử cuối, ban huấn luyện đăng ký mức tạ 121 kg để Duyên tranh tấm HCB tổng cử nhưng không thành công. Đô cử Việt Nam xếp hạng 5 ở phần thi này. Sau 2 nội dung thi, Duyên đạt tổng cử 216 kg và nhận tấm HCĐ thứ hai. Hsing-chun giành cả 3 HCV nội dung này, đồng thời phá kỷ lục thế giới với tổng cử 247 kg. Hai tấm huy chương đồng của Hoàng Thị Duyên cũng là thành tích tốt nhất đoàn cử tạ Việt Nam giành được ở giải đấu này. Trước đó, Vương Thị Huyền xếp hạng 5 chung cuộc hạng 49 kg nữ, còn Thạch Kim Tuấn gây thất vọng khi không thành công cả 3 lần cử đẩy và không có tổng cử ở hạng 61 kg nam. Cuối tháng 5, Liên đoàn Cử tạ Thế giới sẽ chốt và công bố danh sách các vận động viên vượt qua vòng loại. Cử tạ Việt Nam, ngoài Hoàng Thị Duyên, còn trông chờ vào Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền.

Thạch Kim Tuấn thất bại cả 3 lần cử

Trong khi đó, điền kinh Việt Nam lại gặp không ít khó khăn trên con đường tới Olympic Tokyo. Đội tuyển điền kinh Việt Nam chỉ có duy nhất một VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020, theo suất đặc cách dành cho quốc gia không có VĐV đạt chuẩn chính thức. Theo kế hoạch, chuyên gia người Bulgaria Simeonov cùng đội tuyển tiếp sức hỗn hợp 4 x 400m với Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Trần Đình Sơn, Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng sẽ đi Ba Lan tham dự giải vô địch tiếp sức hỗn hợp thế giới 2021 diễn ra vào ngày 1-2/5. Đây là niềm hy vọng lớn nhất và cũng là duy nhất của điền kinh Việt Nam trong mục tiêu giành suất chính thức dự Olympic Tokyo 2020 bởi chúng ta đang xếp hạng 17 thế giới, trong khi Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF) sẽ lựa chọn 16 đội mạnh nhất tranh tài.

Tổ tiếp sức của môn điền kinh đã không thể tham dự giải đấu tại Ba Lan

Tuy nhiên theo Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, hạn chót đăng ký dự giải vô địch tiếp sức hỗn hợp thế giới 2021 là vào ngày 12/4 vừa qua và Việt Nam sẽ không cử đội tuyển sang Ba Lan thi đấu. “Chúng tôi đã cân nhắc và xem xét rất kỹ mới đưa ra quyết định trên. Do tình hình dịch COVID-19 tại địa điểm tranh tài chưa ổn định, việc di chuyển sang Ba Lan khó khăn, cũng như không thể ấn định thời điểm trở lại Việt Nam, chuyên gia của đội tuyển bỏ ngỏ khả năng các VĐV có thể đạt mục tiêu lọt vào nhóm 16 đội có thứ hạng cao nhất”.

Do ảnh hưởng của COVID-19, điền kinh Việt Nam đã không thi đấu giải quốc tế nào trong khoảng thời gian dài. Trước đó, vào tháng 3/2021, tổ đi bộ thuộc đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng mất cơ hội tranh suất Olympic Tokyo 2020 do giải đi bộ vô địch châu Á tổ chức tại Nhật Bản (thành tích tính chuẩn Olympic) bị hủy vì dịch COVID-19. Như vậy, cánh cửa Olympic Tokyo đã khép lại với điền kinh Việt Nam bởi chúng ta không còn bất kỳ giải đấu nào để tích điểm, từ giờ cho đến thời điểm diễn ra giải. “Đây là tình hình chung của nhiều bộ môn, không chỉ riêng điền kinh. Chúng ta không đủ cơ sở và điều kiện để dự các giải quốc tế. Không có được suất chính thức dự Olympic Tokyo , điền kinh Việt Nam chỉ còn trông chờ vào suất đặc cách. Ban huấn luyện sẽ họp bàn, dựa trên thành tích và phong độ của các VĐV ở giải đấu để lựa chọn ra VĐV tốt nhất dự giải”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Olympic là đấu trường khắc nghiệt và để giành vé tham dự ở thời điểm này, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi vấn đề, là rất khó khăn. Vì thế, điền kinh Việt Nam sẽ tập trung vào nhiệm vụ SEA Games 31 trên sân nhà vào cuối năm.

Trọng Đạt

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cu-ta-rong-cua-dien-kinh-gap-kho--n190374.html