Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức trấn giữ biên cương phía Bắc triều Lê - Trịnh

Nguyễn Duy Thức người xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con trai trưởng của cụ Kiều Nhạc Hầu Nguyễn Đoát. Nguyễn Duy Thức sinh ngày 23 tháng 11 năm Giáp Dần (1734), mất năm Nhâm Dần (1782), thọ 49 tuổi.

Bia niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763) hiện đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi tên Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, thân phụ ông vốn dòng Nho giáo, rất chăm chỉ học hành, theo đuổi nghiệp khoa cử. Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Duy Thức được cha kèm cặp, dạy dỗ nên nổi tiếng thông minh. 5 tuổi, Nguyễn Duy Thức đã biết đọc sách, 7, 8 tuổi đã thông kinh, sử. Khi đó, mọi người đều coi ông như là Thần đồng.

Nguyễn Duy Thức tham gia khoa trường từ rất sớm, khi 14 tuổi vào ứng thí khoa thi Hương năm Quý Dậu (1753). Đến khoa thi Hương Kỷ Mão niên hiệu Cảnh Hưng thứ 20 (1759), năm ông 26 tuổi thi trúng tứ trường, đỗ Hương cống. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Duy Thức đã bước vào con đường quan chức.

Sau thời gian ngắn giữ chức Tri huyện, Nguyễn Duy Thức lại tiếp tục ứng thí kỳ thi Hội năm 1763. Bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24, trên tấm bia được dựng vào ngày mồng 2 tháng 12 cùng năm do Lê Quý Đôn vâng Sắc soạn, hiện còn được bảo tồn ở Quốc Tử Giám Hà Nội, chép rõ: Nguyễn Duy Thức đứng thứ hai trong năm người đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Tháng 10 năm 1763, Nguyễn Duy Thức được "nhà vua triệu về kinh nhậm chức Lễ bộ Cấp sự trung hành Hải Dương đạo, Giám sát Ngự sử. Chức vụ này khá nhàn tản, ông mở quán dạy học, có tới 500 học trò, trong đó có 5 người đỗ Tiến sĩ và trên 100 người đỗ Hương cống".

Nguyễn Duy Thức bắt đầu con đường hoạn lộ với chức Cấp sự trung bộ Lễ, được cử làm Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, có trách nhiệm: "Xét hỏi các vụ kiện do Ngự sử đài duyệt lại, để trình lên quan bản đài xét xử và cuối năm trình bày về chính sự hiện thời".

Năm 1768, Nguyễn Duy Thức được trao chức Đốc đồng kiêm Tham hiệp nhung vụ (phụ trách quân sự) ở các xứ Hải Dương, Yên Quảng. "Dân chúng tại các địa phương này sống gần biển nên phong tục còn thô lậu, kiêu bạc, ông dùng ân nghĩa phủ dụ ổn thỏa, vùng đất trở lại thanh bình".

Năm 1772, Nguyễn Duy Thức được điều sang giữ chức Đốc đồng Cao Bằng. Năm 1776, với nhiệm vụ trấn thủ biên ải, ông đã dẹp yên vụ nổi loạn của cha con Hoạch Tình ỷ thế cường hào gây rối. Sau thắng lợi của sự kiện này, ông được triều đình Lê - Trịnh thăng lên Hàn lâm viện Đãi chế, hàm tòng Lục phẩm. Sau đó, ông lại chỉ huy đội quân bản bộ cùng các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng tiêu diệt và bắt sống bọn giặc phương Bắc do Lý Đức Dụ cầm đầu xâm lấn biên cương phía Bắc nước ta. Khi đó, một vị quan ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) đã tặng ông câu đối:

Phiên âm:

Thanh danh trực ải xưng dương ngoại,

Phàm thái trường huyền tưởng vọng trung.

Dịch nghĩa:

Tên tuổi (của ông) nổi tiếng ra ngoài biên ải,

Tất cả vùng đất, đều tôn kính tưởng nhớ (đến ông).

Hải Dương, Yên Quảng, Cao Bằng là những vùng trọng yếu của biên cương phía Đông Bắc, phía Bắc Đại Việt nửa cuối thế kỷ XVIII. Đương thời, mỗi trấn đều có một viên quan võ giữ chức Trấn thủ có nhiệm vụ kiềm chế ngăn chặn bọn cướp, một viên quan văn là Đốc đồng khảm hỏi các việc kiện tụng về trộm cướp. Hai quan này thuộc trấn ty có chức hàm ngũ, lục phẩm mới được bổ dụng. Nguyễn Duy Thức được bổ dụng chức Đốc đồng vào thời điểm 1768 - 1776, vì khi ông đảm nhiệm hành Giám sát ngự sử đạo Hải Dương thì thường xuyên phải thực thi công việc "xét xử các vụ kiện do Ngự sử đài duyệt lại". Nguyễn Duy Thức chuyên trách giám sát, xét xử kiện tụng tại Hải Dương trong một thời gian, cho nên rất am tường xử lý án tụng.

Khoảng thời gian nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1776) của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, với tính cách cương trực, không chịu xu phụ, Nguyễn Duy Thức bị bọn cận thần trong triều gièm pha, vu cáo làm thất thoát thuế công. Nhà vua cách mọi chức tước, cho ông về quê. Ông cũng điềm nhiên về phụng dưỡng cha già, không cầu cạnh.

Năm 1778, bọn phỉ Hải Dương là Quận Mèo làm phản, tập hợp đến vài vạn tên, vây hãm thành ấp. Cả vùng phía Đông Nam rối loạn, triều Lê - Trịnh cử quân đánh dẹp nhưng đều bị thất bại, khiến cho kinh thành Thăng Long không được yên ổn.

Nhà vua biết Duy Thức là người có tài, nhiều năm trấn trị, nắm vững dân tình, liền sai sứ đến nhà, triệu ông về kinh hỏi kế sách chống giặc. Ông trình bày mọi kế sách, nhấn mạnh cách dùng tâm công (đánh vào lòng người) làm thượng sách. Nhà vua cho phục hồi mọi chức tước như trước, đồng thời đặc sai ông giữ chức Chiêu thảo sứ các đạo Hải Dương, Sơn Nam, Yên Quảng. Triều đình cho phép ông được tập hợp binh đinh, tự liệu lương thảo, đánh giặc lập công. Nhân lúc công việc nhàn rỗi, ông chiêu tập được mấy nghìn quân.

Sau khi đã rèn tập và chuẩn bị lương thực đầy đủ, ông đem quân tiến đánh xuống phía Đông Nam. Trên đường tiến quân, ông công bố hịch tới các quận, huyện, dùng uy đức của triều đình hiểu dụ quân địch. Uy danh và ân đức của ông khiến nhiều người trong hàng ngũ giặc cảm phục và quy hàng, tự nguyện tham gia dẫn đường dẹp giặc. Tướng giặc thua, chạy trốn vào tận Gia Định, vùng Đông Nam được trở lại thanh bình.

Nhà vua được tin, khen thưởng và lại giao cho Nguyễn Duy Thức chức Hiệp trấn xứ Thái Nguyên. Khi đó, vùng Thái Nguyên có nhiều cường hào như tên Trung úy Thống tướng Phi... cậy quyền thế, ngang nhiên cướp bóc tài sản của dân. Sau khi tìm hiểu hiện trạng, ông đem hơn 10 nghìn quân đi đánh dẹp, kết hợp với phủ dụ tại vùng núi Tam Đảo, ít lâu sau, đất Thái Nguyên được yên ổn.

Một trang trong gia phả họ Nguyễn viết về Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức, người làng Vọng Nguyệt, Yên Phong, Bắc Ninh.

Năm 1780, ông trở về kinh giữ chức Tri lại phiên. Năm sau, ông lại được triều Lê - Trịnh điều chuyển sang giữ chức Hành Trấn thủ Hưng Hóa, tức là Quyền Trấn thủ - Quan đứng đầu phụ trách một trấn.

Một trong những nguyên nhân thành công bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của triều Lê - Trịnh vào thế kỷ XVII - XVIII, là rất chú trọng tăng cường năng lực quản lý biên cương cho đội ngũ các viên quan trấn trị các tỉnh biên giới. Những người được chọn đảm đương chức vụ biên thần đều là các vị quan có đạo đức và kinh nghiệm trấn trị.

Nguyễn Duy Thức trong quá trình làm quan đã thể hiện năng lực xuất sắc trong việc phủ dụ, an dân, được các quan đồng liêu mến mộ. Do vậy, ông nhanh chóng được bổ nhiệm chức vụ cai quản toàn trấn Hưng Hóa.

Sau những năm tháng trấn trị nhiều vùng trọng yếu phía Bắc của biên cương Đại Việt, quan Trấn thủ Nguyễn Duy Thức được triều đình khảo xét thành tích và được thăng chức Hàn Lâm viện Thị thư, hàm chánh Lục phẩm.

Sau nhiều năm làm quan, thấy xã hội đương thời nhiễu nhương, quá nhiều tiêu cực, quyền thần lũng đoạn triều đình, năm 1781, chán cảnh quan trường, nhân việc mắc bệnh, Nguyễn Duy Thức liền cáo quan về nghỉ, thực hiện ước vọng của mình dạy học để truyền bá kiến thức cho lớp trẻ.

Năm 1782, ông từ trần tại Thăng Long, hưởng thọ 49 tuổi. Gia phả đã dành những dòng trân trọng như sau: "Ông làm quan 20 năm, suất trấn anh hùng, tham gia chính sự đảm nhiệm nhiều chức vụ, ông giữ lòng luôn trong sạch... Việc của ông tuy thê thiếp thân thuộc cũng không can dự vào. Thường bổng lộc dư thừa, ông đều đem phân tán hết cho người thân hoặc hậu đãi binh lính. Nhà ông không tàng trữ của cải, chỉ có 20 mẫu ruộng".

Trong cuộc đời làm quan, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức đã dành những năm tháng tuổi trẻ sung sức, tràn đầy tinh lực và hoài bão cống hiến cho việc trấn trị miền biên cương phía Bắc Tổ quốc. Ông để lại một chính tích vẻ vang, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ vùng biên và giữ gìn an ninh biên giới của chính quyền Lê - Trịnh ở nửa cuối thế kỷ XVIII.

Ông xứng đáng được tôn vinh trong gia tộc và trong lịch sử dựng nước, giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam.

TS. Nguyễn Hữu Tâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tien-si-nguyen-duy-thuc-tran-giu-bien-cuong-phia-bac-trieu-le-trinh/