Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Lan tỏa mô hình thanh niên áo lính

Từ hiệu ứng lan tỏa của công tác Đoàn và phong trào thanh niên toàn quốc, tuổi trẻ các đơn vị quân đội đã thực hiện nhiều mô hình, phần việc thanh niên một cách sáng tạo, hiệu quả.

Đoàn viên Sư đoàn 324 đang tiến hành phân loại rác tại “Ngôi nhà rác” (ảnh nhỏ) và “Con tàu thanh niên” 359 trên đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Ảnh: S.H.

Đoàn viên Sư đoàn 324 đang tiến hành phân loại rác tại “Ngôi nhà rác” (ảnh nhỏ) và “Con tàu thanh niên” 359 trên đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Ảnh: S.H.

Sáng lau sương, chiều lau bụi

Nhiều năm qua, mô hình “Con tàu thanh niên” ở Lữ đoàn 172 (Vùng 3 Hải quân) đã và đang là điểm sáng, góp phần quan trọng trong xây dựng đơn vị tàu chiến đấu chính quy, mẫu mực hiện nay. Trong đó, nổi bật là Tàu 359 thuộc Hải đội 131, Lữ đoàn 172.

Theo thượng úy Nguyễn Quốc Phương (Trưởng ngành Hỏa lực, Bí thư Chi đoàn Tàu 359), các tiêu chí của mô hình “Con tàu thanh niên” là sự vận dụng cụ thể, sáng tạo, sát với thực tiễn, phù hợp với chức năng hoạt động của tổ chức Đoàn, đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, ĐVTN, thực sự là một bước đột phá sáng tạo của tuổi trẻ Chi đoàn Tàu 359.

“Các hoạt động văn hóa tinh thần của tàu luôn diễn ra sôi nổi, tạo được sân chơi bổ ích, lành mạnh, nhất là những đợt hoạt động trên biển dài ngày. Khi phát động tham gia các phong trào, đoàn viên của tàu đều hưởng ứng nhiệt tình, thể hiện tính tiên phong, xung kích, sáng tạo, khẳng định vai trò trách nhiệm trong xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh”, thượng úy Phương nói.

Với phương châm “sáng lau sương, chiều lau bụi”, những người lính biển trẻ tuổi trên Tàu 359 đã thường xuyên, chủ động trong công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị, đảm bảo hệ số kỹ thuật theo quy định, tuyệt đối không để hư hỏng, phục vụ tốt công tác sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Trên tinh thần “tàu là nhà, biển đảo là quê hương”, cán bộ, ĐVTN trên tàu luôn đoàn kết, thống nhất, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, nhất là việc truyền đạt kinh nghiệm giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau. Hàng năm, Tàu 359 đều đạt danh hiệu “Giữ tốt dùng bền”, tham gia diễn tập, bắn đạn thật trên biển đều đạt giỏi.

Qua hơn 12 năm thực hiện, mô hình “Con tàu thanh niên” ở Tàu 359 đã thực sự khẳng định được hiệu quả và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Xuất hiện nhiều sáng kiến, mô hình hay, phục vụ hiệu quả cho công tác huấn luyện, học tập của đơn vị. Tiêu biểu là mô hình “Mô phỏng bộ khí tài tên lửa 15 trên tàu 205” của Bí thư Chi đoàn Nguyễn Quốc Phương - giải ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp toàn quân năm 2016 và giải A Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh lần thứ VII, năm 2017.

Xây dựng “Ngôi nhà rác”

Hưởng ứng cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, tuổi trẻ Sư đoàn Bộ binh 324 (Quân khu 4) có nhiều mô hình, phong trào thanh niên hiệu quả như “Chi đoàn huấn luyện giỏi”, “Tuần học thanh niên”; “Đường thanh niên tự quản”, “Chi đoàn không có khói thuốc lá”… Đặc biệt, phong trào xây dựng “Ngôi nhà rác” đã lôi cuốn nhiều cán bộ, đoàn viên tham gia.

Thượng úy Lê Anh Tuấn (Bí thư Chi đoàn Đại đội 3, Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 324), cho biết: “Đơn vị tôi không làm thêm được gì, quỹ hoạt động Đoàn có phần hạn chế, trong khi nguồn thu tăng gia có hạn không đủ trang trải các hoạt động Đoàn trong tháng. Từ khi có mô hình “Ngôi nhà rác” đã mang lại một nguồn thu cho đơn vị”.

Theo thượng úy Phan Tuấn Định (Bí thư Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 16), mỗi vỏ lon bia giá 300 đồng, mỗi kg chai lọ nhựa giá gần 8.000 đồng. Trung bình mỗi chi đoàn hằng tháng thu gom chai lọ qua sử dụng bán được trên dưới 300 ngàn đồng. Số tiền hữu ích này được bổ sung tổ chức hoạt động sinh nhật đồng đội, mua bóng đá, bóng chuyền… Phong trào xây dựng “Ngôi nhà rác” không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, xây dựng cảnh quan môi trường trong đơn vị mà còn giáo dục ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường địa phương cho chiến sĩ.

Đại tá Trịnh Văn Hùng, Chính ủy Sư đoàn 324, khẳng định: Nhờ duy trì tốt các phong trào của tổ chức Đoàn, đã góp phần đưa lại nhiều kết quả tích cực trong toàn đơn vị như quân số tham gia huấn luyện thường xuyên đạt 98% trở lên, kiểm tra huấn luyện các khoa mục hàng năm 100% đạt yêu cầu, có 80-85% khá, giỏi; tham gia nghiên cứu sáng kiến, cải tiến hơn 1.160 mô hình học cụ phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; có 111 sáng kiến tham gia Giải thưởng Nguyễn Viết Xuân và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội.

Say mê học ngoại ngữ

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ học tập, nghiên cứu các môn khoa học quân sự chuyên ngành, khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, đồng thời bảo đảm chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho học viên, nâng cao trình độ ngoại ngữ được xác định là một khâu đột phá trong thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh niên của tuổi trẻ Học viện Phòng không - Không quân.

Với việc duy trì hiệu quả Câu lạc bộ (CLB) Ngoại ngữ cùng tư duy sáng tạo, phương pháp học tập tươi trẻ, cuốn hút, đã giúp học viên Tiểu đoàn 5 (chuyên ngành Tên lửa Phòng không) tập trung nâng cao trình độ tiếng Nga. Trong khi học viên Tiểu đoàn 4 (chuyên ngành radar và tác chiến điện tử) và Tiểu đoàn 6 (chuyên ngành pháo phòng không) ngày một thành thục khả năng, kỹ năng tiếng Anh… Hàng năm, học viên Học viện đều nhiệt tình tham gia và giành nhiều giải cao tại các cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc và các cuộc thi hùng biện, hát tiếng Nga, tiếng Anh.

Xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc năm 2017, trung sĩ Đỗ Hoàng Giang (Đại đội 53, Tiểu đoàn 5) chia sẻ: “CLB Ngoại ngữ là môi trường thuận lợi để học hỏi, trao đổi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và phương pháp học tập, đồng thời tạo động lực để tôi phấn đấu nhiều hơn trong tương lai”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Dương, Trợ lý thanh niên Học viện Phòng không-Không quân, cho biết: Nhằm giúp học viên tự tin, chủ động hơn trong giao tiếp bằng ngoại ngữ, bớt tâm lý e ngại với môn học, CLB thường xuyên tạo môi trường giao tiếp, thực hành ngoại ngữ ở mọi lúc, mọi nơi. Định kỳ, CLB sinh hoạt với các chủ đề cụ thể như làm quen, thời tiết, giới thiệu về gia đình, quê hương, trao đổi thuật ngữ quân sự. Học viên trong CLB cũng thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu với học viên, sinh viên, cán bộ nghiên cứu có trình độ tiếng Anh, tiếng Nga ở các nhà trường trong và ngoài quân đội và nhiều cuộc thi. Qua đó tăng cơ hội học hỏi, bổ sung những nội dung còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ.

“Hiện nay, toàn sư đoàn có 100 chi đoàn với 100 mô hình “Ngôi nhà rác”, bình quân mỗi tháng một chi đoàn thu được từ 250-300 ngàn đồng”

Đại tá Trịnh Văn Hùng, Chính ủy Sư đoàn 324, Quân khu 4

Nguyễn Sơn - Tường Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tien-toi-dai-hoi-doan-toan-quoc-lan-thu-xi-lan-toa-mo-hinh-thanh-nien-ao-linh-1212942.tpo