Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Doanh nhân binh nhì hiến dâng cho giáo dục

Trong ông, trái tim đích thực của người lính Cụ Hồ và khối óc là của một nhà tri thức, một doanh nhân thức thời và luôn trăn trở vì sự tiến bộ của nền giáo dục nước nhà.

"Doanh nhân binh nhì hiến dâng cho giáo dục" là lời tự bạch của doanh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận, ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhân lực LADECO, đồng Chủ tịch HĐTQ Đại học Nguyễn Trãi.

Thời trai trẻ của doanh nhân Nguyễn Tiến Luận là ở chiến trường - nơi có biết bao đồng đội của ông đã chiến đấu anh dũng và nằm xuống để đất nước được hòa bình, độc lập. Và với ông, được sống trở về không chỉ là hạnh phúc, mà là cơ hội tiếp tục cống hiến và ước vọng cho mình và cho cả những đồng đội đã hy sinh.

Sau khi rời quân ngũ, ông được Nhà nước cử sang Đức học, rồi trở về công tác trên các lĩnh vực bảo tàng, báo chí, mỹ thuật. Ông có nhiều cơ hội để phát triển thành nhà quản lý cao cấp nhưng những cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước đã đưa người lính binh nhì thành một doanh nhân thành đạt.

Ông đã chọn "Vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam" làm đề tài tiến sĩ và cũng từ đó, doanh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận chọn cho mình lĩnh vực giáo dục để cống hiến, như một sự tri ân: "Khát vọng lớn nhất của đời tôi là sống để trả nợ và tri ân đồng đội. Phần thưởng lớn nhất của đời tôi là sinh viên thành đạt. Mong muốn lớn nhất của đời tôi là giúp sinh viên thành công nhanh hơn Thầy”.

Ông chia sẻ việc ông đầu tư vào giáo dục là điều ít ai ngờ tới, bởi vì đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác sẽ thu lại lợi nhuận cao hơn nhiều. Nhưng hơn bao giờ hết, ông mong muốn được làm người Thầy dành tất cả tâm huyết của mình cho các em sinh viên, để tự cho mình thêm một cơ hội góp phần cải thiện, nâng cao nền giáo dục nước nhà và để thực hiện ước mơ của những người đồng đội ông ở tuổi 18, đôi mươi khi xưa.

Đại học Nguyễn Trãi mà doanh nhân Nguyễn Tiến Luận sáng lập vừa kỷ niệm 10 năm thành lập, với những nụ cười rạng rỡ cùng lời ca do chính Thầy Luận sáng tác cho mái trường thân yêu của mình. Mới chỉ 10 năm, nhưng Đại học Nguyễn Trãi đã thực sự là một trường đại học ứng dụng với giá trị cốt lõi chất lượng cao, sáng tạo, trách nhiệm và phát triển bền vững.

 Đại học Nguyễn Trãi kỷ niệm 10 năm thành lập

Đại học Nguyễn Trãi kỷ niệm 10 năm thành lập

Thầy Luận đã tiên phong đưa mô hình ứng dụng vào để thực hiện cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm, điều mà mô hình giáo dục đại học truyền thống tại Việt Nam đang hết sức loay hoay. Ngay từ năm 2013, Thầy Luận đã cùng các thầy cô áp dụng mô hình “đào tạo kép”: Phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… để cùng giảng dạy sinh viên và đưa sinh viên đi thực tế tại các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, qua đó, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tiễn, trau dồi kỹ năng thực hành. Mô hình này ngày càng được nhân rộng, không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn với rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Canada, Nhật, Hàn Quốc.

Với quan điểm "cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống và vì thế xã hội ngày càng có nhu cầu và đòi hỏi khác biệt, khắt khe hơn đối với ngành giáo dục", doanh nhân Nguyễn Tiến Luận luôn hào hứng áp dụng các phần mềm ứng dụng trong việc học tiếng Anh và học kế toán cho nhà trường, như Ứng dụng học tiếng Anh online Success Reading Test (SRT), Mô hình Kế toán thực tế trong doanh nghiệp MISA…

Dưới sự dẫn dắt của doanh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận, năm 2017, Đại học Nguyễn Trãi là tổ chức duy nhất trở thành thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham). Trường đã trở thành nơi đào tạo và cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, qua đó mở ra mô hình đào tạo và xuất khẩu lao động tại chỗ ở Việt Nam. Trước đó, Đại học Nguyễn Trãi cũng đã từng nằm trong danh sách các trường quốc tế được một tập đoàn của Úc muốn mua cổ phần nhưng lời tri ân đồng đội đã giữ lại ngôi trường ở lại cùng Thầy Luận. Thầy nói đùa: "Tôi phải từ chối bán vì nếu không, tôi sẽ thất nghiệp".

Hiếm có ai nghĩ, một trường ngoài công lập lại có những việc làm đền ơn đáp nghĩa, sẻ chia thân ái như Đại học Nguyễn Trãi. Dấu ấn người lính Cụ Hồ vẫn vẹn nguyên trong doanh nhân Nguyễn Tiến Luận.

Đó là những suất học bổng giành cho con em người lính hải quân, con cháu 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 húc đổ Dinh Độc lập.

Bốn chiến sĩ lái chiếc xe tăng 390 năm xưa chụp ảnh lưu niệm cùng TS. Nguyễn Tiến Luận. Nguồn: Internet.

Đó cũng là những chuyến đi để Thầy Luận về thăm những mảnh đời bất hạnh nhưng đầy nghị lực vươn lên mà gần đây nhất là chuyến thăm và tặng quà cho thầy giáo tật nguyền Phùng Văn Trường tại Nhân Lý, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội.

Và đó cũng là mong muốn sinh viên nỗ lực cố gắng để vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, mong muốn được trao thật nhiều học bổng cho sinh viên đạt thành tích xuất sắc luôn có trong trái tim người lính Cụ Hồ Nguyễn Tiến Luận.

Những ai thường xuyên theo dõi trên diễn đàn giáo dục sẽ thấy một Thầy Luận luôn trăn trở và tâm huyết đóng góp ý kiến cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Ý kiến của ông được truyền tải tới nhiều các cơ quan chức năng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ Tịch nước, Văn phòng Quốc hội, trong đó có ý kiến "cởi trói" thi tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ tiết kiệm được 2500 tỷ trong 1 năm. Đại diện của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng vừa tiếp và lắng nghe ý kiến tâm huyết của ông để làm sao có thể giảm bớt chi phí cho giáo dục. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã đánh giá cao các mô hình đào tạo thực tế như Đại học Nguyễn Trãi, đồng thời nhấn mạnh “Việt Nam sẽ sở hữu các trường tư thục phát triển giống như các nước tiên tiến trên thế giới”.

Coi giáo dục như một nhà máy, doanh nhân binh nhì Nguyễn Tiến Luận mong muốn một dây chuyền dài sản xuất về tri thức con người. Dự án Khu đô thị Đại học thông minh Quốc tế với quy mô 34 ha tại phường Kiến Hưng và phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội mà Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhân lực LADECO do ông làm Chủ tịch HĐQT đang thực hiện được dự báo sẽ trở thành một tổ hợp giáo dục, nhà ở 5 sao, thu hút tài nguyên chất xám ở nước ngoài tìm đến, và trở về Việt Nam làm nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy góp phần tạo sự phát triển cho nền giáo dục Việt Nam thời gian tới.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hoat-dong-hoi/tien-si-nguyen-tien-luan-doanh-nhan-binh-nhi-hien-dang-cho-giao-duc-1426.html