Tiến sỹ gốc Việt 'truyền cảm hứng' cho người nhà bệnh nhân Alzheimer tại Mỹ

Nghiên cứu về cộng đồng người Mỹ gốc Việt mắc bệnh Alzheimer, bà Oanh Lê Meyer phát hiện mẹ mình cũng có những triệu chứng tương tự.

Trang NBCNews đưa tin, Tiến sỹ gốc Việt Oanh Lê Meyer là một trong những người đầu tiên tìm hiểu về tình hình những công dân Mỹ gốc Việt bị mắc bệnh Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ) và điều dưỡng viên của họ. Điều đáng nói, song song với quá trình nghiên cứu, Tiến sỹ Meyer cũng phát hiện ra mẹ mình có những triệu chứng bất thường.

Mẹ của Tiến sỹ Meyer bắt đầu hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi. Dần dần những bữa ăn bà nấu ngày càng đơn giản hơn. Vào năm 2015, khi Tiến sỹ Meyer công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên về chương trình hỗ trợ cho những người Mỹ gốc Việt bị chứng mất trí nhớ, bà cũng chính là một trong những điều dưỡng viên chăm sóc cho người mẹ của mình.

Hiện tại, Tiến sỹ Oanh Lê Meyer vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, nhằm giúp đỡ mọi người có thể chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, ngay cả khi không có được trình độ và kiến thức lý tưởng mà một điều dưỡng viên chuyên nghiệp nên có. Là một phó giáo sư tại Đại học California, bà Meyer đang tập trung tìm hiểu về những trải nghiệm của các điều dưỡng viên “không chuyên” và biện pháp để cải thiện cuộc sống của chính họ. Theo bà đây là một lĩnh vực vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức cho cộng đồng người Mỹ gốc Á tại Mỹ.

Tiến sỹ Oanh Lê Meyer và mẹ (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo một thống kê của Hiệp hội Alzheimer Hoa Kỳ, cứ 10 người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, lại có một người mắc bệnh Alzheimer; và cần có thêm nhiều nghiên cứu về căn bệnh này trong cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Nghiên cứu năm 2015 của Tiến sỹ Meyer chỉ ra, người Mỹ gốc Việt – cộng đồng người Mỹ gốc Á lớn thứ tư tại Mỹ, cũng là một trong những cộng đồng có tỷ lệ người yếu kém về thể trạng và tinh thần, cao nhất; bao gồm trình độ giáo dục thấp, khả năng giao tiếp tiếng Anh không cao và tâm lý vẫn còn bị ám ảnh bởi những trải nghiệm trong quá khứ…

“Từ những thực tế trên, cần nhanh chóng thiết lập, thực hiện và đánh giá những sự can thiệp cần thiết… để giảm bớt gánh nặng trong nhóm những người này”, nghiên cứu của bà Meyer kết luận.

Theo Tiến sỹ Mary Mittelman, Giám đốc một chương trình hỗ trợ cho những gia đình có người thân bị các chứng bệnh mất trí nhớ thuộc Đại học New York, những người chăm sóc cho bệnh nhân Alzheimer phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Áp lực có thể gia tăng nếu người chăm sóc là vợ/chồng, con lớn… của bệnh nhân, do họ sẽ phải đảm nhận cả những nghĩa vụ gia đình mà bệnh nhân từng nắm giữ.

“Đối với điều dưỡng viên là con lớn trong gia đình…, bệnh nhân là người đã nuôi dưỡng họ lớn lên, dạy họ từ những điều cơ bản nhất, là người mà họ kính trọng và đặt nhiều kỳ vọng…”, bà Mittelman nói. “Nhưng giờ đây, trong quá trình chăm sóc bố/mẹ bị bệnh Alzheimer, người con sẽ phải thực hiện những thứ mà bố mẹ mình từng làm cho mình trong quá khứ… và đó sẽ là thực tại vô cùng đau đớn”.

Sự giúp đỡ từ các chuyên gia có thể giúp các điều dưỡng viên không chuyên hiểu rõ hơn về căn bệnh Alzheimer và những thách thức đang chờ đợi họ. Đó có thể là các chương trình giáo dục, hỗ trợ theo nhóm, giới thiệu về các chiến lược… Nghiên cứu của một số đại học lớn cho thấy, những chương trình như vậy có thể giúp giảm stress, nâng cao hiệu quả quá trình chăm sóc, thậm chí cải thiện tình hình của bệnh nhân…

Từ năm 2017, Tiến sỹ Meyer bắt đầu khám phá những biện pháp giúp đỡ thích hợp được thiết kế riêng cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Mỹ. Bà cũng hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận cộng đồng, và tất nhiên là cả những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer.

Trong một báo cáo mới công bố hồi tháng Tám, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm của Tiến sỹ Meyer đã liệt kê một số hình thức hỗ trợ như thu thập dữ liệu từ người chăm sóc để tổ chức các lớp học, trong đó cung cấp thông tin về các nguồn tài nguyên liên quan sẵn có tại địa phương, và phát cho mỗi điều dưỡng viên một cuốn sổ ghi lại kiến thức cần biết về căn bệnh Alzheimer và cách chăm sóc bệnh nhân…

Theo Tiến sỹ Meyer, cho tới thời điểm hiện tại, chương trình chạy thử đang thể hiện kết quả khá tích cực.

Stephanie Nguyễn, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Nguồn lực châu Á tại Sacramento, California chia sẻ, Tiến sỹ Meyer đã truyền cảm hứng cho rất nhiều điều dưỡng viên người Mỹ gốc Việt.

“Tôi đánh giá cao những gì mà Tiến sỹ Meyer đã làm cho cộng đồng, và điều đó mang lại giá trị, và niềm tin lớn cho cộng đồng này”, bà Stephanie Nguyễn nói.

Về phần mình, Tiến sỹ Meyer tiết lộ, tiếp theo bà muốn mở rộng chương trình thử nghiệm ra nhiều thành phố lớn khác tại Mỹ, trước hết là San Jose, California – nơi hiện đang có hơn 100.000 người Mỹ gốc Việt sinh sống. Bà cũng hy vọng rằng, những phát hiện của mình có thể được điều chỉnh và trở nên hữu dụng cho cả các cộng đồng người Mỹ gốc Đông Nam Á khác như Campuchia, Lào…

“Một trong những điều quan trọng tôi nhận thấy đó là rất nhiều gia đình đang có cùng những câu chuyện tương tự nhau,” Tiến sỹ Meyer nói. “Ở góc độ nào đó, đây được coi là một tín hiệu tốt khi các gia đình Việt Nam nhận ra rằng, họ không phải là những người duy nhất đang phải đối mặt và tìm cách vượt qua khó khăn”.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/tien-sy-goc-viet-truyen-cam-hung-cho-nguoi-nha-benh-nhan-alzheimer-tai-my-364173.html