Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910)

Trích dẫn sách 'Các nhà khoa bảng họ Đặng Việt Nam', đoạn năm 1886, Đặng Xuân Bảng làm đốc học Nam Định (Hy Long di thặng. Đặng Nguyên Khu).

Một hôm học trò ngồi bàn nghĩa sách “Quân tử hữu tam úy, nghĩa là: Người quân tử có 3 điều sợ, sợ mệnh trời, sợ người có đức lớn, sợ câu nói của thánh nhân”. Rồi hỏỉ nhau ở đời, ngoại 3 thứ ấy còn sợ cái gì nữa không? Người thì nói: "Sợ thứ nhất kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng bài bây", người thì nói "sợ hồn ông mãnh trong nhà, sợ mặt quỷ sứ, sợ ma cà lồ", người nói "sợ nhất rắn hổ mang hoa, thứ nhì cạp liếp thứ ba mai gầm", Người thì nói" Sợ cọp". Mỗi người nói mỗi cách, cãi nhau ồn lên. Ông (ĐXB) nói: Im ta dạy. Cọp cũng đáng sợ nhưng sợ cọp thật không bằng sợ cọp giả. Học trò hỏi: Bẩm cọp giả là cái gì? Cái con vật khi bé đi 4 chân, đến khi lớn đi 2 chân, khi già đi 3 chân. Bẩm cái vật ấy chúng tôi hiểu cả rồi, nhưng sao lại gọi là cọp giả? Tai các anh vẫn thường nghe, mắt các anh vẫn thường trông đó. Không phải cọp nhưng vẫn mượn oai cọp dọa dân ta, nạt dân ta, cắn hại của cải của dân ta. Chả biết các anh có sợ không, nhưng ta đây sợ họ như cọp. Học trò nghe nói vỗ tay cười.

Đặng Xuân Bảng, tự Hy Long, hiệu Thiện Đình, Văn Phủ, sinh năm Mậu Tý (1828) đời Minh Mệnh thứ 8. Quê xã Hành Thiện, huyện Giao Thủy (nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Là con một nhà nho nghèo, cụ Đặng Viết Hòe. Cụ Hòe kiên trì học tập, bảy lần đi thi hương, lần nào cũng đậu tú tài, mà không đậu được cử nhân. Cụ mở trường dạy học ở làng và dạy các con thành đạt (con trưởng là Đặng Xuân Bảng đậu tiến sĩ, làm đến tuần phủ, con thứ Đặng Ngọc Toản, đậu Á nguyên, làm giáo thụ). Khi cụ Đặng Xuân Bảng đậu Tiến sĩ, Vua Tự Đức hỏi cụ học ai, cụ tâu là chỉ học thân phụ mà thôi, vua ban cho bố con cụ bốn chữ “Giáo tử đăng khoa” (nghĩa là tài dạy con, mà con thi đậu khoa bảng).

Đặng Xuân Bảng hai lần thi đậu tú tài (1846, 1848), khóa thi hương 1848, làng Hành Thiện có 1 người đỗ cử nhân là Đặng Đức Địch và 9 người đỗ tú tài, trong đó có hai bố con cụ Hòe, bố đỗ tú tài lần 5 và con Đặng Xuân Bảng đỗ tú tài lần 2, rồi đậu cử nhân khoa Canh Tuất (1850), lúc 23 tuổi. Vì nhà nghèo không có tiền làm lộ trình lên kinh đô Huế thi hội, thi đình, cụ nhận làm giáo thụ phủ Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) trong 6 năm. Đến năm Bính Thìn (1856) đời Tự Đức thứ 9, cụ mới đi thi hội, thi đình và đậu tiến sĩ Đệ tam giáp, lúc 29 tuổi. Ngay sau khi đỗ đại khoa, cụ được giao cho làm việc ở nội các (tức văn phòng bí thư của nhà vua), chuyên công việc sửa chữa và bổ túc các sách vở của triều đình. Sau đó cụ được bổ làm quyền tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa), rồi tri phủ Yên Bình (Tuyên Quang). Năm Tân Dậu (1861) cụ được triều đình cử làm giám sát ngự sử đạo Hải An. Cụ đã trình Vua Tự Đức nhiều bản điều trần về cải cách chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính. Thái độ thẳng thắn của cụ đã làm nhiều triều thần không ưa. Nhân ông án sát Quảng Yên bị cách chức vì đánh giặc Khách (giặc cướp người Trung Hoa) bị thua, hai ông Thượng thư Bộ Lại và Bộ Binh đã đề nghị cử cụ ra Quảng Yên cầm quân dẹp giặc. Cụ là quan văn không có chút kiến thức và kinh nghiệm nào về quân sự, nhưng vẫn phải tuân lệnh vua. Cụ gấp rút tìm đọc sách về binh pháp và tiếp xúc với các vị võ quan đã từng xông pha trận mạc để học hỏi. Khi ra Quảng Yên nhận chức án sát, cụ tổ chức lại đội quân, luyện tập kỹ càng về thủy chiến và đã đánh tan được quân giặc Khách. Từ đó cụ trở thành nổi tiếng văn võ toàn tài. Sau đó cụ được bổ nhiệm làm Bố chánh ở Thanh Hóa, ở Tuyên Quang, rồi ở Thanh Hóa lần thứ hai, rồi làm tuần phủ ở Hưng Yên. Ở đâu cụ cũng quan tâm đến phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân, được nhân dân mến mộ. Năm Quý Dậu (1873) khi quan hệ Việt - Pháp gặp nhiều khó khăn, triều đình cần phải có người có khả năng đối phó với Pháp ở một vùng trọng yếu là Hải Dương, nên đã cử cụ đến đó. Ở Hải Dương, cụ chăm lo ngay đến việc tập luyện quân sĩ, củng cố thành lũy. Từ tháng 11/1873 quân Pháp do Đại úy Phơrăngxi Gácniê chỉ huy, liên tiếp tiến đánh các thành Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương. Chỉ có ở Hà Nội, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân dân chiến đấu đến cùng và tuẫn tiết, còn ở các nơi khác quan quân nhà Nguyễn sợ giặc như cọp, thấy bóng giặc bỏ thành mà chạy hoặc nộp thành cho giặc. Chỉ riêng ở Hải Dương, Tuần phủ Đặng Xuân Bảng tổ chức kháng chiến đến cùng, thấy không bảo vệ được thành, cụ đã ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Triều đình cho việc để mất thành là có tội, nên đã triệu cụ về Huế để luận tội. Vua Tự Đức thừa nhận là cụ Đặng Xuân Bảng không sơ suất, đã chuẩn bị và cố gắng chiến đấu để giữ thành, lúc rút lui lại bảo toàn lực lượng, nhưng vẫn có tội để mất thành. Để đoái công chuộc tội, cụ phải ra vùng Đồn Vàng (Hưng Hóa, Phú Thọ) và Bất Bạt (Sơn Tây) mộ dân phu lập đồn điền. Công việc hoàn thành tốt đẹp, nên năm Mậu Dần (1878) cụ được xóa án và Vua Tự Đức lại vời cụ về kinh đô, nhưng cụ viện cớ mẹ già hay đau yếu xin được về quê phụng dưỡng mẹ già. Năm Ất Dậu (1885) dưới triều Vua Hàm Nghi, Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết tâu xin vua gọi các cựu thần trở lại làm việc. Cụ Đặng Xuân Bảng cũng được triệu về Huế, nhưng cụ lấy cớ tuổi già, lại hay bệnh tật, từ chối không đi. Năm Bính Tuất (1886) dưới triều Đồng Khánh, tổng đốc Nam Định là bạn cũ của cụ, đề cử cụ làm đốc học Nam Định,. Nể tình bạn và cũng muốn giúp sĩ tử tỉnh nhà, nên cụ nhận lời. Hai năm sau (1888) Vua Đồng Khánh triệu cụ vào kinh đô để trọng dụng, cụ cáo lão không đi mà xin về hưu, khi đó cụ 61 tuổi ta, khi về hưu cụ được giữ nguyên hàm Tuần phủ.

Trong hơn hai mươi năm vào cuối đời (1888 - 1910) cụ sống ở làng và chú tâm vào việc dạy học, đọc sách và khai khẩn đất hoang. Cụ nghiên cứu đủ các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật của phương Đông và phương Tây. Cụ đặc biệt lưu tâm khảo cứu, biên soạn các sách về địa lý, lịch sử văn hóa và các ngành khoa học Việt Nam. Ngoài những tác phẩm của mình, cụ còn mua và cho in lại rất nhiều sách quý chứa đầy 6 gian nhà ngói, gọi là thư viện Hy Long. Cụ mở trường dạy học, luyện cho học trò đi thi hương và thi hội. Tài dạy học của cụ vang lừng khắp Bắc Kỳ, nhiều học trò ở các tỉnh xa cũng đến theo học. Khi cụ Đặng Xuân Bảng mất có đến 300 học trò đến đưa đám và để tang cụ.

Cụ nhiều năm làm tiên chỉ làng (1898 - 1910), tiên chỉ tư văn làng (1856 - 1910) và tiên chỉ tư văn huyện Giao Thủy (1877 - 1910). Trong thời gian đó cụ đã đứng ra tổ chức nhiều việc công ích cho làng và khuyên học trò cố gắng học hành. Mở các cuộc bình giảng thơ phú ở văn chỉ để luyện thi cử cho các sĩ tử và cả luận đàm thế sự trong phong trào Đông kinh nghĩa thục ở làng.

Cụ Đặng Xuân Bảng là người có tài kinh tế, có chí hướng canh tân. Những đề nghị cải cách của cụ gửi Vua Tự Đức hồi cụ làm cụ giám sát ngự sử ở triều đình (1861 - 1864) không được Vua Tự Đức chấp thuận, nay cụ mang ra áp dụng ở làng và khuyến khích dân làng thực hiện. Cụ đã đứng tên xin khai khẩn đất nổi ở ngoài đê tả ngạn sông Hồng lập ra ấp Tả Hành (nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Thư, tỉnh Thái Bình). Ấp này rộng 200 mẫu ta, do phù sa sông Hồng bồi đắp, rất phì nhiêu, nên dân cư đến sinh sống ngày một đông.

Khi cụ mất, (ngày 1 tháng 11 năm Canh Tuất (1910), thọ 83 tuổi), dân làng Tả Hành đã thờ cụ làm Thành hoàng làng. Năm 1925, Vua Khải Định sắc phong ban tặng cụ mĩ tự: “Đoan Túc Dực Bảo trung hưng tôn thần”.

Cụ Đặng Xuân Bảng có 5 người con trai, trong đó nổi bật hơn là nhà văn hóa Đặng Xuân Viện (tức Bốn Đễ, phụ thân cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh)./.

Đặng Văn Lộc

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tien-si-dang-xuan-bang-1828--1910-65150