Tiến sĩ 'khai khoa lục tỉnh' Lê Thiện Trị

Trong lịch sử khoa bảng dưới triều Nguyễn (1802 - 1919), Quảng Nam nổi lên là một trong những xứ sở địa linh nhân kiệt với nhiều nhân vật giỏi giang, đóng góp tài năng và trí tuệ cho quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Trong đó, phải kể đến tiến sĩ Lê Thiện Trị, là bậc nhân sĩ khai khoa cho dải đất 6 tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận.

Trong lịch sử khoa bảng dưới triều Nguyễn (1802 - 1919), Quảng Nam nổi lên là một trong những xứ sở địa linh nhân kiệt với nhiều nhân vật giỏi giang, đóng góp tài năng và trí tuệ cho quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Trong đó, phải kể đến tiến sĩ Lê Thiện Trị, là bậc nhân sĩ khai khoa cho dải đất 6 tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận.

Nhà thờ Tiến sĩ Lê Thiện Trị tại khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, H. Duy Xuyên.

Nhà thờ Tiến sĩ Lê Thiện Trị tại khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, H. Duy Xuyên.

Con đường học hành, khoa bảng

Lê Thiện Trị sinh năm Bính Thìn (1796), là người thôn Tây Trung An, xã Long Phước Đông, tổng Mỹ Khê, H. Duy Xuyên, phủ Điện Bàn (nay thuộc thị trấn Nam Phước, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha và ông nội đều là những vị nho sĩ đỗ tú tài. Cha ông từng được bổ làm tri huyện Hòa Vang. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, học rộng, hiểu biết về lẽ đời, từ thuở thiếu thời đã hình thành trong ông tính cách cương trực ngay thẳng, có ý chí.

Năm 17 tuổi, Lê Thiện Trị thi đỗ tú tài, là một trong số ít những sĩ tử đỗ tú tài ở tuổi nhỏ tại H. Duy Xuyên thời bấy giờ. Tuy nhiên liên tiếp 4 khoa thi Hương sau ông đều thi trượt. Với ý chí "bại mà không nản", ông tiếp tục dùi mài kinh sử, đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), ông đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Điểm đặc biệt là trước ông, dải đất rộng lớn từ Quảng Nam đến Ninh Thuận chưa có một sĩ tử nào đỗ Tiến sĩ. Vì thế ông được xem là vị Tiến sĩ khai khoa, mở mang con đường khoa cử, học vấn đỗ đạt cho vùng đất quê hương Quảng Nam nói riêng và lục tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận nói chung. Càng đặc biệt hơn nữa khi ông được đích thân vua Minh Mạng ban cho cờ hiệu 6 chữ "Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh". Hiện nay, tên tuổi của Lê Thiện Trị vẫn còn lưu dấu, khắc tên tại Văn Thánh Miếu ở TP Huế.

Con đường hoạn lộ và những đóng góp cho quê hương

Với tài năng, đức tính thanh liêm, suốt 15 năm quan trường, ông được thăng tiến liên tục từ chánh thất phẩm lên tòng nhị phẩm, trải qua các chức vụ từ khởi bổ Hàn lâm viện biên tu đến chức Tuần phủ Thuận Khánh. Dù ở cương vị nào, ông cũng mang trí lực cống hiến cho quê hương, đất nước, được người dân yêu mến, cấp trên nể phục. Đặc biệt, trong thời gian làm tuần phủ Thuận Khánh, ông ra sức giúp đỡ, khuyến khích nhân dân làm ăn, an cư lập nghiệp. Trong một năm gặp phải hạn hán, mất mùa, nhân dân đói khổ, Lê Thiện Trị đã tự ý xuất ngân khố, lương thực cứu giúp nhân dân mà chưa có sự đồng ý của triều đình. Khi bị cấp trên kiểm tra và phát hiện sai phạm, ông bị tịch thu hết gia sản và giáng chức làm thứ dân. Tuy thi hành kỉ luật, nhưng sau khi truy xét rõ ràng, triều đình không thấy dấu hiệu nhũng nhiễu, lạm quyền nên ông được tha tội và giữ được tên tuổi trên bia tiến sĩ ở Văn Thánh. Thời gian sau, khi mọi chuyện dần lắng xuống, xét thấy ông là người nhân đức, có công lao với nước và yêu thương dân chúng, triều đình tiếp tục bổ dụng lại phẩm hàm chức quan như cũ. Tuy vậy, vì quá chán nản với chốn quan trường phức tạp, ông xin triều đình cáo quan về quê dạy học.

Sau khi từ bỏ chốn quan trường về quê an dưỡng tuổi già, ông lại tiếp tục cống hiến sức lực của mình với quê hương Quảng Nam. Được dân chúng tin tưởng, yêu quý, ông đứng ra vận động xây dựng Văn Thánh H. Duy Xuyên, qua đó khơi dậy truyền thống học hành khoa bảng của con em trong huyện. Tiếp nối truyền thống từ gia đình, sau khi ông qua đời (1872), con cháu ông đều tham gia phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam. Trong đó, người con thứ hai lập được nhiều công trạng được vua Hàm Nghi ban thưởng, châu phê "phụ từ tử hiếu", phong chức Chủ sự với hàm lục phẩm. Hiện nay, ở Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) và H. Duy Xuyên có một con đường mang tên Lê Thiện Trị...

Để tưởng nhớ công lao của vị Tiến sĩ khai khoa, năm 2010, chính quyền H. Duy Xuyên đã thành lập quỹ học bổng Lê Thiện Trị trao tặng những phần quà ý nghĩa cho các em học sinh, sinh viên có thành tích học tập giỏi, xuất sắc trên địa bàn. Qua đó, động viên phong trào học tập của con em trong huyện như trước đây ông đã từng vận động, thực hiện sôi nổi và thành công.

Ngọc Quốc

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_205846_tien-si-khai-khoa-luc-tinh-le-thien-tri.aspx