Tiến sĩ ngày xưa bị giáng chức nếu trình độ yếu kém

Dưới thời phong kiến, dù đỗ đạt cao, được triều đình bổ dụng làm quan, tiến sĩ vẫn bị giáng chức, trách phạt nếu không vượt qua được các kỳ thi 'sát hạch' của nhà vua.

Nhà sử học đánh giá về khoa cử Việt Nam xưa qua mộc bản Triều Nguyễn Mộc bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử giá trị về nền khoa cử Việt Nam xưa.

Triển lãm "Khoa cử Việt Nam xưa trong di sản tư liệu thế giới" với hơn 50 tài liệu trích từ bia tiến sĩ, mộc bản, châu bản triều Nguyễn diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, từ 5/3 đến 5/4, đã khái quát rõ nét nền khoa cử của Việt Nam xưa.

Đặc biệt, nội dung mộc bản đã hé lộ việc "kiểm định" tiến sĩ xưa qua việc thi Nho thần ở thời vua Lê Thánh Tông. Đây là bài thi để kiểm định lại trình độ của những người đã đỗ đạt làm quan.

Trao đổi với Zing.vn, GS sử học Lê Văn Lan cho biết tiến sĩ thời xưa đỗ đạt ra làm quan phải chịu sự giám sát của triều đình và nhân dân suốt đời.

''Thi Nho thần ở Phượng Nghi đường. Nhà vua cho triệu những người trước đã đỗ tiến sĩ, đang làm việc ở các nha môn là Lê Đình Tuấn cùng với bí thư giám là Lương Thế Vinh, cộng 30 người, đến Phượng Nghi đường. Nhà vua ra đầu bài để khảo thí. Trong số ấy có thị chế Dương Như Châu vì học nghiệp không tiến, phải xuất ra làm Hồng lô tự thừa'', trích dịch từ mộc bản Triều Nguyễn.

 Bản dập mộc bản triều Nguyễn nhắc tới việc thi Nho thần. Ảnh: Ngọc Tân.

Bản dập mộc bản triều Nguyễn nhắc tới việc thi Nho thần. Ảnh: Ngọc Tân.

Theo dịch giả Nguyễn Xuân Hồng, người chuyên tìm hiểu về lịch sử giáo dục Nho học, thi Nho thần thực ra là kỳ sát hạch, khảo hạch kiến thức Nho học đối với những người đã làm quan xem có sự tăng tiến không? Nho là Nho học, Thần là "cận thần", những người làm quan.

''Vua thỉnh thoảng sẽ yêu cầu các quan phải khảo thí, đích thân vua ra đề và đánh giá. Việc này nhằm mục đích khích lệ những người đã ra làm quan phải luôn rèn luyện tu thân, đồng thời cũng răn đe những người lười nhác'', dịch giả Xuân Hồng chia sẻ.

Như vậy, học vị tiến sĩ từ xưa đã không mang ý nghĩa bất biến, không phải chỉ cần thi đỗ rồi ngừng học tập thì vẫn giữ mãi được danh phận. Người đứng đầu triều đình vẫn tổ chức những cuộc ''khảo thí'' chất lượng tiến sĩ và những kẻ học nghiệp không có sự tiến bộ sẽ bị giáng chức hoặc bắt thi lại.

GS Lê Văn Lan cho biết: ''Hầu hết bia tiến sĩ ở văn miếu đều có một phần nội dung nhắc nhở những người đã đỗ đạt, nếu không muốn hổ danh thì hãy đến xem lại bia để tích đức tu thân, trau dồi kiến thức''.

Thi tiến sĩ thời Hậu Lê. Tranh vẽ năm 1658 của Samuel Baron. Nguồn ảnh: Sách Lối xưa xe ngựa của TS Nguyễn Thị Chân Quỳnh.

Bên cạnh việc kiểm định tiến sĩ, nền giáo dục thời xưa cũng có những hình phạt cho sĩ tử không tu chí học hành. Mộc bản ghi rõ: ''Phải tuân theo học quy, luyện tập văn bài, đợi khi thành tài để Nhà nước sử dụng. Người nào dám chạy chọt cầu may, rong chơi ngoài đường, bỏ trễ việc học, thiếu một lần điểm mục thì phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu 2 lần thì phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu 3 lần thì đánh 40 roi, thiếu điểm mục 4 lần thì kiểm xét tâu lên giao cho Hình bộ xét hỏi, thiếu điểm mục một năm thì tâu lên bắt sung quân''.

Nước ta bắt đầu thi Nho học từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông. Đến năm 1442, triều Lê Sơ tổ chức khoa thi tiến sĩ đầu tiên của triều này. Đây là khoa thi do triều đình chỉ đạo, trực tiếp là vua, có một số đại thần giúp việc đứng ra tổ chức.

''Tháng 3, mùa xuân. Thi đối sách để tuyển lấy tiến sĩ. Trước kia, đã bàn đặt khoa tiến sĩ, đến đây, cho vào điện đình để thi đối sách, ban cho từ nguyễn Trực trở xuống 33 người đỗ tiến sĩ cập đệ, xuất thân, đồng xuất thân có khác nhau. Lại sai dựng bia khắc bài văn nói về việc mở khoa thi tiến sĩ và đề tên những người đã đỗ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây'', trích dịch từ mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Mộc bản triều Nguyễn là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời phong kiến. Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào ngày 31/7/2009. Đây là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Nhà bác học Phan Huy Chú đã mô tả lại quang cảnh một buổi thi tiến sĩ trong bài Nghi thức thi Đình như sau: "Đặt ngai vua ở chính giữa điện Kính Thiên… để quyển thi, bút và nghiên mực ở trên bàn… bày lều thi và quyển thi ở hai bên sân rồng… Vua đội mũ xung thiên mặc áo bào vàng, đai ngọc, lên ngồi ngự tọa… Hai viên Tự ban dẫn các sĩ nhân vào giữa ngự đạo, đứng sắp hàng hai bên".

"Khi xướng 'Quỵ', các sĩ nhân đều quỳ. Lễ quan tâu: 'Những sĩ nhân trúng thức kỳ thi Hội này là bao nhiêu người, tên là gì, vâng vào Điện thí'... Tự ban xướng: 'Khấu đầu'. Các quan Đề điệu, Tri cống cử, Giám thí đưa quyển thi, bút, nghiên, mực cho sĩ nhân xong, lại lui ra đứng chỗ cũ… Quan Tuần xước dẫn các sĩ nhân ra ngồi ở lều thi...'', Trích từ cuốn sách Lối xưa xe ngựa của TS Nguyễn Chân Quỳnh.

Ngọc Tân
Video: Báo Nhân Dân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tien-si-ngay-xua-bi-giang-chuc-neu-trinh-do-yeu-kem-post824470.html