Tiền thưởng cuối mùa giải: Khi tốp đầu 'im hơi lặng tiếng'

Giải chuyên nghiệp năm nay đang có những diễn biến hết sức thú vị khi có tới 3 CLB dẫn đầu xếp hạng đều có khả năng đăng quang khi tấm màn nhung V.League 2017 khép lại. Ngạc nhiên hơn nữa là Hà Nội FC - đội bóng 'rộng cửa' lên ngôi nhất, cũng là 'đại gia' V.League nhưng không hề có động thái treo thưởng như thường lệ.

Nhắc đến chuyện treo thưởng, hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên số tiền “nằm ngoài tưởng tượng” - lên tới 8 tỷ đồng mà ông bầu Nguyễn Đức Thụy công khai trước lượt đấu chót ở mùa giải 2012. Chẳng nói ra thì ai cũng rõ, động thái ấy biểu thị cho “cơn khát” danh hiệu vô địch của bầu Thụy và cũng là “liệu pháp tinh thần” để cầu thủ yên tâm nhập cuộc, thi đấu với quyết tâm cao nhất.

Ở một chuyển động khác, trước thềm SEA Games 25, ông Lê Hùng Dũng (khi ấy còn là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) đã khiến tất cả sửng sốt khi tuyên bố mức thưởng 500.000 USD (hơn 10 tỷ đồng) nếu U23 Việt Nam giành thứ hạng cao nhất. Theo nhận định của các chuyên gia thì đây chính là chiêu “lấy độc trị độc” - số tiền mỗi cầu thủ nhận được từ liên đoàn sẽ cao hơn rất nhiều so với... bán độ (căn cứ vào những tiêu cực ở sân cỏ nước nhà thời gian qua thì mỗi cầu thủ chỉ được chừng dăm ba chục triệu đồng). Tán thành “sách lược” của Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng, ông chủ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai là Đoàn Nguyên Đức hào hứng góp thêm 500.000 USD vào ngân khoản thưởng “cho chẵn một triệu” (USD).

Tuy nhiên, số tiền thuộc loại kỷ lục của 2 lần treo thưởng nói trên đều không có cơ hội giải ngân khi đội bóng của bầu Thụy không thể giành chiến thắng còn U23 Việt Nam phải dừng bước ở bán kết sân chơi khu vực. Song qua đó có thể thấy, hơn ai hết, chính các ông bầu, các quan chức bóng đá là người hiểu nhất tác dụng của việc treo thưởng cũng như ý thức rất rõ những “biến cố” có thể xảy ra ở lượt trận đấu cuối.

Song có vẻ như 2 câu chuyện trên đã gắn với những bài học xương máu! Sau lượt trận áp chót V.League 2016, có tới 4 CLB sáng cửa lên ngôi là HN T&T, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh nhưng lãnh đạo 4 đội bóng này đều không sử dụng “doping tiền”, thông điệp chung chỉ là “sẽ thưởng xứng đáng” nếu vô địch chứ không công khai con số cụ thể.

Chuyển động ấy tiếp tục tái diễn ở mùa bóng năm nay khi Quảng Nam FC và nhất là Hà Nội FC - đội bóng đang nắm trong tay “quyền tự quyết” nhưng những người có trách nhiệm không đề cập đến chuyện treo thưởng. Trao đổi với truyền thông, lãnh đạo đội bóng xứ Quảng chỉ lấp lửng “có Cúp ắt có tiền”, còn ông Đỗ Quang Hiển (người đã thoái vốn khỏi đội chủ sân Hàng Đẫy song vẫn giữ tiếng nói rất quan trọng ở Hà Nội FC) thì giải thích: “Không treo thưởng để tránh áp lực, giúp cầu thủ không bị tiền thưởng chi phối”.

Các ông bầu “im hơi lặng tiếng” không có nghĩa cuộc đua vì thế mà kém hấp dẫn. Thực tế V.League một năm trước đã chứng minh, Hải Phòng, Hà Nội T&T đã tạo nên một cuộc đua song mã rất kịch tính và kết quả chung cuộc chỉ được phân định sau phút thi đấu cuối cùng của mùa giải và phải nhờ đến chỉ số phụ (hiệu số bàn thắng/bại) mới xác định được tên tuổi tân vương. Còn ở V.League 2017 thì như đã đề cập, trước loạt trận cuối, vẫn có tới 3 CLB bằng điểm và chia nhau 3 thứ hạng cao nhất.

Bởi vậy, xem ra chuyện các ông chủ kém “ồn ào” không những không khiến giải chuyên nghiệp kém vui mà còn biểu hiện cho cách làm bóng đá văn minh, chuyên nghiệp sau gần 2 thập kỷ “chạy đua tiền thưởng”.

.Mạnh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/the-thao/n178330/tien-thuong-cuoi-mua-giai:-khi-top-dau-%E2%80%9Cim-hoi-lang-tieng%E2%80%9D