Tiến thoái lưỡng nan ở Trung Đông, Nhật Bản ra chiêu bài 'thỏa hiệp'

Nhật Bản vốn phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về an ninh và dễ bị tổn thương trước áp lực của Mỹ song lại muốn tránh tham gia một liên minh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Nhật - Iran.

Nhật Bản phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp dầu thô và khi đốt tự nhiên từ Trung Đông. (Nguồn: Financial Tribune)

Tình hình ở Trung Đông vẫn vô cùng bất ổn. Kể từ tháng 5/2019, khi Iran tuyên bố họ đang đình chỉ một số cam kết trong khuôn khổ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, các tàu chở dầu của Saudi Arabia và Na Uy đã bị tấn công quanh Eo biển Hormuz, và một tàu chở dầu của Nhật Bản cũng đã bị tấn công ngay tại thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm Iran. Vào tháng 9, đến lượt một cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công, khiến 5% sản lượng dầu toàn cầu bị tiêu hủy, dù chỉ là tạm thời.

Bối cảnh bấp bênh

Đối với Nhật Bản, vốn đang dựa vào Trung Đông để có được nguồn cung cấp dầu thô và khí đốt tự nhiên, việc liên tục xảy ra các tình huống nguy hiểm như vậy đặt ra một thách thức lớn cho vấn đề an ninh năng lượng trong nước.

Hơn nữa, sự thật và những ý định liên quan đến những sự cố này vẫn chưa rõ ràng. Iran bị nghi ngờ có dính líu đến các vụ tấn công tàu chở dầu hồi tháng 5 và 6 cũng như vụ tấn công cơ sở dầu mỏ hồi tháng 9, nhưng họ phủ nhận mọi cáo buộc. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng bóng gió về sự dính líu của Iran, nhưng không công khai chỉ trích Iran vì những thiệt hại liên tục này. Trong khi đó, Mỹ lại trực tiếp đổ lỗi cho Iran.

Tuy nhiên, chính sách “gây sức ép tối đa” hiện tại của Washington đối với Iran không tạo ra nhiều phạm vi cho các lệnh trừng phạt. Ngay cả khi các biện pháp trừng phạt bổ sung được áp dụng, điều đó sẽ không thể thay đổi đáng kể tình hình.

Trong bối cảnh này, Mỹ đã thành lập một liên minh gọi là Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI), với mục đích cung cấp an ninh trong Vịnh Ba Tư bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự. Tuy nhiên, ngoài các quốc gia như Vương quốc Anh - nơi có một tàu chở dầu bị Iran chiếm giữ và Saudi Arabia - kẻ thù “truyền kiếp” của Iran, rất ít quốc gia phản ứng lại với sáng kiến này.

Tình thế trắc trở

Vốn phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về an ninh và dễ bị tổn thương trước áp lực của Mỹ, Nhật Bản tin rằng việc đáp ứng những kỳ vọng của Mỹ theo một cách nào đó chính là mang lại lợi ích cho an ninh của chính họ. Tuy nhiên, Iran cảnh giác với liên minh do Mỹ lãnh đạo và phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của Mỹ.

Nhật Bản đã duy trì quan hệ hữu nghị với Iran kể từ Cách mạng Iran năm 1979, và hồi tháng 6/2019, ông Abe đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm đầu tiên đến thăm Iran sau 40 năm. Trong khả năng có thể, ông Abe muốn tránh tham gia một liên minh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Nhật - Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thông báo sẽ thực hiện một chuyến thăm tới Nhật Bản - cũng là lúc Nhật Bản quyết định xem có nên triển khai các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đến Trung Đông hay không.

Một yếu tố khác là Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, trong đó yêu cầu Nhật Bản phải từ bỏ chiến tranh. Ngay cả khi được triển khai, các hoạt động của SDF vẫn bị hạn chế rất nhiều. Việc sử dụng vũ khí chỉ giới hạn trong các trường hợp tự vệ, hoặc các tình huống có nguy cơ đối với sự sống còn của quốc gia Nhật Bản, hoặc - cụ thể đối với kịch bản này - khi một tàu chở dầu của Nhật Bản gặp nguy hiểm và nguy hiểm đó không thể được ngăn chặn mà không sử dụng vũ khí.

Tuy nhiên, tàu chở dầu của Nhật Bản không phải là tàu chở dầu duy nhất vận chuyển dầu thô vào Nhật Bản, và có thể có những hậu quả chính trị cũng như pháp lý để bảo vệ tàu chở dầu của nước ngoài.

Lựa chọn tính toán

Chính phủ Nhật Bản xem xét việc triển khai các tàu của SDF để “điều tra và nghiên cứu” khu vực Trung Đông. (Nguồn: AFP)

Như một cách để đáp ứng các yêu cầu này mà không cần tham gia liên minh, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc triển khai các tàu của SDF để “điều tra và nghiên cứu” khu vực từ Vịnh Oman đến Biển Arab và Eo biển Bab el-Mandeb, mà không cần đi vào Vịnh Ba Tư.

Việc triển khai các tàu cho mục đích “điều tra và nghiên cứu” được coi là một sự thỏa hiệp. Điều đó cho thấy sự sẵn sàng đóng góp cho sáng kiến của Washington mà không cần tham gia trực tiếp, tránh một cuộc tranh luận tại Quốc hội về việc sử dụng vũ khí. Đồng thời, điều đó cũng tránh được việc khiêu khích Iran khi không tiến gần đến Vịnh Ba Tư.

Thành quả của sự thỏa hiệp này là việc triển khai các tàu SDF, do vậy, việc bảo vệ các tàu chở dầu hướng về Nhật Bản nhiều khả năng là không thể. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ cuộc tấn công trả đũa Iran vào phút cuối sau khi nước này bắn hạ một máy bay không người lái của quân đội Mỹ hồi tháng 6, tình hình ở Vịnh Ba Tư đã trở nên ổn định hơn.

Cuộc tấn công nhắm vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hồi tháng 9 có thể đã được hẹn giờ trùng với việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) của Công ty dầu Saudi Arabia (Aramco) thay vì nhằm vào các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz. Iran đã đề xuất Sáng kiến hòa bình mang tên Hormoz Peace Endeavor (HOPE), còn UAE và các quốc gia khác đang tìm cách cải thiện quan hệ.

Vì vậy, có thể tàu chở dầu của Nhật Bản sẽ an toàn ngay cả khi Nhật Bản không triển khai tàu SDF. Tuy nhiên, nếu SDF thực hiện hành động vượt qua phạm vi “điều tra và nghiên cứu” để đối phó với sự khiêu khích của Iran hoặc phản ứng thái quá từ phía Mỹ, sự thỏa hiệp cân bằng tinh tế này sẽ thất bại.

Tránh điều này sẽ đòi hỏi một chính sách đối ngoại hết sức cẩn trọng để giảm bớt căng thẳng ở Vịnh Ba Tư.

K.L

(theo The Diplomat)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tien-thoai-luong-nan-o-trung-dong-nhat-ban-ra-chieu-bai-thoa-hiep-106168.html