Tiến sĩ Việt có đột phá pin mặt trời: Khích lệ nhưng...

Tiến sĩ người Việt Nguyễn Trọng Hiếu tại Australia đã có một phát hiện mang tính đột phá với pin mặt trời, tuy nhiên còn nhiều thách thức.

Vừa qua, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) chủ trì là tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu người Việt Nam đã có một phát hiện mang tính đột phá với pin mặt trời.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách thức để có thể can thiệp vào bề mặt pin mặt trời, giúp có thể kiểm soát lượng phân tử hydro tại đây. Cách thức này khi kết hợp với vật liệu silicon chất lượng cao cho phép tạo ra một tấm pin có công suất lớn hơn loại truyền thống và tuổi thọ cao hơn nhiều lần.

Nhận định về vấn đề này, Phó GS.TS Nguyễn Bội Khuê, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về Điện-Điện tử cho biết, đây là một tiến bộ rất đáng chú ý của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời.

"Các nhà nghiên cứu thường chú ý đến phần lõi pin mà quên đi bề mặt, TS Nguyễn Trọng Hiếu đã có cái nhìn khác và thành công. Đây là một phát kiến đáng khen ngợi. Càng mừng hơn khi đó là thành quả sáng tạo của người Việt Nam" - Phó GS.TS Nguyễn Bội Khuê cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu chú trọng nghiên cứu cải tiến phần bề mặt pin thay vì phần lõi như cách làm truyền thống

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu chú trọng nghiên cứu cải tiến phần bề mặt pin thay vì phần lõi như cách làm truyền thống

Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng đây chỉ là phát kiến, còn để đi vào ứng dụng sản xuất thực tế sẽ còn là một con đường dài, cần thêm nhiều nghiên cứu rất dày công của nhóm nghiên cứu.

"Quan trọng là họ đã đi đúng đường. Tuy nhiên, mỗi năm có rất nhiều phát kiến mới về một cách thức can thiệp nào đó. Công nghệ pin mặt trời bây giờ cũng đã rất khác. Vì thế, để có thể đưa phát kiến này vào thực tế cần một sự nghiên cứu chế tạo rất dày công.

Ví dụ như, dù nhóm nghiên cứu này chế tạo được một tấm pin cho phép có hiệu suất cao hơn, tuổi thọ lâu hơn nhưng quan trọng là chi phí khi sản xuất hàng loạt. Các nhà kinh doanh họ sẽ cân đối giữa hiệu suất và chi phí xem có đáng để đưa vào ứng dụng và phát triển quy mô lớn hay không. Vì thế sẽ còn rất nhiều công việc mà nhóm này phải thực hiện. Phải nói rằng đó là những thách thức không nhỏ" - PGS.TS Khuê giải thích.

Ông Khuê phân tích thêm, về việc các tấm pin mặt trời phổ biến hiện nay có tuổi thọ khoảng 20 - 30 năm, sau thời gian này, các tấm pin lão hóa và cần thay thế, đây cũng là thách thức đáng kể đối với môi trường.

"Nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy cả giải pháp cho vấn đề đó. Họ có phương pháp khai thác triệt để và có phương pháp xử lý tấm pin khi đã trở thành rác, phần nào có thể tái chế, phần nào vứt bỏ, vứt bỏ sao hạn chế tối đa tác động đến môi trường.

Vì thế, nhóm nghiên cứu chắc sẽ phải tính đến cả những công đoạn này. Tính ứng dụng càng cao, đề tài khoa học càng hiệu quả. Nhưng dù sao, đây là thành tựu mà không phải nền khoa học nào cũng có thể làm được. Hy vọng rằng TS Hiếu tại Australia sẽ có được sự hỗ trợ tối đa để phát triển công trình của mình" - PGS.TS Khuê nhận định.

Minh Tuệ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/tien-si-viet-co-dot-pha-pin-mat-troi-khich-le-nhung-3375234/