Tiến sĩ Nhật Bản 'bày' cách hạn chế mâu thuẫn trong chung cư

Một khi cư dân có ý thức cao hơn về quyền tài sản và trách nghiệm của người làm chủ chính, sự tranh chấp, mâu thuẫn khi sống trong chung cư sẽ được hạn chế dần. Đó là bài học từ người Nhật.

Tiến sĩ Hirota Fushihara

Tiến sĩ Hirota Fushihara

Mâu thuẫn bùng nổ tại chung cư với các vấn đề ban quản trị, phí bảo trì đang ngày càng nảy sinh thêm nhiều tình tiết phức tạp. Lý giải nguyên nhân sâu xa dẫn đến các mâu thuẫn tại chung cư hiện nay, trong đó đặc biệt là mẫu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư, giữa cư dân với ban quản trị, ông Hirota Fushihara - tiến sĩ luật thực hành (J.D), chuyên gia pháp lý người Nhật đang sống và làm việc ở Việt Nam cho rằng, vấn đề mấu chốt là ý thức chưa cao của người dân Việt Nam về quyền tài sản.

Theo ông Hirota, sau khi dự án nhà chung cư được chủ đầu tư xây dựng xong và bàn giao cho cư dân, người dân chính là chủ sở hữu của dự án. Nhà chung cư là của cư dân, của những người sở hữu căn bộ, họ có toàn quyền quyết định mọi vấn đề hoạt động.

Trên nguyên lý đó, rõ ràng việc nhiều dự án chung cư tại Hà Nội hiện nay, cư dân đang "ỷ lại" vào chủ đầu tư trong việc thành lập ban quản trị, coi việc thành lập ban quản trị là trách nghiệm của chủ đầu tư là chưa thực sự hợp lý.

Pháp luật Việt Nam cũng nêu rõ, chủ đầu tư có nghĩa vụ tổ chức hội nghị cư dân lần đầu để thành lập ban quản trị. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư không thực hiện, người dân có quyền gửi đơn kiến nghị lên UBND phường yêu cầu chủ đầu tư tổ chức hoặc tự đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.

Như vậy, người dân hoàn toàn có thể thành lập ban quản trị mà không cần sự giúp đỡ của chủ đầu tư. Vấn đề đặt ra là cư dân chung cư phải ý thức cao hơn về quyền tại sản của mình, chính họ mới là chủ nhân thực sự của chung cư chứ không phải chủ đầu tư hay ban quản trị, ông Hirota khẳng định.

Về vấn đề nhiều ban quản trị hiện nay không công khai minh bạch trong hoạt động, đi ngược lại lợi ích của cư dân, vị chuyên gia pháp lý người Nhật này cho rằng, theo quy định, ban quản trị là cơ quan đại diện cho cư dân, chỉ hành động vì lợi ích và ý chí của cư dân.

Dẫn kinh nghiệm tại Nhật Bản, theo ông Hirota tại Nhật có một cơ quan gọi là "Tổ hợp tác quản lý nhà chung cư" để quản lý các vấn đề của nhà chung cư.

Tổ hợp tác quản lý nhà chung cư bao gồm hội nghị cư dân và ban quản trị. Trong đó, hội nghị cư dân là cơ quan cao nhất có quyền quyết định mọi việc và bầu ra ban quản trị. Ban quản trị là cơ quan thực hiện mọi quyết định theo yêu cầu của hội nghị cư dân, theo nghị quyết của hội nghị cư dân.

Quy định của pháp luật Việt Nam cũng giống như vậy, tuy nhiên trong thực tế, hội nghị cư dân và ban quản trị tại Việt Nam chưa được "bao quanh" bằng một tổ hợp tác quản lý chung. Hai cơ quan là hội nghị cư dân và ban quản trị còn khá mơ hồ, chưa rõ ràng trong chức năng nhiệm vụ. Đó chính là lý do khiến ban quản trị tại nhiều dự án "một tay che cả bầu trời", hoạt động đi ngược lại với quyền lợi của cư dân, gây nên nhiều mâu thuẫn như trong thời gian vừa qua.

Cuối cùng, vẫn là ý thức của từng cư dân về quyền làm chủ của mình tại dự án nhà chung cư. Ở Nhật Bản, rất ít xảy ra các tranh chấp chung cư do người dân luôn đề cao trách nghiệm của mình, hành động vì quyền lợi của mình. Tại một chung cư mà cư dân không làm chủ lại để ban quản trị làm chủ thì rất phi lý, ông Hirota nhấn mạnh.

Theo Thu Phương/The Leader

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/tien-si-nhat-ban-bay-cach-han-che-mau-thuan-trong-chung-cu-95201.html