Tiến thoái lưỡng nan

Trong một bài viết mới đây, NBC News cho biết, thỏa thuận hòa bình mà chính quyền tiền nhiệm ký với lực lượng Taliban hồi cuối tháng 2 năm ngoái đang khiến chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

“Việc Mỹ trì hoãn rút quân sẽ giúp chính phủ Afghanistan thở phào nhẹ nhõm nhưng lại có thể vấp phải phản ứng mạnh từ phía Taliban”, cây bút Dan De Luce mở đầu bài viết. Theo NBC News, so với người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden đã đánh tiếng sẽ “cứng rắn hơn” với lực lượng Taliban khi giới chức cấp cao Mỹ liên tục cảnh báo kế hoạch rút toàn bộ binh lính nước này khỏi Afghanistan vào tháng 5 tới có thể bị trì hoãn nếu Taliban không thực hiện các cam kết theo thỏa thuận hòa bình đã ký. Các tuyên bố của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc gần đây đều cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đang hoài nghi về “một tiến trình hòa bình thiếu bền vững” do chính quyền tiền nhiệm khởi xướng cũng như việc Taliban sẵn sàng đoạn tuyệt quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda và các nhóm cực đoan khác. Trên thực tế, một báo cáo của Liên hợp quốc đã kết luận lực lượng Taliban vẫn đang giữ “quan hệ thân thiết” với Al Qaeda và Al Qaeda đang tiếp tục hoạt động tại 12 tỉnh của Afghanistan với khoảng 400-600 tay súng cùng một trại huấn luyện ở miền Đông nước này. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ gần đây phát hiện “Al Qaeda ngày càng lớn mạnh tại Afghanistan và tiếp tục hoạt động dưới sự che chở của Taliban”.

 Binh lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Getty Images

Binh lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Getty Images

BC News cho biết chính quyền của Tổng thống Biden đang tiến hành đánh giá lại thỏa thuận hòa bình đã ký với lực lượng Taliban. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, Washington “đang xem xét kỹ lưỡng mức độ tuân thủ trên thực tế” của Taliban đối với các điều khoản của thỏa thuận. Theo thỏa thuận hòa bình đạt được hồi cuối tháng 2-2020, Mỹ sẽ rút toàn bộ binh lính khỏi quốc gia Tây Nam Á vào đầu tháng 5-2021 để đổi lại việc Taliban cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố, xuống thang bạo lực và tiến hành hòa đàm với chính phủ Afghanistan. “Với việc Taliban không thực hiện các cam kết từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và chấm dứt các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan, rất khó để thấy được một bước tiến cụ thể đối với thỏa thuận đã đạt được”, NBC News dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby.

Theo NBC News, khác với chính quyền tiền nhiệm, chính phủ Mỹ hiện nay còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nhân quyền, các quyền của phụ nữ tại Afghanistan. Trong cuộc điện đàm vừa qua với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần phải duy trì “những tiến triển đạt được trong hơn 20 năm qua liên quan tới nhân quyền, tự do dân sự và vai trò của phụ nữ trong xã hội Afghanistan”. Trong khi đó, lực lượng Taliban, vốn được biết đến với sự cai trị hà khắc và đàn áp phụ nữ Afghanistan trong giai đoạn cầm quyền 1996-2001, lại không hề đưa ra bất kỳ cam kết nào về vai trò của phụ nữ tại quốc gia Tây Nam Á trong thỏa thuận hòa bình đã ký hồi năm ngoái.

Sự “đổi giọng” ấy, như cách gọi của cây bút Dan De Luce, nhận được sự hoan nghênh của chính phủ Afghanistan bởi Kabul bấy lâu vẫn không hài lòng khi bị cho “ra rìa” trong quá trình đàm phán thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và lực lượng Taliban. Tổng thống Ghani đã bày tỏ phấn khởi với cách tiếp cận của chính quyền Biden cũng như “sự quan tâm sớm, có trọng tâm và hệ thống” của Washington hiện nay.

NBC News dẫn lời một cựu quan chức Mỹ từng làm việc tại Afghanistan nhấn mạnh những gì Washington cần làm hiện nay là làm sao thuyết phục được lực lượng Taliban rằng thỏa thuận hòa bình đã ký “vẫn còn sống”, thậm chí nếu việc rút quân có bị trì hoãn. “Về phía Taliban, nếu việc Mỹ rút quân bị trì hoãn, điều quan trọng là phải sớm đạt được sự nhất trí ngầm nào đó với lực lượng này bởi vì sẽ không ai được lợi nếu Taliban rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hòa bình. Taliban cần có thời gian để thuyết phục các tay súng của mình”, cựu quan chức này nhận định.

Hiện có khoảng 2.500 binh lính Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan so với con số 12.000 vào đầu năm ngoái. Khi chứng kiến chính quyền Donald Trump tiến hành cắt giảm mạnh số lượng binh lính Mỹ tại Afghanistan nhằm thực hiện cam kết trong thỏa thuận hòa bình ký với Taliban, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã cảnh báo “rút quân quá sớm hoặc theo một cách không phối hợp” tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng, có thể khiến quốc gia Tây Nam Á một lần nữa trở thành “hang ổ” của các nhóm khủng bố. Vì Mỹ đã rút phần lớn số lượng binh lính đồn trú tại Afghanistan nên NBC News cho rằng khả năng mặc cả của Washington hiện nay với Taliban sẽ bị hạn chế. “Trì hoãn việc rút quân vô thời hạn có nguy cơ làm chệch hướng toàn bộ tiến trình hòa bình và Taliban có thể quay trở lại tình trạng sẵn sàng tiến hành chiến tranh tổng lực nhằm vào các lực lượng Mỹ. Rõ ràng các lựa chọn đối với Mỹ là rất khó khăn”, NBC News nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tien-thoai-luong-nan-651089