Tiến sĩ Y sinh học phân tử: Giải mã hệ gene nCoV có ý nghĩa lớn

Giải mã gene của một loại virus mới có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu tác nhân gây bệnh, chẩn đoán và hỗ trợ phát triển các phương pháp phòng ngừa và điều trị.

Theo TS. Bùi Chí Bảo, Sáng lập của Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA, để tìm hiểu nguồn gốc và độ độc hại của các loại virus mới như nCoV, các nhà khoa học đã áp dụng giải trình tự toàn bộ bộ gen (Whole- genome sequences -WGS) bằng cách kết hợp nhiều kỹ thuật cùng lúc như Sanger, giải trình tự thế hệ mới Illumina’s next generation sequencing và Oxford nanopore.

Để có thể bắt đầu quá trình, các nhà khoa học cần thu thập mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân nghi ngờ đã từng tiếp xúc với nguồn dịch. “Tất cả các mẫu sau đó sẽ được sàng lọc với các nhóm virus đã biết trước đó, các mẫu dương tính sẽ bị loại bỏ, và các mẫu âm tính sẽ được giữ lại để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo”, TS Bảo cho biết.

Virus mới sẽ được phân lập từ các mẫu đã sàng lọc trước đó để tiến hành phân tách, khuếch đại DNA phục vụ cho việc giải trình tự bộ gen. Sau khi hoàn tất giải trình tự, kết quả này sẽ được so sánh với các trình tự bộ gen virus tham khảo đã được công bố trên GenBank, nơi lưu trữ thông tin bộ gen của các virus đã được phát hiện.

Từ đó có thể biết được họ hàng gần của chủng virus cũng như vùng trình tự đặc hiệu (đặc trưng của virus nCoV 2019) để phục vụ cho việc phát triển các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị.

Theo TS Bảo, hầu như các kỹ thuật được sử dụng để giải trình tự bộ gen thì Việt Nam đều đã có và được ứng dụng trong nghiên cứu, chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, chỉ một số đơn vị mới được phép thực hiện các nghiên cứu trên đối tượng virus có nguy cơ lây nhiễm cao cũng như giải trình tự bộ gen của các chúng để phục vụ cho công tác chẩn đoán và phát triển vắc xin.

Qua đây, “chúng ta có thể thấy rằng kỹ thuật giải trình tự bộ gen là một bước tiến lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu bệnh học trong việc tìm hiểu tác nhân gây bệnh, chẩn đoán và hỗ trợ phát triển các phương pháp phòng ngừa và điều trị”, ông kết luận.

Ông Bùi Chí Bảo là tiến sĩ ngành Y Sinh học Phân tử, thạc sĩ Thần Kinh của ĐH Y Sung Kyunkwan (Hàn Quốc). Tiến sĩ Bùi Chí Bảo từng tham gia nghiên cứu về Di truyền Bệnh Hiếm tại Queen Mary, University of London (Anh), nghiên cứu U Nguyên Bào Thần Kinh tại Saga Koseikan Hospital (Nhật Bản). Hiện tại, ông là Sáng lập của Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ts-y-sinh-hoc-phan-tu-giai-ma-he-gene-ncov-co-y-nghia-lon-n168639.html