Tiến sĩ Giáo dục Thụy Anh: 'Để cây hường nở ra hoa hường, cây lan nở ra hoa lan'

Ngay sau khi từ Nga trở về nước, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã có rất nhiều đóng góp cho việc hình thành lên tư duy giáo dục tích cực qua các cuốn sách đã được in, những mô hình giáo dục hiện đại do chị sáng lập và điều hành. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ cùng Tinh Hoa Việt những trăn trở của mình về giáo dục trước thềm năm học mới:

1. “Câu chuyện học vì cái gì, học để làm gì thì chúng ta lâu nay nói đến nhiều rồi. Theo quan sát của tôi, cũng đã rất nhiều phụ huynh biết khuyến khích con tham gia vào cuộc sống, học để phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của mình, trau dồi kỹ năng sống và đón nhận giá trị sống thông qua những bài học nho nhỏ trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, câu chuyện điểm số vẫn là một cuộc chạy đua của bố mẹ và con. Rõ ràng, điểm thấp thì sao mà đạt được những cái mốc cơ bản mà cả nhà đặt ra cho… con mình! Tôi thấy chia sẻ được với các bố mẹ nỗi lo hay ngược lại, niềm tự hào ấy, lên xuống theo bảng điểm của con. Điều này cũng rất tự nhiên.

Cá nhân tôi thì đã bắt đầu thấy bình tĩnh khi nhìn vào thành tích và điểm thi của con. Cha mẹ chỉ có thể hỗ trợ, ủng hộ con, tạo điều kiện để con học, khuyến khích con khi con yêu thích học một môn nào đó chứ khó có thể cố gắng “ủn” thành tích của một người đang trì lại, mất động lực học, hoặc chán học. Tôi sẵn sàng chấp nhận con theo đúng bản chất con người nó: có chút mơ mộng, ngơ ngác, logic khá phức tạp và không thích học Toán (cười). Mặc dù trước đây, ngày còn đi học, tôi là người “chuyên đi thi” và số đỏ với các cuộc thi, rất hay được giải Nhất, thì tôi vẫn có đủ sự bình tĩnh khi thấy con tôi không hứng thú thi đua, giải thưởng, cạnh tranh, tôi chấp nhận cái cách nó nhìn nhận việc học và những cuộc thi, chấp nhận khả năng riêng và thái độ của nó đối với các môn học. Thế giới bây giờ đã khác so với thế giới của chúng tôi ngày xưa. Bọn trẻ có không ít lựa chọn để vào đời. Nhìn rộng ra, với nguồn thông tin dồi dào, phong phú, đa chiều, các gia đình cũng như chính các bạn trẻ đã bắt đầu tự tìm kiếm cho mình những hướng đi khác, không còn răm rắp triệu người như một nữa”.

2. “Trong mớ rối bòng bong của các vấn đề giáo dục bây giờ, các bậc phụ huynh phần lớn cũng bị nằm trong một sự giằng xé. Không cho con học thêm, không chạy trường tốt thì lo sợ cho tương lai của con mình. Một mặt, họ vẫn rất có ý thức về những áp lực con đang phải chịu chứ không phải chỉ nghĩ đến kỳ vọng của mình đâu. Thêm nữa, họ còn chịu áp lực từ đám đông mà chính họ cũng góp mặt. Ở Việt Nam, tôi thấy áp lực đám đông luôn quá lớn.

Tôi nghĩ, để giải quyết vấn đề tận gốc phải là sự bình tĩnh trở lại của xã hội, tìm một thái độ ứng xử hợp lý hơn trong vấn đề nuôi dạy trẻ và nghĩ đến tương lai của trẻ.

Với xã hội, cần điều chỉnh lại về mặt … truyền thông. Những thông tin tiêu cực tràn ngập trên mặt báo gần đây về ngành giáo dục đều cho thông điệp đáng lo ngại. Tôi có cảm giác, tất cả chúng ta đang “sống trong sợ hãi”, và sợ hãi lẫn nhau. Thày cô thì sợ Ban giám hiệu, sợ các chỉ tiêu áp xuống, sợ không hoàn thành tiến độ bài giảng mà ai đó đã đặt ra thay họ, không cần biết đối tượng học, tốc độ tiếp thu của mỗi đứa trẻ, mỗi tập thể, mỗi đơn vị, thậm chí mỗi địa phương là khác nhau. Các phụ huynh thì sợ cô giáo, sợ cô không hài lòng sẽ làm con tổn thương. Đồng thời các thày cô cũng sợ những đòi hỏi, yêu cầu đôi khi chưa hợp lý của bố mẹ các em, rồi phải đối mặt với những phê phán, kêu ca ồn ào sau những sự việc không vui được các phương tiện truyền thông đưa tin cấp tập.

Trẻ em thì sợ… cả nhà trường lẫn bố mẹ. Tôi cứ tự hỏi, tại sao vậy? Tại sao chúng ta không thể bình tĩnh hơn để gỡ bỏ những nỗi sợ một cách hiểu biết? Đó là vì chúng ta mới chỉ phê phán, lên án, khép tội, kỷ luật mà chưa có cách tháo gỡ bằng… học tập. Xã hội cổ súy cho “học tập trọn đời” nhưng nội dung kiến thức đôi khi lại xa lắc, không mấy gần gũi với những điều mà người dân đang thiếu, cần được lấp đầy, bổ sung: đó là quyền trẻ em, tâm lý trẻ em theo độ tuổi, cách trò chuyện, tiếp cận với trẻ thế nào là đúng, cách thưởng phạt thế nào thì hiệu quả..v..v..

Về phía nhà trường, việc giảm tải nội dung học, thay đổi phương pháp dạy học là điều cần thiết hơn lúc nào hết. Nhưng song song cũng phải giảm tải cả việc thi cử nữa. Nếu vẫn còn quá nhiều các cuộc thi thì trẻ vẫn bị áp lực và bố mẹ thì vẫn cứ chạy đua. Học nhẹ đi mà thi vẫn nặng thì áp lực ấy còn kinh khủng hơn. Đôi khi, tôi thấy nó như đám mây đen lơ lửng trên thế giới tuổi thơ của trẻ con chúng ta vậy. Ngay cả việc thi học kỳ, trước kia chỉ có thi học kỳ I, học kỳ II, giờ thêm hai đợt thi giữa kỳ nữa. Có cảm giác, việc học của trẻ trong năm triền miên với mục đích trả thi. Việc thi cử sẽ mất đi bản chất tốt đẹp của nó là để trẻ tự đánh giá mình, thày cô đánh giá việc dạy học, truyền đạt của mình, đồng thời tạo động lực học cho học sinh. Áp lực này cũng lại đè nặng lên cả thày cô, trẻ con và bố mẹ chúng”.

3. “Tôi ước sao xã hội chúng ta thêm nhiều người nhìn nhận lại việc giáo dục trẻ. Nó cần bắt nguồn từ sự… định nghĩa lại, trẻ em là ai đối với chúng ta và việc tìm hiểu nhu cầu của trẻ để có thể hỗ trợ, đồng hành cùng chúng trong cuộc đời này. Nếu coi trẻ là sở hữu của cha mẹ, là đối tượng để xã hội uốn nắn, nhào nặn ra những sản phẩm mà người lớn mong muốn thì chúng ta sẽ mãi mãi ở trong cái mớ rối bòng bong này, không tìm thấy lối ra. Trẻ em là những cá thể tồn tại độc lập, có tố chất riêng ngay từ khi ra đời, theo thời gian, có chính kiến riêng và có cách riêng thể hiện những tố chất ấy của mình. Việc của chúng ta là phát hiện ra khả năng của trẻ, hỗ trợ môi trường để nó phát triển tốt, đồng hành với quá trình lớn của trẻ. Tôi rất nhớ câu nói của học giả Nguyễn Duy Cần: “Hãy để cây hường nở ra hoa hường, cây lan nở ra hoa lan”, chứ không thể ép cây lan nở ra hoa hồng được. Với việc giáo dục trẻ cũng vậy, bố mẹ, xã hội, thày cô có trách nhiệm như những người làm vườn, cho cây một khu vườn tốt, đôi khi nhổ cỏ, phun thuốc sâu, nhưng mỗi loài cây một kiểu vun trồng tưới tắm, để hoa hồng hoa lan nở ra những bông hoa đẹp nhất có thể. Tôn trọng cá thể độc lập của mỗi đứa trẻ, mỗi con người - đó vẫn là chìa khóa vàng của giáo dục”.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tien-si-giao-duc-thuy-anh-de-cay-huong-no-ra-hoa-huongcay-lan-no-ra-hoa-lan-tintuc415528