Tiến sỹ triết học cũng mê hát bolero

Cuộc thi 'Thần tượng bolero 2018' đã kết thúc với thứ hạng cao nhất thuộc về Nguyễn Duy Cường- chàng trai 27 tuổi đến từ Nghệ An.

Khán giả không chỉ thú vị với giọng hát ngọt ngào và điêu luyện của Nguyễn Duy Cường qua các ca khúc như “Mưa đêm tỉnh nhỏ” hoặc “Nước mắt mẹ hiền”, mà còn ngạc nhiên khi biết được Nguyễn Duy Cường đã có học vị Tiến sĩ Triết và đang giảng dạy tại Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Quán quân “Thần tượng bolero 2018” Nguyễn Duy Cường

Tân quán quân “Thần tượng Bolero 2018” thổ lộ: "Cuộc sống ở quê ngoài Nghệ An vất vả lắm, bolero chính là người bạn của nhiều gia đình. Những ngày còn bé, bố mẹ tôi hay bật nhạc bolero cho cả nhà nghe. Hồi đó thì cũng không hiểu gì, nhưng lâu dần nó bắt đầu ngấm sâu vào người mình lúc nào không hay. Đến lúc lớn lên mình thích hát theo, tự hát rồi tự nghe cũng thấy không đến nỗi. Lâu dần thì yêu luôn dòng nhạc này. Nghệ thuật là quy luật của tình cảm, của trái tim. Có lẽ, tuổi thơ cơ cực và hoàn cảnh gia đình của tôi như vậy nên những cảm xúc, ca từ, giai điệu của các ca khúc bolero luôn làm trái tim tôi thổn thức, say mê”.

Tại cuộc thi “Thần tượng bolero 2016”, giải nhất từng thuộc về Trung Quang – một chàng trai đang được đào tạo thính phòng tại Nhạc viện Hà Nội. Còn năm nay, vị trí danh giá của “Thần tượng bolero 2018” lại được trao cho một Tiến sĩ Triết. Điều ấy đã trực tiếp chứng minh dòng nhạc bolero không phải dành riêng giới bình dân.

Xuất hiện tại nước ta hơn nửa thế kỷ qua, dòng nhạc bolero cũng có những chìm nổi nhất định theo thời cuộc. Thế nhưng, vì nhiều định kiến riêng, không ít người vẫn mỉa mai về tính trữ tình và tính ủy mỵ của dòng nhạc bolero. Thậm chí, vài nhạc sĩ còn khẳng định sự trở lại của dòng nhạc bolero trong đời sống văn hóa là biểu hiện cho sự thụt lùi của âm nhạc Việt Nam.

Thực chất dòng nhạc bolero không đáng chê trách và càng không đáng bị kêu gọi tẩy chay. Bằng trình độ của một Tiến sĩ, Nguyễn Duy Cường phân tích: “Nếu đi sâu vào Triết học, sẽ thấy rằng nó và bolero không quá khác nhau như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi chuyên nghiên cứu về mỹ học, đây là một ngành khoa học nghiên cứu các quan hệ thẩm mỹ, trong đó cái đẹp là trung tâm và nghệ thuật chính là biểu hiện tập trung rõ nhất. Bolero là một sản phẩm của âm nhạc, của nghệ thuật thì đương nhiên Triết học sẽ nghiên cứu cả bolero và ngược lại, bolero sẽ là một địa hạt rất hấp dẫn để Triết học tìm đến”.

Nghệ thuật vốn không có ranh giới sang hèn, và nghệ thuật cũng không khu biệt theo giai tầng xã hội. Một sinh viên nhạc thính phòng như Trung Quang hoặc một Tiến sĩ Triết học như Nguyễn Duy Cường cũng đăng quang “Thần tượng bolero”, nghĩa là dòng nhạc này có sức quyến rũ cả thành phần tri thức và tinh hoa trong cộng đồng.

TUY HÒA

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tien-sy-triet-hoc-cung-me-hat-bolero-post219432.html