Tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi chi thường xuyên vẫn cao

Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội sáng 26/10, nhiều ĐBQH bày tỏ vui mừng trước việc các chỉ tiêu lớn đều đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng ấn tượng, củng cố niềm tin cho người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại cho cân đối ngân sách khi số chi thường xuyên còn quá lớn mà việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn còn chậm.

ĐB Tạ Văn Hạ phát biểu tại hội trường.

Lo ngại thất thoát, lãng phí trong đầu tư công

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, tăng trưởng kinh tế có nhiều tín hiệu đáng mừng. Trong đó, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến và nông sản là kết quả quan trọng; nợ công giảm còn 61,4%... Tuy nhiên, theo ĐB này, các lĩnh vực đều có những khía cạnh chưa an tâm, chưa thực sự hiệu quả: Đầu tư FDI đã tổng kết 30 năm cho thấy chuyển giao công nghệ chưa được như mong muốn; y tế có những bước tiến bộ nhưng dịch bệnh vẫn duy trì; bảo hiểm y tế tỷ lệ khá cao nhưng chưa thực chất.

Nhắc lại những khó khăn đầu nhiệm kỳ, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng khá lo lắng về những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó có thất thoát lãng phí trong đầu tư công. Các dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương được nói đến nhiều nhưng hiện giờ lại có thêm một số dự án hạ tầng giao thông.

Ví dụ cụ thể hơn, ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu: “Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa mưa vài trận đã hỏng. Dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2013 nhưng đã quá 6 năm vẫn chưa vận hành. Dẫn chứng nữa là dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) đội vốn hơn 47.320 tỷ, tăng 273% và hiện mới hoàn thành 52% khối lượng công việc. Hay số liệu từ Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải có 27/42 dự án điều chỉnh tăng vốn, tương đương 97,2 triệu USD”.

Theo ông Cầu, tình trạng điều chỉnh vốn như vậy, thời gian kéo dài, thất thoát lãng phí là điều có thể xảy ra. Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư cả trăm nghìn tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh.

Tinh giản biên chế còn vướng

Trong phần thảo luận, nhiều ĐBQH quan tâm đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và giảm biên chế thời gian qua. ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, việc sắp xếp tinh giản bộ máy chưa có hướng dẫn cụ thể nên tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, nhiều băn khoăn vướng mắc chưa được tháo gỡ. Do đó, Chính phủ nên có sự chỉ đạo để thống nhất trên phạm vi toàn quốc về vấn đề này.

Cũng theo ĐB Cao Đình Thưởng, công tác tinh giản biên chế còn vướng, nhất là tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp. ĐB ví dụ việc thiếu, thừa cục bộ giáo viên, giáo viên mầm non thiếu đến 44 nghìn người, do đó, “đổi mới phải đáp ứng nhu cầu nhất có thể, không thể để nhồi nhét 56 học sinh trong 1 lớp, tất nhiên phải có tầm nhìn dài hạn, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non”.

Đồng tình, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải nhận thức rõ "tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều".

Theo ĐB Hạ, việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh, đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Nhấn mạnh tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, vị ĐB tỉnh Bạc Liêu gợi ý giải pháp: Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành. Nhìn sang một số nước láng giềng, có nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 gồm 44 tỉnh, thành nhưng nay đã 63 đơn vị, ông Hạ so sánh.

Một ví dụ được ĐB dẫn ra để chứng minh luận điểm này là: Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

"Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố" – ĐB đề nghị.

Một số ĐBQH đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa cho đầu tư phát triển phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo an toàn hồ đập.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tien-thue-cua-dan-khong-the-chiu-noi-khi-hang-nam-chi-thuong-xuyen-van-cao.aspx