Tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo nôn nao đoản khúc ru mình

Tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo là bố đẻ của thần đồng Đỗ Nhật Nam lừng lẫy một thời. Trước mùa xuân Nhâm Dần 2022, tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo có 'đoản khúc ru mình'.

 Phó Giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Xuân Thảo.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Xuân Thảo.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo là bố đẻ của thần đồng Đỗ Nhật Nam lừng lẫy một thời. Tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo có học hàm Phó Giáo sư, từng dạy học tại dạy học tại Campuchia và Nhật Bản. Hiện nay, Tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo vẫn gắn bó với khoa ngôn ngữ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Mùa xuân Nhâm Dần 2022, Tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo bước vào tuổi 59 với niềm riêng “đoản khúc ru mình”.

1.

Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua song cửa, trôi khẽ khàng như những bước nhón gót nhẹ nhàng trong đêm khiến chính ta cũng không hay biết.

Ta chợt nhận ra điều đó khi mỗi sáng soi gương thấy tóc thêm vài ba sợi bạc, thấy chân tay đau nhức mỗi khi trở trời trái gió, thấy cái ngón tay chuyên gõ máy tính cứng đơ, nói gì nó cũng không chịu nghe và hễ cử động mạnh là buốt nhói.

Ta chợt nhận ra điều đó khi kí ức không còn vang động dư âm của những nụ hôn hay cái nắm tay dùng dằng thuở nào xa lắc. Ta nhớ về những trang kí ức ấy như hoài niệm về những gì thanh khiết của một thời quá vãng trong khi lòng chẳng còn cồn cào dứt day và luyến tiếc.

Ta chợt nhận ra điều đó khi biết mình “lực bất tòng tâm”, không thể tự mình làm chủ một cái gì, kể cả thân thể của mình và dĩ nhiên cả tuổi trẻ. Mình muốn tóc xanh mà tóc cứ bạc. Mình muốn ngủ mà mắt không chịu nhắm. Buồn, vui, thương, yêu, ghét bỏ, giận hờn cứ tự đến rồi đi chẳng chịu“xin phép” gì mình cả.

2.

Mẹ đẻ rơi mình trên cỏ “Bà mụ quê hút mũi/ Mầm nhau so đũa vá ngang trời”. Từ nhỏ, được ủ trong rơm lót ổ rồi lớn lên mình tự ru mình. Ru những khó nhọc muộn phiền bất an vây bủa, ru những đêm trằn trọc năm canh rồi ru những ngày sáu khắc đã thành nguồn cơn. Nên mình hồn nhiên nhưng cũng dễ tủi thân. Có lần nhà đói quá chẳng có gì ăn, mình ra góc vườn ngồi hát nghêu ngao cho quên đói, bị mẹ mắng, mình tủi thân khóc tức tưởi. Đêm đó, mình chui vào đống rơm trên gác chuồng lợn nằm ngủ.

Sáng ra bố dậy sớm nấu cám lợn, rút rơm nhóm lửa kéo tuột cả con rơi vèo xuống nền bếp ẩm sặc sụa mùi khói. Bố mới tá hỏa ôm con vào lòng nghẹn ngào thương thắt ruột. Vậy là, từ nhỏ mình đã thấm sự cô đơn trong nỗi buồn tuổi thơ dằng dặc. Bởi vậy, khi nghe lũ bạn ê a đọc bài “Mèo con đi học” của nhà thơ Vàng Anh với một vẻ mặt hết sức sung sướng vì bài thơ quá dễ thuộc, dễ nhớ, thì mình lại nghĩ đến nó bằng một nỗi buồn. Thương chú mèo con đi học với chỉ một - một mẩu bánh mì, một chiếc bút chì.

Ám ảnh về sự cô đơn đã nhen lên trong mình từ khi đó. Và mình chợt hiểu: Con người nhiều khi chỉ thực sự trưởng thành trong chính nỗi cô đơn của mình.

3.

Có một câu chuyện đã đọc từ hồi còn rất nhỏ nhưng rất ấn tượng với mình. Truyện kể về một đứa trẻ mồ côi được người nghệ sĩ hát nhạc dân tộc cưu mang và dạy hát. Cô gái hát khá hay nhưng giọng hát của cô chưa đủ sức truyền cảm. Một ngày kia, cô gái lâm bệnh vì đói rét, mắt cô gái mờ dần đến khi vũ trụ trở thành vô sắc. Vậy là, cô chỉ còn biết cảm nhận thiên nhiên muôn vật qua lời kể ân tình của cha từng ngày bồi đắp: Mặt trời đang lên con kìa. Đỉnh núi như đội chiếc mũ màu đỏ thắm. Mùa thu rồi đó con, thảm lá vàng đang rải miên man trên mặt đất. Rằm rồi con ạ, trăng tròn, lung linh in bóng xuống đáy hồ…

Cứ thế, cô lắng nghe và tưởng tượng. Trong thế giới tưởng tượng, mọi thứ hình như rực rỡ hơn, ảo diệu hơn, mọi cảm xúc trong cô vì thế cũng trở nên đậm đà, thấm thía và mãnh liệt hơn. Và rồi một buổi chiều cô lại cất tiếng hát, tiếng hát u uất, tiêu diêu, thăm thẳm khiến gió rừng như ngừng thổi, chim chóc ngừng hót và cả đất trời như chìm trong cõi ảo. Người cha rất hạnh phúc và sung sướng vì biết rằng dẫu thiệt thòi về thể xác nhưng tiếng hát của con gái ông rồi cũng chạm đến cõi người, đủ sức truyền cảm, day dứt, ám ảnh.

Tiếng hát ấy không chỉ cất lên bởi trí tưởng tượng mà nó còn được kết tinh bởi mạch nguồn yêu thương đầy ắp trong trái tim cô gái. Chính xác là nỗi đau khổ đã khiến cô chạm tới đỉnh cao của nghệ thuật. Dù đớn đau nhưng cô gái vẫn hạnh phúc bởi cô có một người cha tuyệt vời, một người cha biết lay động tâm hồn con bằng những câu chuyện kể thần tiên.

4.

Thẳm sâu trong tâm hồn, từ ấu thơ, mình cũng thấm thía đến tận cùng nỗi cô đơn. Nhìn thấy con gái của mình đến tuổi dậy thì bước vào thế giới người lớn, người bố (trong tạp văn của Trần Đình Dũng) nhẹ nhàng âu yếm hỏi: “Đến rồi hả con?”. Sau câu nói giản dị nhưng đầy sẻ chia ấm áp tình phụ tử ấy, người bố đã chỉ cho con thấy một chút màu đỏ ở đáy quần lót của con. Lúc đó, con chỉ cần vào nhà vệ sinh, thay quần lót, rửa “cái hoa”, lắp băng vệ sinh loại mỏng vào đáy quần rồi bước ra khỏi nhà vệ sinh hít một hơi dài và mỉm cười: Mình đã là người lớn.

Mình thì không có được cái may mắn đó. Xa nhà, sống tự lập từ nhỏ nên mình tự lớn tự khôn. Tuổi dậy thì ‘“đến rồi” mà mình vẫn hồn nhiên lên lớp, bị lũ bạn thành phố chọc quê mình mới rờ xuống đũng quần thấy sền sệt một màu trắng đục. Tủi thân đến tận cùng, mình chỉ con biết chui vào gầm cầu thang lặng lẽ khóc vùi.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo và "thần đồng" Đỗ Nhật Nam.

5.

Rồi mình cứ thế lớn lên như cỏ dại, lúc nào cũng già trước tuổi và có một khoảng trống vô biên trong lòng. Bởi thế, già rồi, mình vẫn thường giữ những thói quen cũ, ăn rất nhanh, đi cũng rất nhanh và nói thì rất to. Nhớ thuở hàn vi, mình đã từng có rất nhiều đêm đi dạy học về muộn, quáng quàng đạp xe sang Hà Đông để chăm nuôi anh trai, chị gái cả bị bệnh, đêm lủi thủi đạp xe về, gió lùa thông thốc tứ phía.

Về đến nhà gần nửa đêm mới lùa vội vàng mấy miếng cơm đắng ngắt, một mình với tiếng đũa khua rối bời trong đêm thanh vắng. Tiếng đũa chạm rã rời trong lòng bát. Giờ thì, mon men tuổi lục tuần, nhiều đêm mình vẫn giữ thói quen lủi thủi một mình nơi góc bếp lau chùi, sắp xếp bàn ghế, bát đĩa, xoong nồi… thìa xóc vào đáy đĩa mới nghe xước trong lòng những âm thanh buốt nhói.

Thế mới thấm thía, khi tuổi tác chất chồng, ngồi ăn một mình thấy như mình bước lạc trên đường đời, tròng trành lắm, muốn nghiêng về phía những mâm cơm náo động với lố nhố khóc cười của bầy trẻ nít, với nước canh rơi vãi, với tiếng quát nhốn nháo, với canh bí bầu “chồng húp vợ chan” đời thường giản dị…

6.

Nhiều năm sống một mình, bươn chải một mình, chèo chống một mình đã hằn sâu trong kí ức mình những đêm mưa, nghe tiếng mưa xiêu xiêu ngoài vách lá, mưa ào vào rồi rã rượi trên mái nhà, trượt theo những đuôi lá mục. Khe vách rách chẻ mỏng những ngọn gió ướt, chém ngọt qua người, lạnh rởn từng lỗ chân lông. Những lần đứng thông thênh giữa sân bệnh viện, ngơ ngác với cả chính mình. Mình bị những nỗi cô đơn bủa vây, cô đơn ngay cả khi ở chốn đông người. Mình càng thấm thía, chạm được đến tim một người là rất khó.

Đôi khi con người ta buộc phải lựa chọn: hoặc là không yêu bất cứ thứ gì, hoặc tập chai sạn trước nỗi đau. Nhưng cách nào rồi cũng dẫn con người về một chỗ: vô cảm. Thực sự là “không có gì bỗng dưng tệ đi cả, chỉ là chúng ta đã không nhìn thấy phần chìm của tảng băng trôi”.

7.

Viết đến đây, mình chợt liên tưởng đến nhân vật Lã Hậu - vị hoàng hậu duy nhất của Hán Cao Tổ Lưu Bang (hoàng đế sáng lập triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc). Lã Hậu là người phụ nữ sắc sảo, thương yêu và hết mực vì chồng. Từ thuở Lưu Bang - tên tục là Lưu Quý - còn hàn vi bà đã quyết lấy ông ta như một sự đánh cược với số phận và bà đã thành công. Tuy vậy, bà ta cũng vô cùng độc ác, nham hiểm. Để giành và giữ vương quyền, bà ta không từ bất cứ thủ đoạn nào kể cả cách trả thù tột cùng man rợ với Thích phu nhân như chặt chân tay, móc mắt, đốt tai, cho uống thuốc thành câm rồi bắt sống ở nhà xí và gọi Thích phu nhân là Nhân trư (người lợn).

Khi tưởng như có tất cả trong tay cũng là lúc bà ta dường như mất tất cả. Những năm tháng cuối đời, lúc Chu Bột hỏi “Thủ đoạn của hoàng hậu lợi hại như vậy tại sao không giữ được hoàng thượng. Cần nhắc hoàng hậu câu này: Đối với nữ nhân mà nói, phu quân mới là thiên hạ của họ. Đừng để thắng tất cả mà mất thiên hạ của mình”, Lã Hậu buồn bã trả lời “Nếu thời gian quay lại, ta tuyệt đối không sống như vậy nữa. Ta muốn sống cuộc sống bình thường phò chồng dạy con cả đời yên ổn…”.

ĐỖ XUÂN THẢO

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tien-si-do-xuan-thao-non-nao-doan-khuc-ru-minh-d314063.html