TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG: NGĂN CHẶN CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN 'TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA' SẼ ĐẨY LÙI ĐƯỢC THAM NHŨNG.

Nhiều đại biểu Quốc hội rằng, việc ngăn chặn cán bộ ''tự diễn biến, tự chuyển hóa'' sẽ đẩy lùi được tham nhũng. Đặc biệt là nhiều tỉnh, thành đang hoàn tất công tác lựa chọn nhân sự để tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cho đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang hoàn tất công tác lựa chọn nhân sự với tinh thần trách nhiệm, dân chủ cao nhất. Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc tổ chức Đại hội Đảng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương là phải thực hiện tốt công tác phát hiện, đề bạt và lựa chọn nhân sự. Không chỉ yêu cầu có số lượng nhân sự và cơ cấu hợp lý, Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: Song song với việc đề xuất, bình chọn, không bỏ sót người cán bộ đủ tiêu chuẩn thì các Chi bộ, Đảng bộ cơ sở phải loại bỏ những người có tư tưởng cơ hội, tham nhũng, “chạy chức, chạy quyền”.

Đổi mới công tác cán bộ bằng cách lắng nghe ý kiến, giám sát đóng góp của nhân dân

Để thực hiện được nhiệm vụ đề ra, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở (Ban Tổ chức Trung ương) nêu quan điểm: Các Chi bộ, Đảng bộ ở các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đổi mới công tác cán bộ, rà soát và đánh giá một cách kỹ lưỡng để đội ngũ cán bộ không bị tha hóa, không bị lợi ích vật chất tầm thường mua chuộc. Do đó, chúng ta phải chọn cán bộ một cách đúng người, đúng việc, những người có đức, có tài. Muốn chọn lựa nhân sự, lãnh đạo đạt tiêu chuẩn từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, các cơ quan, đơn vị, Bộ ngành, địa phương phải đổi mới công tác cán bộ bằng cách dựa vào ý kiến đóng góp của công chức, viên chức và nhân dân tham gia vào công tác đề xuất, bình chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở (Ban Tổ chức Trung ương)

Đứng ở góc độ cử tri, bà Đinh Thị Chàm, phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, cho rằng việc xử lý cán bộ cấp cao tham nhũng trong thời gian vừa qua theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn đúng đắn. Điều này đã góp phần cảnh tỉnh cho những cán bộ khác không được đi theo “vết xe đổ”. Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, loại bỏ những người có tư tưởng cơ hội, tham nhũng, “chạy chức, chạy quyền”. Vì vậy, các địa phương cần quán triệt nhiệm vụ này khi đề xuất, bình chọn nhân sự lãnh đạo từ cấp cơ sở tới cấp Trung ương thì mới có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của đất nước và quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Cử tri Đinh Thị Chàm, phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Còn ông Phạm Văn Phúc, thường trú tại phố Sơn Tây, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội nêu quan điểm: Trong năm 2020 diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta phải lựa chọn, bình bầu những cán bộ từ cấp cơ sở tới cấp Trung ương không chỉ có tài năng mà phải có đức, có tâm, hết lòng phụng sự nhân dân.

Ngăn chặn cán bộ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” sẽ đẩy lùi được tham nhũng

Trong những năm gần đây, công tác phòng chống tham nhũng đã được nhân dân chú trọng quan tâm. Cũng chính từ sự phản ánh người dân đã giúp cho các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội có những giải pháp thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng như: ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định có liên quan. Phát huy vai trò giám sát, các cơ quan của Đảng đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành hữu quan điều tra, truy tố nhiều vụ việc tham nhũng và sớm đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc liên quan đến một số cán bộ cấp cao. Điều này đã đem lại niềm tin cho cử tri về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nhận định: Qua theo dõi việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cấp ủy các cấp đều quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng thông qua các văn kiện, báo cáo đánh giá công tác cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở tiêu chí của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cấp ủy các cấp đã lựa chọn được đội ngũ cán bộ đứng đầu hội tụ các tiêu chuẩn tiêu biểu về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Đặc biệt, những cán bộ, đảng viên nào có biểu hiện về tham nhũng hay để người nhà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cũng được Cấp ủy các cấp lưu ý không đưa vào danh sách nhân sự bầu chọn.

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, việc hoàn thiện các điều lệ của Đảng và những giải pháp nghiêm khắc từ cấp ủy; giám sát về công tác phòng chống tham nhũng; giám sát cán bộ, đảng viên thi hành điều lệ Đảng; những quy định mà đảng viên không được làm và hoàn thiện các giải pháp về quản lý kinh tế, ngân sách thì chắc chắn công tác phòng chống tham nhũng sẽ kế thừa những thành quả đã đạt được cũng như ngày càng hữu hiệu hơn.

Cho đến nay, nhiều Đại hội Đảng bộ các cấp đã thực hiện xong công tác nhân sự. Trong đó, nhân sự được bầu chọn phải hội đủ về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Những cán bộ, đảng viên có đơn thư khiếu nại của cử tri về biểu hiện lợi dụng chức vụ để trục lợi là những đối tượng bị sàng lọc để chọn ra những cán bộ đứng đầu thực sự để nhân dân noi theo.

Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước.

Đề cập đến việc lựa chọn nhân sự xứng đáng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn đưa ra các yêu cầu về quy trình bầu chọn cán bộ phải thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, thành phần. Từ cơ sở triển khai tốt sẽ tạo đà cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Nghị quyết của Bộ Chính trị, tất cả các cơ sở Đảng tiến hành Đại hội phải thực hiện nghiêm túc quy định đề ra. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có những Đảng bộ, Chi bộ khi bầu nhân sự không thực hiện đúng quy trình nên mới có chuyện Bí thư của phường, xã khi được bình bầu thì không trúng cử cấp ủy. Nguyên nhân có thể là đơn vị đó mất đoàn kết nội bộ, cơ cấu nhân sự chưa hợp lý, việc lựa chọn nhân sự cấp ủy không nhận được tín nhiệm của nhân dân hoặc mới có tình trạng “chạy chức, chạy quyền”.

Thực tế Đại hội Đảng bộ các cấp cũng đã thấm nhuần thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong vấn đề coi trọng giữa số lượng và chất lượng công tác cán bộ, lựa chọn bố trí đúng người, đúng việc, đoàn kết thống nhất tạo đà sức mạnh.

Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái; cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ, kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì thực tế sau Đại hội Đảng bộ các cấp cơ sở trong tỉnh vừa qua cho thấy, vẫn còn có cá nhân, tổ chức để lại những hậu quả đáng buồn, khiến cho nhiều cán bộ, đảng viên băn khoăn, lo lắng. Trong quá trình công tác vẫn còn có những cán bộ, đảng viên bình thường thì rất tốt nhưng đến một thời điểm nào đó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoặc có người đến khi được bổ nhiệm, vị trí nào đó thì lại mắc sai phạm. Đến khi cơ quan chức năng, pháp luật vào cuộc điều tra vụ việc thì cán bộ đó lại bị truy tố. Thực tế, công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đã cho thấy có Ủy viên Bộ Chính trị nhưng vẫn bị xử lý vì mắc sai phạm. Như vậy, việc cán bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không phải xuất phát từ hoạt động hiện tại mà là từ những việc làm của họ diễn ra trước đó.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, trong thời gian tới, để chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp nghiêm khắc để chống tham nhũng, “chạy chức, chạy quyền”. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện nghiêm túc nên đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc và tạo được niềm tin lớn trong nhân dân. Để công tác phòng chống tham nhũng được hiệu quả hơn, các cấp, ngành cần triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Tất cả những trường hợp vi phạm và có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, xử lý; đồng thời phải công khai minh bạch kết quả xử lý để người dân được biết cũng như góp phần cảnh báo với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý định vi phạm phải dừng ngay và tự rèn luyện bản thân để không bị mua chuộc dẫn đến tham ô, tham nhũng./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=49216